NSƯT Đăng Dương: Nghề tìm đến tôi đấy

TP - NSƯT Đăng Dương trở thành ca sĩ nhạc đỏ đầu tiên chơi sang làm chương trình riêng cùng dàn nhạc giao hưởng kỷ niệm 22 năm ca hát.
NSƯT Đăng Dương và vợ (cũng là ca sĩ nhưng đã lui về làm hậu phương cho chồng). Ảnh: Minh Tâm.

Cơ may đến với giọng ca nhạc đỏ được yêu mến khi một tập đoàn sẵn sàng tài trợ để anh có thể tổ chức hai đêm nhạc 14&15/10 tại Hà Nội với chất lượng như ý cùng dàn cộng sự sáng giá: Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng, đạo diễn Tất My Loan, chỉ huy Lê Ha My…

Hai đêm ở Nhà hát Lớn với cả dàn nhạc giao hưởng không phải chuyện đùa?

Tôi quyết định làm đêm vì cảm nhận được sự chờ đợi của khán giả trong suốt 20 năm qua. Nhất là 5 năm trở lại đây, thường xuyên tôi nhận được thắc mắc: Sao chưa làm chương trình riêng, vướng cái gì, sao người khác làm được mình không làm…

Gặp được ê-kip này tôi hoàn toàn yên tâm. Khi tôi hỏi cát sê thì mọi người bảo: Em cứ làm đi, nếu thành công anh sẽ lấy thế này, không thì có thể không lấy tiền… Những người anh đó quá lớn, quá chân thành, làm tôi vô cùng xúc động.

Mọi người cứ nói tôi chậm nhưng chắc, được trời phù hộ. Nhưng không phải tự nhiên mà ông Trời đưa đến cho mình đâu. Mình phải say sưa thế nào đấy thì người ta mới nhận thấy mình hết lòng về nhạc cổ điển thì người ta mới yêu mến, hợp tác. Tôi nghĩ mình cứ hết lòng vì nghệ thuật đi rồi những cái tốt đẹp sẽ đến.

Anh hát thính phòng cổ điển là thuận lợi nhất, trong khi ở Việt Nam không có điều kiện cho anh theo đuổi đúng sở trường. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi cảm thấy rất đáng tiếc cho những người muốn làm nghệ sĩ opera thực sự. Vì chúng ta đều biết thính phòng cổ điển của chúng ta chưa sống được bằng nghề. Hôm trước một tập đoàn thông báo thành lập dàn nhạc và nhà hát thì tôi quá mừng. Các nước phát triển đều có Mạnh Thường Quân đứng sau thì dòng nhạc đó mới phát triển được. Vì dòng này kén người nghe, kinh doanh rất khó. Nếu nghệ sĩ được trả một vài ngàn đô/tháng thì họ sẽ không phải đi làm cái khác. Nghệ sĩ của chúng ta tháng chỉ có mấy triệu thì làm sao sống được. Chúng ta đang làm nửa vời thôi, bán chuyên nghiệp.

Nhân dịp này, anh thử nhớ lại giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp?

Đó là thời kỳ bắt đầu đi học đàn bầu, khoảng 1986-87, tôi đói đến mức đứng lên và ngã. Những năm tháng khó khăn đấy càng làm cho mình cố gắng lên nhiều.

Xa nhà đi học từ 13 tuổi như anh hẳn phải có định hướng?

Nghề tìm đến tôi đấy, 7-8 tuổi tôi đã thích hát rồi, cứ lên xã lên trường, hội nghị là hát. Bạn anh trai tôi thỉnh thoảng về chơi thấy tôi hát toàn bài người lớn, không phô chênh gì cả. Khi em của anh bạn đó đang học cô Thanh Tâm (giảng viên đàn bầu ở Nhạc viện Hà Nội- PV) thì bị bệnh, mất, cô mới nói với gia đình chị đó xem ở nhà có ai có năng khiếu, thích âm nhạc thì đưa đến cô dìu dắt. Anh kia mới bảo hay là cho thằng Dương đi học nó năng khiếu đấy. Duyên rất ngẫu nhiên, chứ tôi đâu phải con nhà nòi. Nhà tôi thực sự nông dân, tôi còn đang đi chăn trâu cắt cỏ thì bố bảo: “Đi học!”, thế là đi học.

Có một lúc nào đấy anh hơi lăn tăn vì mình không có giọng hát đại chúng hơn để nổi danh hơn, dễ kiếm tiền hơn?

Tôi khẳng định luôn ngay từ đầu tôi quá yêu dòng thính phòng cổ điển. Chưa bao giờ lung lay, chưa bao giờ đi hát những cái khác. Trong bộ ba, ai cũng thấy tôi rõ chính ca nhất, giọng rất nặng. Mình hợp với cái đó quá rõ. Mình chuyển sang cái khác cũng được thôi, tôi học đàn bầu 10 năm nên cái gì thuộc về dân gian cũng đã ngấm vào tôi rất nhiều, những năm gần đây tôi hát cũng mềm mại đi nhiều. Nhưng khi cần hát chính ca vẫn ra chất luôn.

Ngay như Trọng Tấn cũng đã bắt đầu hát thêm những dòng nhạc khác, còn anh?

Tôi phải làm đúng cái mà tôi thích, vì vậy không có chuyện tôi sẽ hát dòng nhạc khác.

Từng từ chối lời mời về Nhà hát Nhạc vũ kịch, những mong thành giảng viên. Giờ anh còn ý định quay lại nghề giáo?

Chắc chắn tôi sẽ giảng dạy lại nhưng phải một thời gian nữa, khi công việc hài hòa. Vì tôi cũng đã dạy rồi nhưng cứ phải xin lỗi học sinh để đi diễn, cảm thấy tội chúng nó. Học sinh chấp nhận thôi nhưng mình cũng phải có cái tự trọng của mình chứ. Cứ báo học sinh nghỉ mãi như thế không hay. Vì mình đã đi học quá nhiều và mình rất hiểu cảm nhận của học sinh. Ngày xưa được gặp thầy Kiên (NSND Trung Kiên- PV), hàng tuần tôi đáp xe đến trước hẳn một tiếng, chờ sẵn nhưng hầu như thầy cho nghỉ suốt vì hồi đó thầy đang là Thứ trưởng, họp suốt ngày. Hầu như một tháng chỉ học 1-2 buổi. Thế nhưng như thế mình vẫn hạnh phúc vì gặp được người thầy lớn. Không phải ai lúc đó cũng được gặp thầy đâu.

Ê-kip của anh có một số người Bắc nhưng tất cả đều hoạt động trong Nam. Môi trường làm việc trong đó chuyên nghiệp hơn thì phải?

Đúng. Tôi không làm việc ở Sài Gòn nhiều nhưng qua vài chương trình đặc biệt là chương trình năm ngoái Plaisir d’Amour- tôi được Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng mời diễn, thấy những con người trong Nam rất trách nhiệm. Hầu như nghề nào cũng thế. Đã làm, người ta làm hết mình, làm đến cùng luôn.Miền Bắc thì tài năng rất nhiều nhưng làm việc thì hời hợt. Đang làm tí lại thôi nghỉ đi, đến giờ nghỉ rồi. Trong kia không có chuyện như vậy. Nếu chỉ huy đang say sưa thì nghệ sĩ vẫn phải theo chỉ huy.

Nghe như thể anh sắp Nam tiến?

Tôi nghĩ tôi sẽ gắn bó với Hà Nội. Có thể kết hợp nhiều chương trình ở Sài Gòn nhưng tôi sẽ sống ở Hà Nội. Vợ chồng tôi rất thích cách sống của dân Hà Nội. Nó đúng như con người tôi, dòng nhạc tôi- chậm chậm, sâu sắc.

Cảm ơn anh.