Nuôi dê cải thiện chiều cao
Anh Đua cho biết, trước đây hai con của anh gầy nhom. Vì thế, anh nảy ra ý tưởng sẽ nuôi dê trước hết để lấy sữa cho con uống đảm bảo nguồn sữa tươi nguyên chất và yên tâm về chất lượng.
Năm 1999, anh Đua tìm kiếm thông tin trên mạng rồi đến Trung tâm Nghiên cứu dê, thỏ Sơn Tây (Hà Nội) để mua 12 con dê giống. Sau đó, đem về nhà đầu tư xây chuồng với diện tích hơn 100 m2, tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. “Ở nông thôn ăn uống thiếu thốn, hai con tôi người gầy còm, nhưng sau sáu năm đã cải thiện chiều cao đáng kể nhờ uống sữa dê hằng ngày”, anh Đua chia sẻ.
Trang trại của anh cách trung tâm xã hơn 3 km, nằm sâu trong con đường ngoằn ngoèo, vắng vẻ. Bản thân anh là công chức nhà nước làm ở huyện. Anh cho biết, hằng ngày, thức dậy từ 4 giờ sáng để vắt sữa đến hơn 6 giờ rồi chuẩn bị đi làm việc. Hết buổi sáng về nhà tranh thủ đi cắt cỏ cho dê ăn. Còn buổi tối anh dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại và chăm sóc đàn dê.
Theo anh Đua, dê dễ nuôi, ít bị ốm, chủ yếu ăn cỏ và phụ phẩm nông nghiệp như bắp, đậu xanh. Thời gian nuôi từ lúc mới đẻ đến bán là khoảng một năm, đạt trọng lượng gần 40 kg/con. Mỗi năm, con dê cái đẻ từ 1 đến 3 con. Ngoài việc chọn con giống tốt để làm nái thì còn bán dê thịt cho các thương lái ở khắp các tỉnh ĐBSCL và miền Trung đến tìm mua. Hiện tại giá dê hơi mà thương lái đến nhà mua dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Nói về kỹ thuật nuôi, anh Đua chia sẻ, chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát.
Anh Đua vừa bán 30 con với 1,5 tấn dê thịt, giá 105 nghìn đồng/kg, thu được trên 150 triệu đồng. Hiện tại, trong trang trại còn 90 con. Trong đó, 50 con dê nái chuẩn bị đẻ và 40 con dê thịt. Theo anh Đua, số dê nái này dự kiến đẻ được trên 100 con và anh sẽ giữ lại để nhân giống.
ĐBSCL có cỏ “khôn” chứ không cỏ dại
Theo anh Đua, ở ĐBSCL dọc các bờ kênh cỏ mọc đầy nhưng rất ít người khai thác mà chủ yếu là xịt cho chết, gây lãng phí. Trong khi, việc nuôi dê phù hợp với gia đình nghèo ở nông thôn. Chỉ cần hỗ trợ vốn ban đầu 2,5 triệu đồng/con, chịu khó mỗi ngày cắt 15 kg cỏ cho ăn, sau một năm bán có lãi trên 12 triệu đồng, nhiều hơn lúa gấp ba lần. Ngoài ra, trung bình một con dê sữa sẽ cho hơn 2 lít sữa/ngày. Mỗi gia đình lấy sữa đó cho con uống đều đặn thì chỉ trong vài năm là chiều cao sẽ cải thiện đáng kể.
Anh Đua kể: “Có lần một giáo sư vào nhà người bà con chơi. Khi đi ra vườn tham quan, ông giáo sư nói sao trên bờ trồng dừa mà để cho cỏ mọc đầy. Người bà con trả lời: Trên bờ trồng cây còn tận dụng dưới đất trồng cỏ để cho dê ăn. Lúc đó, ông giáo sư nói thế thì đó là cỏ “khôn” chứ đâu phải cỏ dại”.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, cách đây 3 năm, anh Đua đã đầu tư hệ thống tưới tự động trên diện tích gần 0,7 ha phía sau nhà với kinh phí trên 20 triệu đồng trồng cỏ motola 2, voi xanh, cỏ xã, cỏ ti lô. “Khi tôi làm hệ thống tưới cỏ tự động thì có nhiều người làm ruộng lân cận hay đi ngang qua trầm trồ nói làm gì lạ hơn người khác vì hệ thống tự động chủ yếu tưới cây ăn trái, hoa màu hay rau chứ ai tưới cỏ bao giờ”, anh Đua kể và lý giải, do điều kiện gia đình không có người làm. Nếu tưới bằng máy trên diện tích này mất gần nửa ngày và tiền xăng mất cả trăm ngàn. Còn cho cỏ mọc tự nhiên thì vào mùa nắng tháng giêng, tháng hai cỏ sẽ chết hoặc cỏ bị sượng không đủ chất dinh dưỡng cho dê ăn. Vì thế anh quyết định đầu tư đường ống, motor một lần cho tiện. “Nhiều lúc tôi đi vắng, vợ ở nhà chỉ cần mở điện lên cái là xong. Vòi phun đều, đỡ phải tốn công mà chi phí chỉ bằng một nửa tưới máy. Hơn nữa cỏ phát triển tốt, đủ chất dinh dưỡng giúp đàn dê mau lớn”, anh Đua nói.
Hiện tại, anh Đua còn đầu tư trồng thêm 2 ha cỏ trên đất lúa và đã mở rộng xây chuồng thêm gần 200 m2 để phát triển đàn dê. Trong thời gian tới, anh còn dự định sẽ mở rộng quy mô lên 500 con, xây dựng quy trình kỹ thuật hiện đại để giảm thời gian lao động và phục vụ con giống tốt cho người dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, anh còn nuôi hàng trăm con bồ câu Pháp đã hơn 10 năm nay.
Anh Huỳnh Tấn Nuôi, Phó Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành A, đánh giá, mô hình nuôi dê của anh Đua là điển hình cho phong trào phát triển sản xuất ở địa phương. Bản thân anh luôn học hỏi, kiên trì và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian tới, huyện sẽ giới thiệu thanh niên đến học hỏi kinh nghiệm để phát triển sản xuất và thoát nghèo.