Nút thắt 'giải phóng mặt bằng' gây chậm tiến độ hàng loạt dự án sẽ được tháo gỡ

TPO - "Với Điều 43, Luật Thủ đô 2024, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ". 

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại Hội nghị Phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024 do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 11/10.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngày 28/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây là đạo luật rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, Luật đã quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của Thủ đô và những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Qua đó tạo thể chế thuận lợi, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, sau khi Luật Thủ đô được thông qua, Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, HĐND, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản để chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô. Ví như, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô. Đồng thời, rà soát và xây dựng các văn bản để tổ chức thi hành Luật...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Quán triệt một số nội dung cơ bản của Luật Thủ đô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, Luật Thủ đô hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy quán triệt một số nội dung cơ bản của Luật Thủ đô 2024.

Theo đó, Luật đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ví như, Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại).

Ngoài ra, Luật Thủ đô 2024 cũng phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định...

Luật cũng xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Chính quyền quận Hà Đông vận động người dân bàn giao đất, giải phóng mặt bằng

Đặc biệt, Luật đã cũng mở ra “kỷ nguyên mới” trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (thứ 5, từ trái sang) trao Bằng khen cho các Tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô năm 2024.

Với các dự án hạ tầng giao thông lớn, điểm đáng quan tâm nhất là Điều 43, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nội dung: “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công”. Như vậy, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ, bà Thủy chia sẻ.

Theo bà Thủy, trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhân dân để các chính sách ban hành đảm bảo hiệu quả, thực tiễn, truyền tải các tinh thần của Luật Thủ đô vào cuộc sống.

Nhân dịp này, UBND TP. Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 36 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô năm 2024.