Nữ tình nguyện viên từng là F0 hóa 'chị Hằng' trong đêm Trung thu đặc biệt

TPO - Ngay tại khu cách ly điều trị, chăm sóc F0, các bạn tình nguyện viên đã cùng nhau mang đến một đêm hội Trung thu nhiều sắc màu và tình thương để chia sẻ, động viên các bạn nhỏ không may nhiễm bệnh. 

Đầy ắp tiếng cười đêm Trung thu ở khu cách ly

Tối 21/9 (đúng ngày Tết Trung thu), tại Khu cách ly Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TPHCM) đã diễn ra chương trình lễ hội trăng Rằm ấm áp dành cho các bệnh nhi và người lớn đang điều trị COVID-19 tại đây.

Chương trình được tổ chức với tinh thần "cây nhà lá vườn" nhưng vẫn đủ đầy các hoạt động của một ngày hội Trung thu truyền thống, mang đến tiếng cười rộn rã, sảng khoái cho hàng chục em nhỏ và người thân theo dõi trực tiếp.

Đêm hội Trung thu ấm áp tại khu cách ly Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Khu cách ly Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp) hiện đang điều trị, chăm sóc cho khoảng 300 bệnh nhân COVID-19, trong đó có khoảng 30 trẻ em.

Từ lúc khu cách ly, điều trị này đi vào hoạt động, đã có hơn 1.000 bệnh nhân khỏi bệnh và trở về nhà.

Để ngày Tết Trung thu của các em nhỏ được đầy đủ, ấm áp tình thân dù phải đang đi cách ly, chữa trị, các bạn tình nguyện viên đang hoạt động tại đây đã cùng nhau làm nên một ngày hội ý nghĩa, sắc màu nhằm tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các em trong những ngày chữa bệnh.

Một bạn trẻ gửi tặng mọi người tiết mục kèn saxophone.

Trong chương trình, các bạn trẻ đã mang đến không gian đố vui có thưởng, các tiết mục văn nghệ và hoạt cảnh có sự tham gia của các nhân vật không thể thiếu mỗi mùa Tết Trung thu là chị Hằng, chú Cuội, Thỏ Ngọc.
Trong ảnh: Các em nhỏ nô đùa cùng các anh chị tình nguyện viên ngay trong khuôn viên khu cách ly.

"Chị Hằng" của các bạn nhỏ vốn là một tình nguyện viên nhiệt huyết tại khu cách ly này, bạn Phạm Nguyễn Thanh Ngân. Thanh Ngân cùng các bạn sinh viên khác đã trải qua gần hai tháng liên tục phục vụ, hỗ trợ tại khu cách ly bệnh nhân COVID này. Cũng như một số tình nguyện viên khác, nữ sinh này dương tính với virus SARS-CoV-2 và cũng đã khỏi bệnh, tiếp tục tham gia hỗ trợ đội ngũ y bác sỹ chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân tại đây.

Chị Hằng và chú Cuội trong đêm hội trăng Rằm tại khu cách ly.

Bạn trẻ vào vai Thỏ Ngọc cũng "quẩy" hết sức sôi nổi tạo không khí vui nhộn cho các bạn nhỏ.


Ngoài các bài hát ý nghĩa mỗi mùa Trung thu, chương trình còn mang đến cho các em nhỏ và bệnh nhân lớn tuổi những bài nhạc, tiết mục sôi nổi, vui tươi.

Đặc biệt, cô Lê Thị Kiệt đã góp vui với một bài hát sâu lắng cùng lời chia sẻ xúc động gửi đến toàn thể y bác sỹ và đội ngũ tình nguyện viên. "Tôi chân thành cám ơn các y bác sỹ, các em sinh viên, tình nguyện viên và các ban ngành đã hết lòng giúp đỡ tôi cũng như các bệnh nhân F0 ở đây. Nhờ đó bản thân tôi đến nay đã khỏi bệnh và sắp trở về với gia đình", cô Kiệt bộc bạch. Nữ bệnh nhân lớn tuổi này từng phải thở máy, nhưng hiện nay cô đã khỏe mạnh và đã có kết quả âm tính 2 lần.

Cuối chương trình, chị Hằng gửi tặng các em thiếu nhi các phần quà Trung thu.

Các bạn tình nguyện viên cùng nhau mang đến một đêm hội ấm áp, ý nghĩa nhất có thể dành tặng các em thiếu nhi ở khu cách ly.

Các bạn tình nguyện viên ở khu cách ly Trường Huỳnh Văn Nghệ ở sát bên khu cách ly Trường Lê Quý Đôn cũng nô nức vui Trung thu sau một ngày hoạt động tình nguyện.

Cũng trong tối 21/9, tại Trung tâm Hỗ trợ điều trị và cấp cứu Bình Tân, Ngân hàng thực phẩm Food Bank Việt Nam cùng các đối tác đã tổ chức chương trình "Trung thu yêu thương", mang không gian ngày Tết đặc biệt đến cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ đang điều trị bệnh COVID-19. Tại đây, Ban tổ chức chương trình đã dành tặng hơn 300 phần quà cho các bạn nhỏ và bệnh nhân đang điều trị COVID.

Những ngày qua, nhân dịp Tết Trung thu, Food Bank Việt Nam cùng các đối tác cũng đã triển khai trao tặng 200.000 phần quà đến cho các cụ già neo đơn, đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội. Mỗi phần quà gồm bánh trung thu, trứng gà, lồng đèn, xúc xích, snack phần nào là nguồn động viên ấm áp đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn...

Các em nhỏ nô đùa vui vẻ trong bầu không khí Trung thu đặc biệt khi ai nấy đều kín kẽ khẩu trang và đồ bảo hộ.

Đêm Trung thu ấm lòng tại Trung tâm Hỗ trợ điều trị và cấp cứu Bình Tân (Ảnh: BTC)

Những ngày qua, Ban tổ chức chương trình cũng đã đến tận nhà các hộ dân khó khăn, các lực lượng làm nhiệm vụ để gửi tặng phần quà nhân dịp Trung thu.

Mỗi phần quà là một sự động viên, khích lệ đối với các em nhỏ trong mùa Trung thu đặc biệt năm nay (Ảnh: BTC)

Gợi nhớ tích xưa về chị Hằng, chú Cuội bằng… sóng trực tuyến

Dịch bệnh phức tạp không cho phép tổ chức buổi gặp gỡ vui chơi, phá cỗ cùng các học trò, anh Hà Văn Phúc (chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống Đồng Nai) và chị Nguyễn Thị Phương Anh (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học ở TP. Biên Hoà, Đồng Nai) đã phối hợp tổ chức đêm hội trăng Rằm theo hình thức trực tuyến (online).

Chương trình “họp mặt” đặc biệt này diễn ra tối 20/9 thông qua nền tảng Google Meet với sự tham gia của khoảng 100 em thiếu nhi ở khu vực TP. Biên Hòa cùng một số bạn nhỏ ở TPHCM và các tỉnh lân cận.

Anh Hà Văn Phúc cho biết, lúc đầu chỉ dự trù tổ chức riêng cho các em học sinh của cô giáo Phương Anh. Tuy nhiên, vì đây là hoạt động thông qua môi trường trực tuyến nên anh Phúc đã đề nghị mở rộng đối tượng để nhiều bạn nhỏ ở nhiều nơi cùng tham gia. “Chúng mình cố gắng làm nên chương trình này với mục đích giúp các bé có một sân chơi an toàn trong mùa dịch. Và quan trọng hơn, thông qua chương trình đố vui các bé có thêm các kiến thức về Tết Trung thu, kiến thức dân gian, khoa học”, anh Phúc chia sẻ.

Các bạn nhỏ và phụ huynh cùng tìm hiểu, bổ túc nhiều thông tin bổ ích thông qua phần mềm trực tuyến.

Trong cuộc hội ngộ trên sóng trực tuyến này, bằng kinh nghiệm giảng dạy của mình, anh Hà Văn Phúc đã giúp các bạn nhỏ tìm hiểu về sự tích chị Hằng, chú Cuội, cây đa thần, các kiến thức thú vị, bổ ích về thiên văn, lịch sử, dân gian… Cuối chương trình, các bạn nhỏ cũng được các thầy cô hướng dẫn cách làm lồng đèn từ đồ tái chế.

Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, anh Hà Văn Phúc cũng đã thực hiện một dự án cá nhân ý nghĩa nhằm hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Theo đó, thầy giáo trẻ này mở lớp dạy kỹ năng sống online với mức học phí ưu đãi cho các bé. Toàn bộ số tiền thu được đã trở thành nguồn quỹ ủng hỗ các bác sỹ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai).