Về vườn đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Yến lập kênh TikTok tranh thủ ghi lại khoảnh khắc làm vườn với giọng nói gần gũi, hình ảnh chân thực để truyền tải tới người xem tinh thần lạc quan, vui vẻ vượt qua đại dịch. Nội dung sáng tạo của Yến nhanh chóng được lan tỏa, lên top xu hướng, có video đạt gần 9 triệu lượt xem.
Yến thừa nhận, bỏ phố về rừng cần nhiều hơn ở một kẻ mộng mơ. “Tạm gác đam mê vẽ, mình về vườn với tình yêu thiên nhiên nhưng luôn gặp khó, gặp khổ, không ít lần nản lòng”, Yến nói.
Sản phẩm trà Thái Nguyên vốn nổi tiếng nhưng bột trà xanh không phải ai cũng biết. Thậm chí nhiều người nghĩ bột trà xanh chỉ có ở Nhật Bản. Yến đã nảy ra ý tưởng, xác định được mục tiêu và giá trị của kênh TikTok cá nhân, đó là đưa thương hiệu bột trà xanh vượt lũy tre làng.
Nhờ có gần 700 nghìn người theo dõi và gần 20 triệu người yêu thích, Yến quảng bá, bán các sản phẩm bột trà xanh, kẹo lạc trà xanh. Mỗi ngày, Yến nhận từ 100 đến 300 đơn đặt hàng qua kênh TikTok.
“Kinh doanh số đang được các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ rất nhiều, nhất là mảng nông sản. Vì vậy, mình đang kết nối thêm nhiều bạn TikToker (người sáng tạo video) khác có chung mục tiêu phát triển, quảng bá nông sản Việt để cùng hợp tác, nâng giá trị của đặc sản vùng miền”, Yến cho biết.
Trở thành một cô nông dân “triệu view” kiếm tiền nhờ những thước phim giản dị, Yến đã tự xây dựng thương hiệu và chia sẻ cho nhiều bạn trẻ nông thôn khác về các kỹ năng số cơ bản. Cô cũng xây dựng không gian vườn quê ấm áp để chào đón các bạn học sinh địa phương đến chơi, học vẽ, hoặc xem cách làm các sản phẩm từ trà.
Nhìn lại hành trình bỏ phố về vườn, Hải Yến (SN 1994, ở Thái Nguyên) khẳng định, cần có sự chuẩn bị về kiến thức, kinh tế và một “cái tâm”. Khi làm một người sáng tạo nội dung tự do, mỗi người sẽ phải giữ vững bản lĩnh và lí trí để không bị đánh mất mình trước những nội dung câu view, nhảm nhí.