> Hành công nhân đủ đường
> Công nhân cà phê Ia Pia kêu cứu
Không ít cán bộ đảng viên thấy rõ điều này đã mạnh mẽ đề nghị đổi mới cơ chế.
Đảng viên đi đầu
Những lá đơn phản ánh nhiều sai phạm của các Cty Cà phê (CP) được ông Phạm Văn Chúc ghi chép, tính toán rất cẩn thận. Đây là hồ sơ đòi quyền lợi cho công nhân đầu tiên mà chúng tôi nhận được từ nguyên lãnh đạo một Cty CP.
Ông Chúc 65 xuân, 33 tuổi Đảng, hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 3A thị trấn Đắk Hà huyện Đắk Hà (Kon Tum). Về hưu sau 19 năm phó giám đốc, 3 năm quyền giám đốc Cty CP Đắk Hà, ông không ngần ngại tận dụng khối kinh nghiệm, kiến thức của một người “sống lâu trong chăn” để tranh đấu, chỉ vì “lương tâm của một đảng viên”.
Bằng nhiều tài liệu, ông Chúc vạch rõ: Các Cty CP đã áp dụng sai Nghị định 22 về lương tối thiểu, làm trái Nghị định 135 và Thông tư 102 về cách giao khoán cả đối với CP và ruộng lúa, thu quá mức khấu hao giá trị vườn cây, vẽ thêm nhiều khoản “quản lý phí”, thu quá tỉ lệ đóng các loại bảo hiểm, mà vẫn được lãnh đạo Tổng Cty CP VN đồng tình.
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Tôi cho rằng không nên duy trì mô hình Cty CP quốc doanh làm gì nữa. Nông dân đã tự làm tốt hơn rồi. Bộ phận trung gian nên chuyển qua làm các dịch vụ kỹ thuật, chế biến, lưu thông, xuất khẩu. Quản lý kém hơn dân thì ôm làm gì? Có mạnh dạn cởi bỏ những trói buộc vô lý thì nước mới mạnh, dân mới giàu được!
Năm 2004, Cty CP Đắk Hà thí điểm bán 50 ha CP bắt đầu già cỗi theo chỉ đạo của Tổng Cty CP VN, với giá 45.000đồng/cây CP trồng từ 20 năm trước, mật độ bình quân 1.300 cây CP/ ha, ưu tiên giảm 20% nếu người mua đang là công nhân nhận khoán trên diện tích đó, công nhân nào muốn mua mà chưa đủ tiền thì Cty vay giúp trả chậm 3 năm qua ngân hàng. Nhiều công nhân phấn khởi mua liền.
Tới nay, cả 50 ha CP đó đều được thâm canh tốt nên năng suất bình quân vẫn đạt từ 3,5- 4 tấn/ha, không ai cần vay vốn để tái canh như hàng vạn ha CP quốc doanh khác- Ông Chúc kể- Tiếc rằng chủ trương đúng này sau đó lại ngưng.
Ông Trần Minh Thụy, doanh nhân Sao đỏ đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk- đương kim giám đốc kiêm Bí thư hơn 20 năm của Cty CP Phước An- Đơn vị thuộc hàng anh Cả trong khối doanh nghiệp CP quốc doanh cả nước, chia sẻ: Đắk Lắk đang chủ trương cổ phần hóa (CPH) vườn cây các Cty CP thuộc tỉnh. Với nghề nông, lợi nhuận làm ra chủ yếu từ sức người, nên vườn cây hết khấu hao mà CPH là chuyện… khó! Phương án nhà nước sở hữu 51%, nhà đầu tư 49%, mời chẳng ai ngó! Cá nhân tôi thấy phương án bán vườn cây cho người lao động được quyền sở hữu là cách làm tốt nhất!
Để cho nước mạnh, dân giàu
Thực tế chứng minh khi tận thấy vườn cà phê xen tiêu cực kỳ sai trái sau nhà ông Hoàng Văn Đồng, công nhân đội 2 Cty CP Cư Pul.
Khu vườn rộng 8.000m2 này ông Đồng đã tích góp nhiều năm để mua làm sở hữu riêng. Với trình độ thâm canh chi li của ông, năm ngoái trừ xong mọi chi phí, 8 sào vườn lãi ròng 200 triệu đồng, năm nay dù giá cà phê đang rớt đậm, ông vẫn dự tính lãi không dưới 300 triệu đồng. Vậy mà với 1 ha CP nhận khoán của Cty, thì năm nào trừ xong chi phí lẫn sản lượng nộp, ông chẳng còn tí gì đem về. Ông tính: Trên 8 sào này tôi trồng được đến 700 trụ tiêu và 800 cây cà phê. Mỗi vụ, 1 trụ tiêu bình quân cho 5 ký hạt khô, 1 cây cà phê cho khoảng 4 ký CP nhân. Vậy mà tôi trồng tiêu xen vào lô CP khoán, Cty lại chặt, vừa phí của vừa quá xem thường người lao động!
Khoảng nửa triệu người lao động trên Tây Nguyên đang gắn bó đời mình với cây CP dưới 3 loại hình sở hữu: Chủ vườn rẫy tư nhân, công nhân thuộc các Cty do tỉnh quản, hoặc công nhân thuộc các chi nhánh do Tổng Cty CP Việt Nam quản lý. Trong đó, cá nhân sở hữu tới hơn 85% tổng diện tích CP được toàn quyền quyết định cho mảnh đất của mình sinh ra lợi nhuận cao nhất, không phải còng lưng nuôi bộ máy trung gian.
Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, chỉ riêng Lâm Đồng- tỉnh thu ngân sách và thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất- là địa phương từ lâu không còn tồn tại mô hình sản xuất CP quốc doanh nào. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo 2 Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở NN&PTNT Lâm Đồng xác nhận: Toàn bộ diện tích cà phê của tỉnh đều thuộc sở hữu cá nhân, tha hồ dân làm giàu, sản lượng hàng hóa rất dồi dào, nhà nước khỏi ôm đồm lo lắng!
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, rõ ràng hiệu quả hoạt động của nông lâm trường ai cũng thấy vẫn kém hiệu quả! Tại Hội nghị triển khai công tác sản xuất kinh doanh năm 2013, nhiều đại biểu ngạc nhiên khi nghe lãnh đạo Tổng Cty CP VN báo cáo đang lỗ luỹ kế tại Tổng Cty mẹ 382,5 tỷ đồng (chưa kể nhiều nghìn tỷ nợ xấu mà các chi nhánh bên dưới đang ôm) nhưng vẫn kiến nghị được vay 1.969 tỷ đồng để tái canh 11.000 ha cà phê; Xin cấp bổ sung vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng; Xin xóa nợ ODA 61 tỷ đồng; Xin xử lý nợ AFD 211 tỷ đồng; Xin tạo cơ chế vay khoảng 4.500 tỷ đồng để mua trữ CP xuất khẩu 100.000 tấn/năm v.v… Chỉ phát canh thu tô mà chuốc nợ vào túi ngân sách nặng như thế, lại ngáng trở quyền lao động sáng tạo của cả vạn con người, liệu mô hình quốc doanh lỗi thời này có nên tiếp tục tồn tại?