Nữ sinh luật suýt 'thất học' vì sách photo: TS Lê Đông Phương nói gì?

TS.Lê Đông Phương
TS.Lê Đông Phương
TPO - Vụ việc tại trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM 'xử' sinh viên do photo tài liệu có đăng ký sở hữu trí tuệ đã cho thấy một thực trạng đang tồn tại tại Việt Nam, người Việt chưa có thói quen tôn trọng sản phẩm trí tuệ của người khác. Nhưng nó cũng cho thấy cách hành xử của lãnh đạo nhà trường chưa thực sự khiến dư luận tâm phục khẩu phục.

Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Đông Phương Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam xung quanh câu chuyện này. TS. Lê Đông Phương cho biết:

Hiện nay, không có quy định nào cấm sinh viên phô tô giáo trình hay tài liệu. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng cho phép sao chép để phục vụ mục đích nghiên cứu. Học tập cũng là một hình thức nghiên cứu. Bộ GD&ĐT cũng không có văn bản nào nói cấm sinh viên làm điều đó. Tức là về mặt pháp lý không có luật nào cấm.  

Vì vậy, chuyện nhà trường cho rằng có luật riêng của trường, cấm sinh viên photo copy phát hành, sử dụng như trong văn bản của trường ghi là có sai lầm  lớn, trường “ngồi” lên trên pháp luật. Tôi ngạc nhiên nhất là trường ĐH Luật lại vượt lên trên pháp luật của Nhà nước, hành xử bằng luật riêng.

Thứ hai là câu chuyện hình phạt. Nếu nhà trường phạt theo quy định không sai của pháp luật thì là đúng. Nhưng quy định này không đúng với pháp luật. Hơn nữa, phạt theo kiểu một cuốn sách là một lần vi phạm, 8 cuốn sách là 8 lần vi phạm thì tôi cũng ngạc nhiên. Hệ thống pháp lý một số nước tính thế nhưng hệ thống pháp luật  của Việt Nam không tính thế. Nhà trường quy tội cũng hơi khác thường.

Thứ ba, theo quy chế nhà trường thì không sử dụng và phát hành. Tức là phải bị bắt trong lúc đang ngồi sử dụng tài liệu đó trên giảng đường. Hoặc  phát hành là đang bán cho người khác. Nhưng tôi không thấy chỗ nào nói đến việc này mà là bảo vệ nhà trường bắt được sinh viên mang tài liệu vào trường. Như thế là vi phạm quyền tự do của con người. Ra vào trường ĐH mà bị khám xét đồ thì tôi rất sốc.

"Một lý do dẫn đến vi phạm bản quyền là bản thân nhiều thầy, cô viết sách xong bán rất đắt. Một cuốn sách nhàng nhàng, bìa mềm, năm nào cũng bán được vài nghìn cuốn nhưng giá của nó gần 100.000đ. Sách chuyên khảo cho năm thứ ba, thứ tư còn nhiều tiền. Với giá sách  đó, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện mua dăm bảy cuốn sách mấy trăm ngàn chỉ dùng trong 4 hoặc 5 tháng".

TS. Lê Đông Phương 

Bản thân tôi, tôi nghĩ nhà trường có quyền đăng ký bản quyền giáo trình, tài liệu. Nếu phát hiện ra ai sao chép bất hợp pháp, hoặc kiếm lợi bất chính từ tài liệu, giáo trình đó thì có thể kiện. Đây là vụ kiện dân sự, không phải vụ kiện hình sự. Kể cả em đó có vi phạm luật sở hữu trí tuệ thì cũng không thể đuổi học một năm. Vì đuổi học một năm chỉ có trong phạm pháp, thành án.


Nhìn tổng thể, nếu nhà trường hành xử như vậy là hơi phi pháp. Có thể nhà trường muốn đây là phát súng cảnh cáo, đe dọa người khác, nên tôi cho rằng  không hợp lý.

Nhưng chúng ta cũng thấy vi phạm bản quyền của Việt Nam khá phổ biến, thưa ông?

Đúng là như thế. Nhưng trong trường hợp này, tôi đã phải đọc lại Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và nếu chiếu theo Luật đó thì sinh viên này không sai. Còn câu chuyện vi phạm luật sở hữu trí tuệ rất nhiều, tôi đồng ý. Thế nhưng ở đây, trong trường hợp em sinh viên này, cả hai điều của Luật sở hữu trí tuệ đều cho phép. Có thể Luật sở hữu trí tuệ của ta chưa hoàn chỉnh, có khiếm khuyết, nhưng hiện nay nó đang có giá trị.

Tôi tham khảo một số trường thì thấy thực tế các thầy tận dụng môn học để bán sách. Có khi sinh viên mua sách chả biết để làm gì. Câu chuyện này không chỉ có ở Việt Nam nên hiện nay nhiều nước trên thế giới có giáo trình mở. Thay vì mỗi giảng viên viết một cuốn sách thì nhiều giảng viên cùng viết một cuốn và đưa lên mạng để sinh viên có tài liệu tham khảo, học tập, cắt bỏ rào cản chi phí về sách vở.

TS. Lê Đông Phương Trích 

Một lý do nữa dẫn đến vi phạm bản quyền là bản thân các thầy các cô viết sách xong bán rất đắt. Một cuốn sách nhàng nhàng, bìa mềm, năm nào cũng bán được vài nghìn cuốn nhưng giá của nó gần 100.000đ. Sách chuyên khảo cho năm thứ ba, thứ tư còn nhiều tiền hơn. Với giá sách  đó, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện mua dăm bảy cuốn sách mấy trăm ngàn chỉ dùng trong 4 hoặc 5 tháng.

Vậy thực tế này, theo ông, có phải do thư viện các trường Đại học đang thiếu sách?

Thư viện không thể cung cấp đủ sách cho tất cả sinh viên. Nhưng giá thành sách giáo trình hiện nay đắt so với mặt bằng thu nhập. Một cuốn sách giáo trình giá 200.000 đ tương đương với 2, 3 ngày đi làm thêm của sinh viên. Tôi cũng tham khảo một số trường thì thấy thực tế các thầy tận dụng môn học để bán sách.

Có khi sinh viên mua sách chả biết để làm gì. Câu chuyện này không chỉ có ở Việt Nam nên hiện nay nhiều nước trên thế giới có giáo trình mở. Thay vì mỗi giảng viên viết một cuốn sách thì nhiều giảng viên cùng viết một cuốn và đưa lên mạng để sinh viên có tài liệu tham khảo, học tập, cắt bỏ rào cản chi phí về sách vở.

Tôi còn chưa nói cuốn sách mà ĐH Luật TPHCM sử dụng giá trị pháp lý của nó đến đâu. Vì các trường ĐH Việt Nam không thiếu vụ kiện thầy này cóp của thầy kia...Chưa kể dịch sách nước ngoài, sửa sang chút ít  thành sách của mình.

Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?

Thứ nhất, hệ thống giáo trình của các trường ĐH phải như thế nào để đảm bảo chính danh người đứng tên. Thứ hai mặt bằng giá phải phù hợp với túi tiền sinh viên. Thứ ba là khuyến khích sử dụng, tư liệu chính danh, có bản quyền. Chúng ta cũng phải dần hình thành thói quen sử dụng những sản phẩm có bản quyền.

Xin cảm ơn ông!

Giữa tháng 1, sinh viên N.T.N.A., năm 2 trường ĐH Luật TPHCM mang 11 cuốn tài liệu trong đó có 8 cuốn tài liệu photo trái phép các giáo trình khác nhau vào trường và bị bảo vệ phát hiện, lập biên bản, chuyển sang Thanh tra trường, Phòng Công tác sinh viên thành lập Hội đồng kỷ luật sinh viên này. 
Theo tường trình, nữ sinh viên năm 2 N.T.N.A cho biết việc photo giáo trình là để tặng người em cùng quê khóa sau. Hành vi này bị cho là vi phạm pháp luật về luật Sở hữu trí tuệ và nội quy của Nhà trường là “Sao in và phát hành các loạt giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của Nhà trường và của pháp luật” nên ĐH Luật đã quyết định kỷ luật nữ sinh N.T.N.A bằng hình thức đình chỉ học 1 năm. Tuy nhiên sau khi báo chí vào cuộc, nhiều luật sư lên tiếng, lãnh đạo ĐH Luật cuối cùng đã cân nhắc đổi án kỷ luật cho nữ sinh này từ đình chỉ học sang cảnh cáo.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.