Nỗi nhục, cơn cuồng si và một người phụ nữ

TPO - Ba cuốn sách “Nỗi nhục”, “Cơn cuồng si” và “Một người phụ nữ” của Annie Ernaux vừa được xuất bản, đúng dịp Những ngày văn học châu Âu tại Việt Nam. Ba cuốn sách bật mí những hồi ức sâu thẳm, từ kỷ niệm thơ ấu đến những bí mật thầm kín nhất của nữ nhà văn Nobel năm 2022.

Ba cuốn sách của tác giả Nobel

Annie Ernaux được trao giải Nobel Văn học năm 2022. Chủ đề mà Annie Ernaux khai thác đều xoay quanh những sự kiện trong đời bà và cuộc sống của những người xung quanh qua lối viết văn tự sự, "không khoan nhượng" về những cuộc trao đổi tình dục, lần phá thai đau đớn tuổi đôi mươi, bệnh tật và cái chết của cha mẹ.

Nhà văn Annie Ernaux - chủ nhân giải Nobel Văn học 2022.

Buổi ra mắt sách diễn ra tối 10/5 tại Viện Pháp với sự góp mặt của các vị khách mời: nhà văn Hiền Trang, ông Hervé Malagola - giáo viên văn học Pháp và La tinh, Trường Pháp Quốc tế Alexandre Yersin tại Hà Nội, tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên.

Ba cuốn sách của nhà văn Annie Ernaux được giới thiệu trong chuỗi sự kiện Những ngày văn học Châu Âu tại Việt Nam.

Độc giả Việt Nam từng biết đến Annie Ernaux qua hai tác phẩm Hồi ức thiếu nữ, Một chỗ trong đời. Dịp này, độc giả tiếp tục khám phá ba tác phẩm mới được chuyển ngữ.

Một người phụ nữ kể lại hành trình Annie Ernaux tìm lại những gương mặt khác nhau của người mẹ, một người phụ nữ vốn rất khỏe, xông xáo, cởi mở, qua đời sau một thời gian mắc bệnh Alzheimer.

“Annie xử lý chất liệu trong đời thật, coi cuộc đời mình như kiểu mẫu để nghiên cứu về dân tộc, giai cấp và không chỉ đơn thuần là những sự kiện hư cấu tự sự mà bà nghĩ ra để thu hút khán giả”, nhà văn Hiền Trang.

Cơn cuồng si là cuốn sách kể lại chuyện tình đầy nhục dục và ám ảnh, khổ đau và thương nhớ của bà với một nhà ngoại giao nước ngoài đã có gia đình. Nữ văn sĩ luôn trung thực, thành thật với nỗi đau, không né tránh sự thật.

Trong cuốn Nỗi nhục, câu văn mở đầu khiến bất kỳ độc giả nào cũng phải bất ngờ bởi nội dung lẫn tính trần thuật: "Bố tôi đã định giết mẹ tôi vào đầu buổi chiều một Chủ nhật tháng Sáu".

Câu văn như sự tường thuật rất phẳng, không ẩn dụ. Đó cũng chính là nguồn cơn của nỗi nhục mà thiếu nữ Annie Ernaux cảm thấy về cha mẹ mình, về nghề nghiệp và môi trường sống của họ.

“Annie xử lý chất liệu trong đời thật, coi cuộc đời mình như kiểu mẫu để nghiên cứu về dân tộc, giai cấp, không chỉ đơn thuần là những sự kiện hư cấu tự sự mà bà nghĩ ra để thu hút khán giả”, nhà văn Hiền Trang nói.

Đấu tranh giai cấp, nữ quyền

Nỗi mặc cảm về nguồn gốc là yếu tố cốt lõi của văn phong Annie. Annie luôn bị đày đọa bởi những nỗi mặc cảm, tự ti, ngượng ngùng khi xuất thân từ gia đình tầng lớp bình dân lao động chân tay - tầng lớp tiểu tư sản.

Trong diễn từ nhận giải, Annie Ernaux thừa nhận bà viết văn để "trả thù" cho những người dân của mình, tạo ra thứ văn chương dành cho những người trong gia đình, bảo vệ những con người của tầng lớp mình.

Nỗi mặc cảm về nguồn gốc là cốt lõi của văn phong của Annie Ernaux.

Giai cấp tiểu tư sản luôn phải chắt chiu để trang trải qua ngày. “Bố cậu làm gì đây? Bán tạp hóa à? Thế thì cậu được ăn kẹo miễn phí nhỉ? Thật tuyệt!”, nhà văn bị bạn bè chế giễu.

Ngôn ngữ như xoáy sâu vào nội tâm cô bé khiến cô vô cùng xấu hổ, tủi nhục. Annie dần nhận thức được rằng muốn thoát khỏi ngục tù của mình buộc phải "trả thù" trường học, chứng minh năng lực, tự giải phóng bản thân. Con đường duy nhất là học, nỗ lực không ngừng.

Văn chương của Annie bình thường hóa những tâm tư, trải nghiệm khó nói của phái nữ.

Ba cuốn sách đầu tiên Annie vẫn được coi là tiểu thuyết, tuy nhiên từ cuốn thứ tư trở đi bà theo đuổi thể loại tự truyện xã hội, thuật lại chính xác đời mình, đưa ra những lát cắt cuộc đời. “Annie viết theo thể thức tự truyện xã hội, coi tác phẩm là đại diện tầng lớp, viết cho giai cấp mình”, TS. Nguyễn Quyên nhận định.

Ngòi bút dũng cảm, sắc lạnh

Viết về nữ quyền, phong cách của Annie mang màu sắc, dấu ấn của văn học hiện thực. Văn chương của bà đã bình thường hóa những tâm tư, trải nghiệm khó nói của họ.

Trong thời gian mang thai ngoài ý muốn, bà vẫn nghĩ đàn ông là người tốt. Ở Pháp, trước năm 1975, người dân vẫn chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa phụ quyền. Yếu tố thống trị của nam giới đã du nhập vào trong cơ thể nữ giới, trở thành “bộ phận không thể thiếu” trong cơ thể họ. Annie muốn dùng ngòi bút để giúp người phụ nữ tự giải phóng mình khỏi những quy ước xã hội gò bó.

Ông Hervé Malagola - giáo viên văn học Pháp và La tinh, Trường Pháp Quốc tế Alexandre Yersin tại Hà Nội khẳng định nữ chủ nhân giải Nobel Văn học 2022 luôn là người muốn thăng tiến trong xã hội. Ông nhận định cách đây hơn 20 năm khi đọc Annie Ernaux, ông chưa hiểu thấu chủ đề đấu tranh cho nữ quyền trong tác phẩm của bà.

Thông qua sáng tác, Annie Ernaux dẫn dắt độc giả vào những thăng trầm cuộc sống đời thường chân thực. Với văn phong tối giản, câu văn ngắn gọn, từng trang sách của nữ văn sĩ vừa là “liều thuốc chữa lành”, vừa là “vũ khí đấu tranh” cho cuộc đời chính mình.

Annie Ernaux sinh năm 1940 tại Lillebonne, lớn lên tại Yvetot, đều thuộc tỉnh Seine-Maritime, vùng Normandie, Tây Bắc nước Pháp. Bà học ngành Văn học hiện đại ở đại học Rouen, sau đó làm giáo viên văn ở Annecy, Pontoise rồi Trung tâm giáo dục từ xa quốc gia. Bà là tiến sĩ danh dự của đại học Cergy-Pontoise.
Năm 1974, bà xuất bản tác phẩm đầu tay Les armoires vides (Những ngăn kéo rỗng) kể về lần phá thai chui của bản thân vào năm 1964. Năm 1983, bà xuất bản Một chỗ trong đời kể về cuộc đời của cha mình, cuốn sách đã đoạt giải Renaudot. Năm 2008, bà xuất bản Les années (Những năm tháng), tác phẩm được coi là sự hoàn chỉnh, cả về nội dung lẫn hình thức, của thể loại hồi ức tập thể.

Trong suốt sự nghiệp, Annie Ernaux đã được trao rất nhiều giải thưởng gồm: giải Renaudot (1984), giải thưởng về ngôn ngữ Pháp, giải François Mauriac (2008), giải Marguerite Youcenar (2017), giải Nobel Văn học (2022)...