Trước đó, TS. Phạm Anh Tuấn, giảng viên của trường ĐH Thương Mại Hà Nội đã đưa ra kết quả nghiên cứu khá thú vị liên quan đến nhu cầu và tình hình sử dụng học liệu của sinh viên. Qua đó cho thấy sinh viên thích dùng sách photo vì lí do giá rẻ, lại chưa hề có ý thức về vi phạm bản quyền
Qua cuộc khảo sát, TS. Phạm Anh Tuấn cho hay có tới 88,6% sinh viên trả lời chấp nhận chi trả gói dịch vụ cung cấp học liệu chính thức, chính thống nếu mức giá giao động từ 20.000đ đến 35.000đ cho một học phần. Mức giá từ 35.000đ – 50.000đ có 53.3% sinh viên chấp nhận.
Thế nên, TS. Phạm Anh Tuấn đã đề xuất mô hình cung ứng học liệu cho sinh viên cả bản cứng và bản mềm với giá vừa với túi tiền của sinh viên.
Đồng quan điểm, ông Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, cách đây khá lâu, có một trường CĐ đã thực hiện được mô hình sử dụng giáo trình rất hợp lý. Đó là lần thứ nhất, sinh viên mua giáo trình với giá 100% trên bìa. Học xong, bán lại cho trường với giá 50% bìa.
Lần thứ hai, sinh viên mua lại cuốn giáo trình cũ đó giá 50% bìa, học xong bán lại với giá 25% bìa. Lần thứ ba, sinh viên mua “đứt” với giá bằng 25% giá bìa. Như vậy, một cuốn giáo trình có thể được sử dụng quay vòng trong 3 năm.
“Tôi nghĩ, các trường mà thực hiện được như trường CĐ này thì những dãy photo copy ngoài cồng trường chắc chắn sẽ thất thu” – ông Triệu chia sẻ.
"Một lý do dẫn đến vi phạm bản quyền là bản thân nhiều thầy, cô viết sách xong bán rất đắt. Một cuốn sách nhàng nhàng, bìa mềm, năm nào cũng bán được vài nghìn cuốn nhưng giá của nó gần 100.000đ. Sách chuyên khảo cho năm thứ ba, thứ tư còn nhiều tiền. Với giá sách đó, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện mua dăm bảy cuốn sách mấy trăm ngàn chỉ dùng trong 4 hoặc 5 tháng".
TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam
Còn theo ông Lê Xuân Trường, trưởng khoa đào tạo Tại chức, Học viện Tài chính, sinh viên của trường không sử dụng giáo trình photo, vì như thế là không đúng luật. Sinh viên nào không có điều kiện, không mua được giáo trình thì trường cho mượn.
Trong khi đó, TS. Phạm Thị Ly, một chuyên gia về giáo dục thì cho rằng các nước văn minh làm thế nào thì ta nên làm như thế. Vì chính họ cũng rất hiểu và tạo điều kiện cho sinh viên nghèo.
“Sinh viên Việt Nam, sinh viên Tây cũng nghèo thế thôi. Nhưng đó không phải là lý do để vi phạm, tuy nhiên cũng cần nhìn vấn đề ở nhiều mặt” – TS. Phạm Thị Ly khẳng định.
Cũng theo bà Ly, có thực tế là một số Nhà xuất bản nâng giá quá cao, trong lúc thực ra các tác giả cũng không được hưởng gì đáng kể. Bảo vệ sở hữu trí tuệ trong trường hợp này là đúng nhưng hệ quả có thể là đang làm giàu cho vài kẻ trung gian.
Vì thế các nước vẫn cho photo 10% tài liệu, giáo trình và thẻ thư viện của sinh viên có thể truy cập hầu như tất cả mọi tài liệu không mất tiền. Do đó, bà đề xuất các trường nên số hóa tài liệu học và cho phép sinh viên truy cập tự do với thẻ thư viện, giống như các nước, còn ai thích có sách thì vẫn có thể mua.
Giữa tháng 1, sinh viên N.T.N.A., năm 2 trường ĐH Luật TPHCM mang 11 cuốn tài liệu trong đó có 8 cuốn tài liệu photo trái phép các giáo trình khác nhau vào trường và bị bảo vệ phát hiện, lập biên bản, chuyển sang Thanh tra trường, Phòng Công tác sinh viên thành lập Hội đồng kỷ luật sinh viên này.
Theo tường trình, nữ sinh viên năm 2 N.T.N.A cho biết việc photo giáo trình là để tặng người em cùng quê khóa sau. Hành vi này bị cho là vi phạm pháp luật về luật Sở hữu trí tuệ và nội quy của Nhà trường là “Sao in và phát hành các loạt giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của Nhà trường và của pháp luật” nên ĐH Luật đã quyết định kỷ luật nữ sinh N.T.N.A bằng hình thức đình chỉ học 1 năm. Tuy nhiên sau khi báo chí vào cuộc, nhiều luật sư lên tiếng, lãnh đạo ĐH Luật cuối cùng đã cân nhắc đổi án kỷ luật cho nữ sinh này từ đình chỉ học sang cảnh cáo.