Xả thải ra hồ nước đầu nguồn
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 13/9/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã cấp Giấy phép số 2825 cho Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Phú Minh, Kỳ Sơn, Hoà Bình), khai thác sử dụng nước mặt với mục đích cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và các mục đích sử dụng nước khác của chuỗi đô thị Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn (Hà Nội). Lượng nước khai thác, sử dụng lớn nhất 640.00m3/ngày, thời gian khai thác 24/24h.
Đáng chú ý, ngày 27/5/2019, Bộ TN&MT lại ký ban hành Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 1307, trong đó nêu rõ: Cho phép Cty CP đầu tư nước sạch Sông Đà được xả thải từ Nhà máy nước sông Đà ra suối Bằng rồi chảy vào hồ Đầm Bài tại xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn. Giấy phép này cũng cho Nhà máy nước sông Đà xả cả nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt sau khi xử lý ra suối Bằng, chảy vào hồ Đầm Bài.
Vị trí số 1 xả nước thải sản xuất là 32.000m3/ngày đêm và vị trí số 2 là nước thải sinh hoạt 15 m3/ngày đêm. Dù Giấy phép 1307 yêu cầu tiêu chuẩn của nước xả thải không vượt quá quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Tuy nhiên, điều khiến người dân lo ngại, hồ Đầm Bài đang được nhà máy nước sông Đà sử dụng làm bể lắng, chứa nước thải và cũng lại là nơi cấp nước đầu nguồn cho nhà máy này sản xuất nước sinh hoạt.
Quan sát của PV cho thấy, tại khu vực nhà máy nước sông Đà, không chỉ có khu sản xuất mà công ty này cũng xây cả một khu nhà khách để cho cán bộ công nhân và khách ăn, nghỉ tại đây. Như vậy, hồ Đầm Bài vừa là nơi chứa nước thải từ Nhà máy nước sông Đà vừa là nơi cung cấp nước nguồn cho nhà máy này.
Liên quan đến đầu nguồn nước bị ô nhiễm, ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình thừa nhận thực tế: Trâu, bò kiếm ăn xung quanh và tắm ở các suối dẫn nước vào hồ Đầm Bài rất nhiều. Bên cạnh đó, với chiều dài quanh hồ khoảng 16 km2, các chất thải đổ xuống hồ Đầm Bài không thể kiểm soát được.
Ngày 26/10, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Thanh Hải, Phó giám đốc Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình cho biết: "Chúng tôi không hề thấy Viwasupco đầu tư dự án nâng cấp ở đầu nguồn cho giai đoạn 2. Như vậy, Nhà máy nước sạch sông Đà hiện chỉ đầu tư đường ống ở phía Hà Nội để nâng công suất lên gấp đôi so với hiện tại là 600.000 m3/ngày đêm".
Theo ông Hải, việc quản lý công trình hồ Đầm Bài chủ yếu là để phục vụ việc tưới tiêu cho 645ha đất sản xuất của 3 xã thuộc huyện Kỳ Sơn. Công trình hồ Đầm Bài là hồ chứa lớn với 69,9ha, mực nước luôn được duy trì ở mức cao và có 93ha diện tích hành lang. Kênh dẫn nước từ sông Đà vào hồ dài hơn 3km, chảy qua các vùng canh tác của người dân không được rào chắn.
"Khu vực bị ô nhiễm dầu xả thải là kênh dẫn vào Nhà máy, chứ không thuộc phạm vi quản lý của công trình hồ Đầm Bài do Công ty của chúng tôi quản lý. Về mùa mưa, Hà Nội chỉ dùng nước của hồ Đầm Bài chứ không phải nước sông Đà.
Cty nước sạch sông Đà lấy trực tiếp nước từ hồ Đầm Bài về nhà máy để xử lý. Nước xả thải, sau khi xử lý lại đổ trực tiếp xuống hồ Đầm Bài, vì không có chỗ xả thải khác. Sau đó nhà máy lại hút lên xử lý tiếp, cứ theo kiểu vòng tròn như vậy. Trước đây Nhà máy là của nhà nước, bây giờ cổ phần rồi phải thay đổi công nghệ đi, phải bỏ tiền ra mà đầu tư chứ không thể xử lý vòng tròn như vậy", ông Hải trăn trở.
Hoà Bình đòi lại hồ Đầm Bài
Ngày 25/10, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho hay, vụ ô nhiễm nguồn nước tại Nhà máy nước sạch sông Đà là rất nghiêm trọng. Sự việc đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thành phố Hà Nội, là bài học cho nhà máy xử lý cung cấp nước sạch trong vấn đề đảm bảo an toàn nguồn nước.
Để đảm bảo an toàn nguồn nước trước mắt cũng như về lâu dài, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà cần phải đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy. Không dùng kênh dẫn nước hở như hiện nay, và không sử dụng nguồn nước sông Đà thông qua hồ Đầm Bài.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu công ty này xác định thời hạn cụ thể, trả hồ Đầm Bài cho tỉnh quản lý, sử dụng đúng công năng, phục vụ sản xuất. Đồng thời, yêu cầu công ty khẩn trương xây dựng hệ thống ống dẫn nước thô kín khi đầu tư mở rộng nhà máy giai đoạn II, cũng như thay thế hệ thống kênh dẫn hiện tại bằng hệ thống ống dẫn kín.
Manh nha xây dựng sân golf bên hồ Đầm Bài
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 23/5/2019, Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT) đã có Văn bản số 146 gửi Sở TN&MT Hòa Bình về việc không bổ sung đưa quy hoạch sân golf và dừng phê duyệt chủ trương lập dự án đầu tư khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn.
Lý do Cục Quy hoạch đất đai đưa ra, theo Văn bản số 178/2019– Viwasupco -Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà, dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn sử dụng 270 ha đất, trong đó có ¾ diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của Dự án nước sông Đà. Việc xây dựng khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh không phù hợp, vi phạm phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229 ngày 28/8/2014.
Tiếp thu văn bản này, ngày 27/6/2019, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình có văn bản số 1230 hướng dẫn Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại (Cty Phát Triển Đô Thị) nghiên cứu khảo sát, lập dự án đảm bảo ranh giới đề xuất quy hoạch, đầu tư dự án có khoảng cách an toàn theo phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229 ngày 28/8/2014.
Tuy nhiên, ngày 6/9/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 1418 về chủ trương cho phép Cty Phát Triển Đô Thị nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn.
Văn bản số 1418 nêu, xét đề nghị của Sở KH&ĐT tại Công văn số 1723 UBND tỉnh Hoà Bình có ý kiến sau, đồng ý cho Cty Phát Triển Đô Thị nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn trong thời gian 3 tháng.