Nỗi lo của đứa trẻ

TP - Trẻ em Việt Nam ngày nay lo nghĩ và tìm tòi giải pháp cho những vấn đề vĩ mô không kém so với công việc của một ông… bộ trưởng, trong khi trẻ em Nhật và Thái Lan thích tìm niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống.

> Vẻ đẹp tươi mới của cô bé “tương lai”

Ý tưởng trẻ thơ, cuộc thi dành cho học sinh tiểu học do một hãng xe Nhật tài trợ, không chỉ tổ chức ở Việt Nam mà còn ở Nhật và Thái Lan. Vị giám khảo người Nhật có tên Kiwamu Kayano so sánh: “Nhật Bản và Thái Lan là 2 quốc gia đã phát triển nên học sinh hai nước này thường có những ước mơ để cuộc sống con người vui hơn, bớt mệt mỏi do làm việc căng thẳng, để con người xích lại gần nhau hơn. Còn với trẻ em Việt Nam, cuộc sống của chính các em, và những người xung quanh mà các em quan sát được còn gặp nhiều khó khăn do khí hậu, môi trường, y tế, giáo dục… nên thường có những mơ ước để cải thiện các vấn đề trong cuộc sống, bảo vệ con người trước những bất trắc”.

“Đây là sự khác biệt thú vị” - ông nhận xét. Xuất phát từ sự phát triển của xã hội, điều kiện sống khác nhau, nên ý tưởng, ước mơ của các em cũng khác biệt.

Chẳng hạn, trẻ em nước ngoài đưa ra những ý tưởng như: Máy giặt cảm xúc để giặt hết nỗi buồn khỏi quần áo, sau khi mặc lại những bộ quần áo đó thì sẽ quên hết buồn phiền; hay Viên kẹo hạnh phúc - ăn vào sẽ thu hết mọi nỗi buồn; và Chiếc ô âm nhạc - phát nhạc để người đi bộ dưới mưa đỡ buồn, đồng thời còn tự động đưa kẹo cho mọi người ăn khi đi đường…

Cũng mơ mộng thậm chí viễn tưởng, chẳng kém gì trẻ em Việt Nam cả, nhưng những em bé nước ngoài biết quan tâm đến một thứ trừu tượng nhưng rất quan trọng, dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi: cảm xúc.

Trong khi đó, trẻ em Việt Nam quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội, có pha chút… chính trị. Cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ năm nay, có những ý tưởng như Rùa bảo vệ biên giới của Lê Nguyễn Thùy Dung, Máy phát hiện cháy rừng trong lòng đất của Trần Đình Trường Luân, Xe lọc chất độc màu da cam của Nguyễn Hương Giang, Ong bảo vệ rừng bắt lâm tặc của Vũ Bảo Long…

Em Huỳnh Thị Trúc Vy ở Quảng Nam đã khóc nức nở trên sân khấu chung kết hôm 17/8 khi thuyết trình ý tưởng Chiếc áo bảo hộ bắt nguồn từ cái chết của bố em, một công nhân xây dựng qua đời vì tai nạn lao động.

Ý tưởng trẻ thơ các năm trước cũng đều chứng kiến những ý tưởng cảm động, được nghĩ ra để cải thiện kinh tế hoặc ngăn chặn tai nạn máy bay gây chết người… Người viết từng nghe những người lớn nhắc đến việc trẻ con biết bàn về các vấn đề vĩ mô của xã hội như niềm tự hào.

Cũng có thể đáng tự hào, nhưng theo bà Nguyễn Hồng Thu, giám khảo cuộc thi, thì còn là do “cuộc sống khó khăn cùng với ảnh hưởng của người lớn và truyền thông đối với trẻ em Việt Nam”. Đất nước nào cũng có những vấn đề xã hội tiêu cực. Trẻ em Việt Nam nghe và xem hiện thực xã hội từ truyền thông, mà trên truyền thông thì hiện thực tiêu cực hình như có nhỉnh hơn.

Cũng hôm 17/8, tại Hà Nội khai mạc triển lãm Mirai-chan, cô bé má hồng phúng phính của nhà nhiếp ảnh người Nhật Kotori Kawashima. Tác giả có mặt để trò chuyện về bộ ảnh. Anh đã chụp cô bé Mirai-chan suốt 1 năm trời, qua bốn mùa xuân hạ thu đông.

Nói với báo chí Việt Nam, Kotori Kawashima lý giải cái tên “Mirai” nghĩa là “tương lai”. Trân trọng trẻ em, trân trọng tương lai, thật là cái cớ đơn giản nhưng ý nghĩa để làm nghệ thuật. Còn nhớ, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói “Việt Nam chưa biết trân trọng trẻ em”.

Hai giải Nhất y tưởng trẻ thơ năm nay thuộc về ý tưởng Máy hút nhiệt tích điện hình con bướm của Phạm Thị Tố Nga (khối lớp 1-3) và ý tưởng Cáp treo con sâu của Nguyễn Khánh Linh (khối 4-5). Đây là năm thứ 6 của cuộc thi ở Việt Nam.
Theo Báo giấy