> Ông Dương Chí Dũng 'cúng giải hạn' trước khi bỏ trốn?
CQĐT nhận định, nhiều khả năng ông Dũng vẫn đang lẩn trốn ở trong nước. “Nếu xác định được ông Dũng đã bỏ trốn ra nước ngoài, chúng tôi sẽ phối hợp với Interpol làm các thủ tục ra lệnh truy nã quốc tế bị can”- đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm tham nhũng (C48) - Bộ Công an cho biết, tại buổi họp báo sáng 22-5, thông báo kết quả điều tra ban đầu về vụ tiêu cực tại Vinalines.
Thổi giá sửa ụ nổi, rút tiền Nhà nước
Cũng theo đại tá Trần Duy Thanh, hành vi cố ý làm trái của các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi No83M được phát hiện khi điều tra mở rộng vụ án “tham ô tài sản” trong việc sửa chữa ụ nổi này.
Cụ thể, tháng 1-2012, C48 Bộ Công an phát hiện những sai phạm trong việc thực hiện sửa chữa ụ nổi No83M thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam.
Sau một tháng thu thập tài liệu, chứng cứ, CQĐT đã khởi tố vụ án “tham ô tài sản”, bắt giam các ông Trần Hải Sơn (SN 1960, Tổng giám đốc Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines); Trần Văn Quang (SN 1976, Trưởng phòng kế hoạch Cty); Trần Bá Hùng (SN 1979, Phó trưởng bộ phận vỏ Cty TNHH Huyndai Vinashin) và Phạm Bá Giáp (SN 1972, Giám đốc Cty TNHH Nguyên Ân, Nha Trang).
CQĐT xác định, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Sơn và ông Quang móc ngoặc với Trần Bá Hùng (người ghi đơn giá sửa chữa phần hàn sắt trong hợp đồng) “thổi” giá thép lên cao hơn 10.000 đồng/kg, sau đó thông qua Cty Thiên Ân hợp thức hóa đơn, rút tiền Nhà nước.
Trong đó, các cán bộ thuộc Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vianlines được chia hơn 2,5 tỷ đồng, ông Trần Hải Sơn chiếm hưởng 900 triệu đồng, số còn lại Trần Văn Quang chiếm hưởng. Sau khi bị khởi tố bắt giam, các bị can đã tự giác nộp lại hơn 1,2 tỷ đồng.
Trước khi trốn, ông Dũng đã bị triệu tập
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, CQĐT đã làm rõ hành vi cố ý làm trái của các ông Dũng, Phúc, Chiều trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và mua ụ nổi No83M.
Theo điều tra, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, ngày 27-6-2007, ông Dương Chí Dũng (khi đó là Chủ tịch HĐQT Vinalines) đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt một ụ nổi.
Nhưng sau đó, ông Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines, có văn bản trình và được ông Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt nâng tổng mức đầu tư lên thành 6.489 tỷ đồng. Tương tự, việc mua sắm ụ nổi cũng đã bị đội giá từ 14,136 triệu USD lên thành 24,3 triệu USD.
CQĐT xác định, việc làm trên của các bị can trái với Quyết định của Thủ tướng, trái Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư... Đến nay, tổng số tiền Vinalines đã chi cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi, lãi vay ngân hàng và một số khoản chi phí khác hết khoảng 480 tỷ đồng.
Hiện việc vay vốn và xây dựng nhà máy đã bị tạm dừng, ụ nổi không được đưa vào khai thác gây lãng phí rất lớn. Uớc tính, thiệt hại ban đầu trong việc mua ụ nổi No83M là 100 tỷ đồng.
Đại tá Trần Duy Thanh cho biết, trước khi ra quyết định khởi tố bị can, CQĐT đã triệu tập ông Dương Chí Dũng lên làm việc và ông Dũng đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Tương tự, ông Phúc, Chiều cũng thừa nhận việc mình đã làm trái với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật.
Nghi vấn lộ lọt thông tin
Tại cuộc họp báo, đại tá Trần Duy Thanh đã trả lời nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vụ án; đồng thời khẳng định CQĐT sẽ làm rõ có hay không việc lộ lọt thông tin, bởi ông Dũng bỏ trốn ngay trước thời điểm bị khởi tố.
“Chiều 17-5, khi CQĐT ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, ông Dũng không có mặt ở nơi làm việc, cũng như nơi cư trú. Do đó, CQĐT phải ra quyết định truy nã. Hiện nay chúng tôi chưa có thông tin gì liên quan đến động cơ thúc đẩy ông Dũng bỏ trốn, việc thông tin có bị lộ lọt hay không, sẽ được làm sáng tỏ khi bắt được bị can này”- đại tá Thanh nói.
Cũng theo đại tá Thanh, nếu không bắt được ông Dũng thì việc điều tra sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc điều tra còn căn cứ vào rất nhiều tài liệu, chứng cứ khác, nên không ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều tra vụ án.
Sau khi tiến hành điều tra hành vi của các bị can, CQĐT sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Diễn biến vụ án
- Tháng 1-2012, cơ quan CSĐT (C48) xác minh, bước đầu làm rõ dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi No83M.
- Ngày 1-2, C48 khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hải Sơn, Tổng Giám đốc Cty sửa chữa tàu biển Vinalines.
- Ngày 17-5, Cơ quan CSĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái, ra lệnh bắt tạm giam các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều.
- Ngày 18-5, Cơ quan CSĐT ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc đối với bị can Dương Chí Dũng.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Giám sát chặt tài sản nhà nhà nước trong các tập đoàn...
|
Trao đổi với Tiền Phong bên lề Quốc hội (QH) chiều 22- 5, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, vụ việc tại Vinalines là giọt nước tràn ly, đặt ra đòi hỏi bức thiết phải có ngay giải pháp chặt chẽ hơn trong việc giám sát tài sản nhà nước mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý.
Ông Ngân nói: Trong những năm qua, chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ, tài chính. Dẫn tới đầu tư dàn trải, trong khi khả năng kiểm soát của nhà nước không theo kịp.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng vậy, đầu tư lớn nhưng khả năng quản lý nhà nước còn yếu, thể chế không rõ ràng. Nếu các cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, cố ý làm trái sẽ dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.
Vừa qua, chúng ta nói đến đầu tư công thường chỉ chú ý đến đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ mà để lỏng giám sát đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thực tế, đầu tư của DNNN rất lớn, trong 5 năm (2006- 2010) tổng vốn đầu tư của DNNN lên tới hơn 310 nghìn tỷ đồng.
Tôi biết Bộ Tài chính đang đẩy nhanh quá trình ban hành các văn bản cụ thể hơn trong việc quản lý tài chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Vụ việc tại Vinalines là giọt nước tràn ly, đặt ra đòi hỏi bức thiết Chính phủ phải có ngay giải pháp chặt chẽ hơn trong việc giám sát tài sản nhà nước mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua ít bị kiểm toán. Có đơn vị báo cáo lãi nhưng kết quả thanh tra là lỗ. DNNN chưa được giám sát như một công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Yêu cầu hiện nay là phải công khai minh bạch báo cáo tài chính. Có như vậy mới tạo điều kiện cho công tác giám sát. Tới đây, cần quy định rõ hơn yêu cầu công bố thông tin, kiểm toán bắt buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Gắn quyền lợi và trách nhiệm của lãnh đạo các DNNN.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm: Cơ chế quản lý có lỗ hổng
|
Ông Cao Sỹ Kiêm. |
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhận định, cơ chế quản lý, giám sát DNNN còn lỏng lẻo, có lỗ hổng.
Theo ông Kiêm, việc tổng kết, đánh giá các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa bài bản, rõ. Hơn nữa, việc tiếp cận, tiếp xúc không giống nhau, đánh giá khác nhau nên các giải pháp đưa ra cũng khác nhau.
Muốn quản lý được DNNN phải nắm rõ được thực trạng. Anh không nắm được, ví như tái cơ cấu Vinashin nhưng lại đẩy một số nợ lớn sang cho Vinalines mà thực chất khi đó Vinalines cũng đang khó khăn lắm rồi.
Điều này chứng tỏ chúng ta chưa nắm rõ được thực trạng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hay như việc đề bạt ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT trả lời không nắm được việc ông Dũng có sai phạm.
Vậy tại sao lãnh đạo Bộ không nắm rõ thông tin về ông Dũng mà cứ đề bạt. Đây là biểu hiện quản lý chưa tốt.
Khâu kiểm tra, giám sát cán bộ yếu, không sát. Chỉ trông chờ vào đạo đức của cán bộ là rất rủi ro. Người nào trong sáng, liêm khiết đến đâu mà không có chế tài, không được quản lý thì cũng dễ dẫn đến sai phạm, dễ sa ngã.
Thêm vào đó, nếu phát hiện sai phạm mà không xử lý nghiêm thì kỷ cương sẽ bị giảm sút. Xuất phát từ cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng thì sẽ có nhiều người lợi dụng. Người nhỏ thì ăn nhỏ, người to ăn to…
Hà Nhân - Ngọc Tiến