Ông được người dân khu vực, nhất là công nhân gọi là ông “đường dây nóng”
Nửa đêm đi đỡ đẻ…
Ông Định, sinh năm 1950, nguyên là Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Thới, huyện Lái Thiêu (nay là phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An). Năm 2000, ông về làm trưởng phòng hành chính Bệnh viện Đa khoa Thuận An, đến năm 2010 về hưu. “Chính thời gian này, công nhân đổ về đây sinh sống ngày một đông”, ông Định nói.
“Ngày con Thu đẻ rơi, cả xóm trọ chạy đến cầu cứu tôi. Chữa xong tôi cũng phải cho thêm tiền để mẹ con nó sống qua mấy ngày đầu”.
Ông Hồ Văn Định
Cách đây khoảng 10 năm, hôm đó khoảng hơn 11 giờ đêm, ông Định đang ngủ thì có một anh đi xe đạp đến gõ cửa ầm ầm, nói giọng Nghệ An: “Chú ơi, vợ cháu đẻ rơi rồi. Chú cứu vợ cháu với”.
Ông Định vội khoác cái áo, xách túi sơ cứu chạy theo chàng trai kia đến phòng trọ. “Đến nơi, tôi thấy một sản phụ nằm co ro một bên, bên kia là bé sơ sinh mặt tái mét, cả mẹ và con còn dính với nhau bằng dây rốn”, ông Định kể.
Ngay lập tức, ông Định lau sạch người em bé, khai thông khí quản rồi quấn khăn quanh người, để bé gần bóng điện giữ ấm. Đến lượt người mẹ, ông Định dùng thủ thuật lấy nhau thai ra, sơ cứu và cầm máu, sau đó yêu cầu đưa đi viện để được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, khi nghe nói đi viện, cô gái chảy nước mắt, nói: “Chú ơi, con không muốn đi viện, con không có tiền. Mẹ con con vẫn khỏe mà chú!”.
Thấy hoàn cảnh đáng thương, ông Định kiểm tra lại sức khỏe lần nữa cho hai mẹ con, thấy vẫn ổn nên chấp nhận để hai mẹ con ở lại nhà. Ông kêu người chồng đi mua ít sữa với bánh trái về cho vợ ăn, nhưng không thấy trả lời. Ai ngờ, trong lúc ông sơ cứu cho hai mẹ con, anh kia bỏ trốn.
Sau này hỏi bà chủ nhà trọ nơi cô gái đẻ rơi mới biết, cô gái người Nghệ An, anh kia cùng quê, lâu lâu mới ghé, không biết có phải chồng hay không. “Ngày cô gái này sinh, thằng đó đến chơi rồi hai đứa đóng cửa cả ngày, đến tối xảy ra chuyện nên nó trốn luôn”, ông Định kể.
Một trường hợp khác cũng đẻ rơi được ông Định cứu chữa là Hồ Thị Thu, quê Ninh Bình, công nhân may. Thu quen một người đàn ông quê Quảng Ngãi, hai người sống chung với nhau cho đến ngày Thu mang thai tháng thứ 7 thì người này bỏ trốn, không cách nào liên lạc được. “Ngày con Thu đẻ rơi, cả xóm trọ chạy đến cầu cứu tôi. Chữa xong tôi cũng phải cho thêm tiền để mẹ con nó sống qua mấy ngày đầu”, ông Định kể. Tuy nhiên, vài ngày sau Thu cũng đem con cho người khác, rồi từ đó chuyển nhà trọ, mất liên lạc đến bây giờ.
Cưu mang bà bầu
Không chỉ cứu người đẻ rơi, ông Định còn giúp ba “bà bầu” không nơi nương tựa. Năm 2005, lúc đó nữ công nhân tên Lê Thị Nhung, quê Thanh Hóa đang mang thai khoảng 5 tháng, bị người yêu bỏ. Nhung rất khó khăn, nợ nhiều tháng tiền nhà của gia đình ông nhưng không có để trả. Thấy hoàn cảnh bi đát, ông Định bàn với vợ cho Nhung tiếp tục ở trong dãy trọ, khi nào có tiền trả sau.
Ông Định hỏi chuyện, định xin số điện thoại ba mẹ Nhung để thông báo tình hình, nhưng Nhung một mực không cho. “Hổ dữ không ăn thịt con, ba mẹ con chắc không nỡ từ bỏ con được. Giờ nghe chú, báo cho ba mẹ một tiếng để ông bà biết, một mình con không thể nào lo được cho em bé đâu”, ông Định thuyết phục.
Nghe lời, Nhung đưa số điện thoại, ông Định thông báo, an ủi bố mẹ Nhung. Đến ngày sắp sinh, ông Định dẫn Nhung ra ga Sài Gòn, mua vé, cho thêm tiền ăn uống trên đường về nhà. “Tôi coi nó như con gái nên lo lắm, phải lên đến tận tàu rồi gửi những người xung quanh để ý giúp cho nó mới yên tâm về nhà”, ông Định nhớ lại. “Ngày Nhung sinh em bé, nghe nó báo tin tôi vui lắm, coi như mình có thêm đứa cháu ngoại. Mong là cháu nó làm lại cuộc đời, nuôi dạy con cái nên người”, ông Định nói.
Anh Nguyễn Thanh Quang, công nhân trong xóm trọ của ông Định cho biết, ông Định là người luôn quan tâm đến công nhân, nhất là công nhân nữ. “Lâu lâu chú Định lại tổ chức sinh hoạt dãy trọ để phổ biến pháp luật, những câu chuyện ông đỡ đẻ cho công nhân rồi nuôi ăn ở cho bà bầu là điển hình để cho những nữ công nhân lấy làm bài học, giữ gìn hạnh phúc sau này”, anh Quang nói.