Ồn ào chuyện phục dựng sắc phong ở phủ Vân Cát (Nam Định)

TPO - Ngày 16/9, Cục Di sản văn hóa có văn bản khẳng định với những căn cứ pháp lý hiện hành, việc phục hồi, làm mới các sắc phong liên quan đến phủ Vân Cát (tỉnh Nam Định) là không thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên chuyện phục dựng sắc phong tại phủ Vân Cát gây xôn xao dư luận.

Không thể làm bản sao khi không có bản gốc trước mặt

Ngày 10/9, UBND huyện Vụ Bản có công văn số 1040/UBND-VHTT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nam Định liên quan đến nội dung đón nhận sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia của phủ Vân Cát.

Trong công văn nêu: "Ngày 6/9/2024, UBND xã Kim Thái đã nhận được đơn đề nghị của ông Trần Văn Cường-thủ nhang phủ Vân Cát, xã Kim Thái trình bày vấn đề như sau: Sau khi nhận được công văn số 98/HN ngày 66/09/2024 của Viện nghiên cứu Hán Nôm thông báo về thời gian bàn giao sắc phong cho địa phương xã Kim Thái và phủ Vân Cát, thủ nhang phủ Vân Cát đã tổ chức hội nghị quân-dân-chính để họp bàn và thống nhất việc tổ chức kỷ niệm ngày Đản Sinh Đức Thánh Mẫu (15/8 Âm lịch) và đón nhận sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia của phủ Vân Cát".

Phủ Vân Cát nằm phía bắc thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: TL

Công văn cũng cho biết tại hội nghị, 100% các đại biểu nhất trí đón nhận sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia của phủ Vân Cát vào ngày 15/8 Âm lịch (tức ngày 17/9/2024). Vì vậy, UBND huyện Vụ Bản đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Nam Định xem xét, tạo điều kiện và hướng dẫn địa phương đón nhận sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia nói trên.

Ngày 16/9, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản trả lời, khẳng định với những căn cứ pháp lý hiện hành, việc phục hồi, làm mới các sắc phong liên quan đến phủ Vân Cát là không thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa vì việc làm bản sao chỉ được thực hiện khi có bản gốc và có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về VHTTDL.

Theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, bản thống kê hiện vật, di tích Phủ Vân Cát không có các sắc phong.

"Luật Di sản văn hóa quy định việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải căn cứ từ bản gốc, phải có bản gốc để đối chiếu và phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch. Luật chỉ quy định về việc phục hồi đối với di tích lịch sử-văn hóa, không quy định phục hồi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia", công văn của Cục Di sản văn hóa nêu.

Tiến sĩ Chu Xuân Giao (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) - từng là thành viên Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích phủ Vân Cát (năm 2022) - khẳng định với Tiền Phong nguyên tắc đầu tiên khi làm bản sao là phải có bản gốc để đối chiếu, xác minh.

Vì vậy, kết luận của Cục Di sản văn hóa về việc dừng làm mới sắc phong ở phủ Vân Cát là hoàn toàn đúng đắn.

Từng có tình trạng treo biển di tích không đúng tên gọi lịch sử, không đúng quy định tại phủ Vân Cát. Ảnh: TL

"Việc sao chép phải được chủ sở hữu bản gốc đồng ý tiến hành, đồng thời phải có quy trình, xin phép các cơ quan từ trên xuống dưới. Ở cấp tỉnh người ra quyết định là chủ tịch tỉnh, ở cấp quốc gia là Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Công tác sao chép yêu cầu có bản gốc trước mặt, phải làm đúng, y hệt bản gốc", TS. Chu Xuân Giao nói.

Về những sắc phong thác bản, bản dịch các văn bia của phủ Vân Cát được đề cập trong công văn của UBND huyện Vụ Bản, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định, chuyên gia khẳng định không hề có bản gốc mà chỉ có bản chép tay trên giấy dó.

Gây sai lệch di sản

Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh việc cơ quan chức năng hướng dẫn chính quyền địa phương không tổ chức tiếp nhận các hiện vật làm mới vào di tích, hoặc sử dụng vì mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Trường hợp thác bản sắc phong mới đã được làm xong, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đề nghị sở VHTTDL chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, hủy bỏ để không làm sai lệch di sản văn hóa.

TS. Chu Xuân Giao nhận định: "Những việc làm không đúng theo pháp luật đưa mọi thứ đi theo hướng tiêu cực. Hiện tượng làm mới sắc phong nổi lên nhiều, khắp nơi đều làm. Tuy nhiên, hành vi cố tình làm trái Luật Di sản văn hóa sẽ gây nguy hại đối với di sản quốc gia, ảnh hưởng đến thế hệ sau này. Quanh vấn đề sắc phong ở phủ Vân Cát, Cục Di sản Văn hóa đã lên tiếng đúng lúc, hoàn toàn thuyết phục về mặt pháp lý lẫn học thuật. Việc làm mới sắc phong ở phủ Vân Cát đã sai ngay từ xuất phát điểm".

Thực tế đây không phải lần đầu tiên chuyện phục dựng sắc phong tại phủ Vân Cát gây xôn xao dư luận. Đầu năm 2022 dư luận phản ánh 18 đạo sắc phong tại di tích phủ Vân Cát là tư liệu ngụy tạo sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ 21.

Một trong những "sắc phong" được làm mới không có đủ căn cứ ở phủ Vân Cát. Ảnh: TL

Tổ công tác khảo sát nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong đã tiến hành khảo sát tỉ mỉ, đo đạc kích thước từng tờ tư liệu. Tổ công tác đã đưa ra kết luận 18 tờ tư liệu trong hòm đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát đều là sản phẩm nhái. Việc tiến hành tiêu hủy 18 tờ tư liệu được UBND xã Kim Thái phối hợp với phòng, ban huyện Vụ Bản thực hiện.