Nơi hải chiến Hoàng sa, bây giờ…: Sống tại Nguyệt Thiềm

TP - Sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa (19/1/1974) thì vòng Nguyệt Thiềm thành vùng trắng? Không phải vậy. Từ trước năm 2000, tàu cá của ngư dân cứ mở biển là vào thẳng vòng Nguyệt Thiềm để neo trú, nấu ăn, mưu sinh cho đến hết phiên biển. Khi trời bão, ngư dân chạy lên các đảo nhỏ và trú bão chung với ngư dân Trung Quốc.

Điểm tránh bão ở cồn cát đảo Ốc Hoa mà các ngư dân từng chung sống với ngư dân Trung Quốc. Ảnh tư liệu

CƯ DÂN TỰ DO

Ngư dân Trần Đồng ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là thế hệ đầu tiên ra sinh sống tại vòng Nguyệt Thiềm, với tâm thế là chủ nhân thực sự của vùng biển này. Ông Đồng kể, năm 1971, tại khu dồn dân ở ấp chiến lược xã Bình Đức (nay là Bình Châu), ông Đồng nghe một người lớn tuổi là ông Phạm Tòa, từng bị lính Pháp bắt ra đảo Hoàng Sa. Ông Tòa luôn nhắc đến đảo Cát Vàng (Hoàng Sa) có rất nhiều ốc, cá, chim, nếu ngư dân ra tới đó không khác chi đi vô “kho vàng”.  

Mãi đến đầu tháng 4/1989, ông Trần Đồng 35 tuổi mới gặp cơ hội ra Hoàng Sa trên tàu cá của ngư dân Mai Thành là người cùng quê. Ông Đồng kinh ngạc vì cá ở Hoàng Sa quá nhiều. Tấm lưới trên tay luôn nặng như mắc vào đá vì cá đóng dày. Hòn đảo lúc đó vắng vẻ và có vẻ yên ắng. Sau 3 phiên biển bội thu, tháng 6/1989, ông Đồng dựng xỏ đóng tàu để có cơ hội tiếp tục quay trở lại đánh cá.

Trong phiên biển đầu tiên, chiếc tàu QNg 5274 TS chở hơn 150 tấm lưới, mỗi phiên lưới thu được khoảng 1 tấn cá (tương đương với ngư dân hiện nay đánh trong gần 1 tuần với 400 tấm lưới). Chỉ sau 4 ngày đánh bắt, chiếc tàu dài 14,2 mét, trọng tải 5 tấn không còn chỗ để chứa cá. Thời đó tàu công suất nhỏ, thân vỏ chỉ chịu được sóng cấp 6, vì vậy mỗi khi biển động, ông Đồng lại cho tàu ghé vào các đảo Ốc Hoa, Ba Ba, Xà Cừ (trong vòng Nguyệt Thiềm) để ngư dân lên đảo nấu ăn, sửa lại lưới chờ trời yên biển lặng.

Trên các hòn đảo nhỏ này thỉnh thoảng có ngư dân Trung Quốc ra làm nghề bắt rùa biển. Theo những gì mà ông Đồng mô tả lại thì ngư dân Trung Quốc thậm chí còn nghèo khổ hơn cả ngư dân Việt Nam. Mỗi lần tàu cập vào đảo, các ngư dân Việt Nam mang tặng ngư dân Trung Quốc một ít bí đỏ, mía. Các ngư dân này thường chỉ tay về phía các đảo Quang Ảnh, Duy Mộng để nhắc ngư dân không nên cập vào, vì có lính đồn trú.

Suốt nhiều năm cho tàu neo đậu và đánh cá trong vòng Nguyệt Thiềm, chiếc tàu QNg 5274 TS và nhiều tàu cá khác ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã là những cư dân ở các hoang đảo. Lính Trung Quốc lúc đó chỉ di chuyển bằng những chiếc ca nô nhỏ, không rời xa các đảo. Mỗi khi trời nổi gió, một thanh niên Trung Quốc chạy ra bãi cát trên đảo Ba Ba, xoay tròn chiếc áo trên đầu liên tục để ra hiệu ngư dân Việt Nam trở về nơi neo đậu. Người thanh niên này kể với ông Đồng đã có vợ, 1 người con gái ở đảo Hải Nam. Tại các đảo Ốc Hoa, Ba Ba có vùng neo đậu nhỏ, sức chứa chỉ được khoảng 10 con tàu, ông Đồng và hàng trăm ngư dân Việt Nam kéo lên đảo lưu trú.

Nhưng từ năm 2000, lính Trung Quốc bắt đầu lượn lờ trong vòng Nguyệt Thiềm. Có lần lính xông lên tàu cá các ngư dân để dọa nạt, ném nắp hầm cá xuống biển. Một ngư dân Trung Quốc chứng kiến cảnh này đã bức xúc can ngăn, lính Trung Quốc không nên làm chuyện xấu.

CƯ DÂN “NGÀY CUỐI CÙNG”

Từ hai công trình nghiên cứu khoa học: “Trục quan hệ của ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa và Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trú bão và bám đảo” (Đề tài được Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông, Học viện Ngoại giao trao giải xuất sắc và đặc biệt xuất sắc trong 2 năm 2018-2019), tôi đã nhận ra rằng, từ năm 2000 trở đi, hải quân của Trung Quốc mới bắt đầu thể hiện “đối thoại cơ bắp”, quay sang xua đuổi ngư dân, nhất là những tàu cá nhiều năm lưu trú ở vòng Nguyệt Thiềm. Vậy là những chiếc tàu cá bắt đầu phải dạt ra khỏi vòng Nguyệt Thiềm neo đậu, ngư dân phải đóng tàu lớn hơn (chiều dài 17, 19 mét) để khi neo ngoài vòng Nguyệt Thiềm có thể chịu được sóng gió. Mỗi khi trời sập tối lại cho tàu vào vòng Nguyệt Thiềm lặn bắt hải sản.

Ngư dân Bùi Văn Long tại vòng Nguyệt Thiềm. Ảnh: Văn Chương

Ai là người cuối cùng rời vòng Nguyệt Thiềm? Đó là ngư dân Bùi Văn Long, quê ở xóm Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu. Vì sao ngư dân này có thể trụ lại được giữa ban ngày, trong khi ngư dân các tàu khác đều rút ra khỏi vòng Nguyệt Thiềm và chỉ trở vào lúc trời sập tối? Đó là phương pháp đi tàu có thân vỏ nhỏ để linh hoạt giữa các cồn cát cao, đồng thời trà trộn với các ca nô của ngư dân Trung Quốc. Từ năm 2007, con tàu nhỏ này trụ lại đến ngày 26/2/2013 mới bị phát hiện, sau đó các ngư dân mới rút ra ngoài.

Những chiếc tàu mở biển đi khơi, ra Hoàng Sa, Trường Sa đều có công suất lớn. Tàu bình thường có thân vỏ dài khoảng 22 mét, công suất máy 250-450-780 mã lực trở nên. Thuyền trưởng Bùi Văn Long đi tàu có chiều dài 12,2 mét, công suất máy chỉ 56 mã lực. Đi chiếc tàu nhỏ dễ ứng phó, nhưng các ngư dân cũng phải chấp nhận rủi ro, nếu trên đường ra đảo gặp sóng lớn.

Đi khơi, con tàu nhỏ này chỉ cần mang theo 140 cây đá, 2.000 lít dầu, 3 bao muối, 6 bao gạo, 15 thùng mì tôm, 3 bình ga. Tổng cộng chi phí chuyến biển khoảng 65 triệu đồng. Chính nhờ việc sử dụng thuyền nhỏ, anh Long áp sát vào khu vực đảo Xà Cừ. Mỗi buổi trưa, ngư dân lại nhìn ra phía lạch thăm dò đội tàu tuần tra của Trung Quốc bắt đầu một ngày quần đảo.

Các ngư dân ra Hoàng Sa thường đi về hướng đảo Hai Trụ, còn anh Long lại đi theo hướng đảo Xà Cừ. Tàu ra đảo Lý Sơn để chọn điểm chuẩn, sau đó canh la bàn chạy thẳng vào cửa lạch của đảo Xà Cừ. Anh Long mô tả, cửa lạch này khá rộng, giữa lạch sâu gần 20 mét, sát lạch đều có 2 cồn cát rộng. Tại cồn cát này hình thành một khu vực đánh bắt. Hàng ngày, có khoảng vài chục ngư dân Trung Quốc dựng 10 chiếc lều trên cồn cát và thả ca nô đi đánh cá và bắt rùa. Thỉnh thoảng chiếc thuyền nhỏ cập vào cồn cát và anh Long ra hiệu với ngư dân Trung Quốc “cùng thân phận thuyền nhỏ, để cho anh em bình yên kiếm hải sản mang về”.

Vòng Nguyệt Thiềm bao gồm các đảo: Quang Hòa, Đá Hải Sâm, Hữu Nhật (Cam Tuyền, Robert), Hoàng Sa, Xà Cừ, Duy Mộng, Ốc Hoa, Ba Ba; riêng đảo Quang Ảnh (Vĩnh Lạc, Money) nằm ngoài và cận với vòng Nguyệt Thiềm. Trong trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974, nhóm tàu Trung Quốc tập trung ở đảo Duy Mộng. Khu vực này hiện nay Trung Quốc đang phát triển các hoạt động du lịch trái phép.