Nữ văn sĩ 'chê' bằng khen: Ban giám khảo hãy phản biện lại tôi đi!

TP - Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam còn lâu mới có giá trị (về mặt vật chất) như giải “Bài hát yêu thích” đang phát sóng trên truyền hình. Nhưng không vì “hẻo tiền” mà xuôi chèo mát mái.

> Đừng nên trao bằng khen theo kiểu “vớt vát”
> ‘Thành phố đi vắng’ nhận Giải thưởng Hội nhà văn
> Y Ban với 'trò chơi hủy diệt cảm xúc'...

Nhà văn Y Ban và tác phẩm dự định được trao tặng thưởng.

Ngày 18-1, nữ nhà văn Y Ban đã tung ra “Thư ngỏ” gửi một số hộp thư của người trong giới, bày tỏ bức xúc về sự “thiếu tâm, thiếu tầm” của những người cầm cân nảy mực ở một hội danh giá. Tiền Phong Chủ Nhật có cuộc trao đổi với chị.

Vì sao trong thư ngỏ chị lại viết, Ban Giám khảo không có tâm, không có tầm? Đặt câu hỏi ngược lại, thế hệ như chị, trẻ trung hơn, nếu hoán đổi vị trí, chị có dám tin mình sẽ có tâm, có tầm không?

Cái tâm, cái tầm (cũng thật khó nói), nhất là văn chương, mỗi người mỗi ý, mà nhà văn, không phải ai sinh ra cũng có “khiếu” làm giám khảo. Cho nên cái tâm, cái tầm với tôi là dám đương đầu, dám thách thức.

Bây giờ tôi muốn ban giám khảo (gồm 9 người) phản biện lại tôi đi, họ hãy nói lại với tôi (mà không phải với tôi nữa, tôi khép lại rồi) họ nói lại với tất cả bạn đọc, tất cả những người đang theo dõi việc này là chúng tôi đủ tâm, đủ tầm, đủ tài.

Họ phải phản bác lại, phải phân tích từng tác phẩm hay ở đâu, dở ở đâu. Ngồi ghế giám khảo có nhà lí luận phê bình Phan Trọng Thưởng, Lê Quang Trang, rồi các nhà văn nhà thơ, toàn gạo cội cả đó chứ.

Họ phải lí giải vì sao tác phẩm cô này tôi chỉ cho thế thôi, vì sao tôi để phiếu trắng. Mọi người phải phân tích được, cái tâm, cái tầm, cái minh bạch là ở chỗ đó.

Quan trọng là dám đương đầu, xin mời các vị hãy lên tiếng đi, hãy phản biện là Y Ban sai đi. Tôi chỉ mong tôi sai. Rất mong tôi sai.

Vì sao chị lại chọn hình thức thư ngỏ?

Tôi không muốn để ảnh hưởng tới ai nhưng tôi đã chọn thư ngỏ, tôi chọn những mạng để tôi đưa lên, nghĩa là tôi muốn để mọi người biết vấn đề này. Nó không phải chuyện nội bộ của Hội nhà văn nữa, không phải cá nhân tôi, mà là của mọi người.

Tôi nghĩ không phải vào Hội để oai, để sang, để chia nhau miếng bánh. Có người hàng chục năm, hai chục năm không viết gì mà vẫn sống trong vinh quang, trong sự tung hô, tung hô đi tung hô lại.

Trong khi đó những người khác vẫn miệt mài viết, tìm tòi, đổi mới thì lại bị thờ ơ. Đó là thực trạng ở Hội.

Về sự cố này, điện thoại cho Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông cười bình tĩnh. Vị Chủ tịch cho biết, đã đọc thư ngỏ của Y Ban nhưng ông đang ở quê nên chưa tiện trả lời.

Vậy theo chị dựa vào đâu để định giá sự đổi mới ở một cây bút? Vì văn chương như chị nói, thật khó cân đong đo đếm?

Bằng nhiều nguồn. Cả một đội ngũ lí luận phê bình, rồi dư luận bạn đọc, rồi chính những người làm báo chí nữa. Chúng ta nhìn sang nước Mỹ xem, có hẳn tờ New York Times, tác phẩm nào lọt vào đây là tác phẩm danh giá.

Nhưng thêm điều nữa tôi nói để bạn biết, các nhà lí luận của ta không kém đâu, cũng được đào tạo đàng hoàng bài bản, cũng sắc sảo vô cùng nhưng vấn đề là người ta không đọc, không cập nhật, không chịu được xu hướng mới. Người ta cho phép mình như thế.

Chị định nói họ già, họ chậm tiến?

Không, tôi không nói họ già.

Nhưng người không tiếp nhận cái mới ắt là người già?

(Cười) Đó là ý bạn. Tôi không dám bảo họ già, họ trẻ trung vô cùng. Bởi vì đến 70 tuổi, họ vẫn cứ ngồi ghế nọ, ghế kia.

Đã là hội nghề nghiệp kể chi tuổi tác?

Đúng rồi. Nhưng họ phải tự biết mình.

Chị viết: “Khi bức thư này tới tay các quý vị cũng có nghĩa rằng tôi chính thức chối bỏ cái ghế uỷ viên hội đồng văn xuôi”. “Cái ghế này” mang lại cho chị những gì từ khi ngồi vào?

Tôi nói rồi, nó chả mang lại gì cả. Tôi đã nói hết trong thư ngỏ rồi, bạn cứ trích ra.

Chị mô tả hoạt động của Hội đồng văn xuôi khá “hồn nhiên”, thậm chí có người trong Hội đồng chẳng đọc mấy. Chị nghĩ gì về quy trình chấm giải văn chương bấy lâu nay?

Chả có quy trình gì hết. Người ta muốn làm thế nào thì làm. Nay họ làm thế này, mai họ làm thế khác. Quy trình trong tay một ông đứng đầu.

Phiếu trắng cũng là một ý kiến nhưng vì sao chị phản đối? Hay chị cho rằng người bỏ phiếu trắng chưa đọc tác phẩm của chị?

Tôi phản ứng cái này vì họ không dám đối diện với lương tâm của họ. Tại sao không sổ toẹt rằng, không hay, không ra gì.

Ban chung khảo chưa phải nơi quyết định cuối cùng

Được biết, Quy trình xét giải thưởng hàng năm của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII như sau: Các Hội đồng chuyên môn (Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Văn học dịch), rà soát và đọc những tác phẩm đúng quy định xét giải do nhiều nguồn giới thiệu lên. Những tác phẩm nào Hội đồng đồng ý đề nghị xét giải và xét Bằng khen được gửi lên Ban chung khảo (thường được gọi là Ban giám khảo). Ban chung khảo có thể là tất cả các Ủy viên BCH, cũng có thể là một số ủy viên BCH do BCH cử ra. Được biết, xét giải năm 2012, Ban chung khảo có 9 ủy viên BCH (trong tổng số 15 ủy viên BCH).

Các Hội đồng chuyên môn (tương tự hội đồng sơ khảo) chỉ tham mưu cho BCH những tác phẩm mà họ thấy xứng đáng để trình lên Ban chung khảo. Kết quả Ban này đưa ra vẫn chưa phải là cuối cùng. Theo điều lệ Hội, việc xét giải thưởng, trao giải thưởng và tặng bằng khen hàng năm cho các tác phẩm xứng đáng là quyền hạn của BCH. Như vậy, kết quả giải thưởng văn chương 2012 sẽ được chính thức quyết định trong thời gian tới.

Chị nói, không chấp nhận Ban giám khảo này. Tại sao điều đó không diễn ra sớm hơn, đến bây giờ khi không ẵm giải lớn, chị mới không chấp nhận?

Câu đó nên hỏi người khác. Nếu tôi không dấn thân như thế, không trải nghiệm như thế thì làm sao tôi biết thâm cung bí sử?

Chỉ trích họ ham chiếm ghế nhưng trong thư ngỏ chị lại “chúc các vị sức khoẻ, an khang, bách niên giai lão”?

Họ cố thủ như thế thì mình chúc họ như vậy. Họ không bao giờ chịu nhả ra đâu. Đại hội nhà văn nào cũng có những câu vè rất hay (cười). Đấy. Nhưng họ vẫn thích vô cùng quyền lực, họ vẫn ngồi.

Tha hồ phán xét tôi đi. Tôi tự nhận tôi đi trên con đường dại và tôi ham hố. Vì ham hố nên tôi vẫn còn đi dự giải, tôi vẫn còn hy vọng những điều tốt đẹp.

Thế nghĩa là, nếu Y Ban đoạt giải chắc chắn không có thư ngỏ?

Đúng, chuẩn luôn. Đúng quá. Bởi vì Y Ban mà đoạt giải thì quá đỗi bình thường.

“Văn minh, vợ người”, thật chẳng sai chút nào!

Người viết nào chẳng tự tin. Nếu mọi người công tâm với Y Ban sẽ thấy cuốn sách nào của Y Ban cũng đổi mới. Chúng ta tranh luận trên cuốn này (Trò chơi huỷ diệt cảm xúc - chính là cuốn xét giải năm nay - PV) tôi tự tin để nói điều ấy. Hẳn một lối viết khác. Mỗi chương của tôi gần như một truyện ngắn sống độc lâp được. Câu chữ của tôi có nhịp điệu nói lên toàn bộ thời chúng ta đang sống. Văn chương của tôi có sự gắn kết, văn của tôi có lửa. Mọi người đã đọc cuốn sách của tôi, mọi người sẽ không bỏ ra được. Một điều nữa khiến tôi tự tin là dư luận bạn đọc. Tôi tôn trọng bạn đọc.

Chị có hối tiếc vì đã vào Hội không?

Không. Tôi không hề hối tiếc. Tôi tự hào là tôi đã chọn Hội Nhà văn Việt Nam, cho đến bây giờ tôi vẫn tôn trọng nó. Tôi tự hào tôi là người tử tế, ăn cây nào rào cây ấy. Tôi chọn con đường dại của tôi. Nếu tôi ra khỏi Hội tôi vẫn là Y Ban. Ở trong Hội tôi vẫn là Y Ban. Tôi có thêm một giải thưởng nữa, vẫn là Y Ban. Tôi có bớt đi một giải thưởng, vẫn là Y Ban.

Chị có lo cơn sóng chị tạo ra không nhấn chìm ai, lại nhấn chìm chính chị?

Ôi không. Không nhấn chìm được tôi đâu. Bởi vì tôi là nhà văn, mọi điều tôi trải qua, sẽ vào tác phẩm của tôi. Tôi nói cho bạn nghe búa rìu dư luận của I am đàn bà ghê lắm mà tôi vẫn chịu được.

Thêm một nhà văn từ chối tặng thưởng

Chiều tối hôm qua (19-1), thêm một bức thư ngỏ của một nhà văn được “chấm” hạng Bằng khen được tung lên mạng. Đó là nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam. Khác với nhà văn Y Ban, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam kiệm lời hơn, ông viết:

“Thư ngỏ gửi Hội Nhà Văn VN

Tôi Phạm Ngọc Cảnh Nam, người vừa được HNV VN công bố tặng bằng khen năm 2012 cho cuốn tiểu thuyết “Thế Kỷ Bị Mất” của tôi.

Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen nầy của HNV .

Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học.

Phạm Ngọc Cảnh Nam”.


Theo tôi được biết, tiểu thuyết “Thế Kỷ Bị Mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam được hội đồng văn xuôi đánh giá rất cao, với 6/7 phiếu (Một người không bỏ phiếu vì chưa đọc) cuốn tiểu thuyết được xếp đầu bảng giải văn xuôi năm nay. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã phải thốt lên: “Lâu lắm rồi mới đọc được cuốn sách hay như thế này”. Thế nhưng lên BCH, cuốn sách đã bị đánh tuột khỏi giải chính thức, chỉ được cái bằng khen.

Thực ra các nhà văn nước ta đều có con mắt xanh, bảo họ ngu là không đúng. Nhưng khi bình xét giải thưởng họ không dám dùng con mắt xanh trời cho.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

 

Lê Anh Hoài - Hồng Diệu
Thực hiện

Theo Báo giấy