Nông dân chê máy gặt đập liên hợp trong nước

TP - Ông Nguyễn Công Tư, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), cho biết khoảng 20 tỷ đồng dành cho vay mua máy nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất, từ đầu năm đến nay chưa có khách hàng nào tiếp cận được.
Máy đỏ (máy gặt đập liên hợp của Nhật) trên đồng ruộng Cầu Ngang

> Nông dân chế tạo ô tô chạy nhờ gió

Nguyên nhân, hỗ trợ lãi suất dành cho máy nông nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên (thường chất lượng thấp), mà nông dân muốn mua máy chất lượng cao của nước ngoài nên chấp nhận vay vốn theo lãi suất thương mại.

Ông Trương Văn Minh ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa (Cầu Ngang), năm 2009 mua 1 máy gặt đập liên hợp có tỷ lệ nội địa 60%, do cơ sở VT sản xuất, với số tiền trên 220 triệu đồng được hỗ trợ lãi suất “nhưng bực bội không chịu được”.

Ông kể: “Chỉ được một năm, máy liên tục trục trặc, nằm đồng. Nhất là lúa không sạch, năng suất chỉ 0,4 ha/giờ; trong lúc, máy nhập công suất đạt 0,6 ha/giờ. Nên đầu năm 2012, tôi mua thêm một máy gặt đập liên hợp của Nhật hiệu KOBUTA - 68, trị giá trên 540 triệu đồng”.

Ở xã Phong Phú (Cầu Ngang), trên cánh đồng mẫu lớn rộng 800 ha lúa đang chín, có 3 máy gặt đập liên hợp hiệu KOBUTA hoạt động hết công suất, bên cạnh 4 máy gặt đập liên hợp của cơ sở VT “nằm chờ”.

Bà Thạch Thị Mau ở ấp Kinh Xáng cho biết, gia đình có 2 ha lúa đã chín hơn 5 ngày, đang chờ thuê cho được máy đỏ (máy gặt đập liên hợp của Nhật). Bà Mau giải thích, giá thuê như nhau (2 triệu đồng/ha) nhưng máy Nhật cắt nhanh hơn, sạch hơn và ít bị rơi lúa so với máy nội địa.

Theo Báo giấy