Nơi gian khó, có thanh niên

TP - Những ngày qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên tại tỉnh Lào Cai hoạt động hết công suất để khắc phục hậu quả bão lũ và đưa hàng cứu trợ từ nhà hảo tâm tới tận tay người dân. Không ít đoàn viên, thanh niên tình nguyện cũng là nạn nhân của bão lũ…

Nhà sập, vẫn đi cứu trợ

Khi đến Lào Cai để tác nghiệp và trao quà cứu trợ cho người dân, tôi đã gặp không biết bao nhiêu những bóng áo xanh lam ướt đẫm mồ hôi hoặc nước mưa đang miệt mài lao động khắp mọi nẻo đường.

Các đoàn viên, thanh niên tỉnh Lào Cai vất vả đưa cứu trợ tới những vùng sâu, xa để trao tận tay cho người dân

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Bí thư Huyện Đoàn Bảo Thắng cho biết, hơn một tuần qua là khoảng thời gian mà lực lượng đoàn viên, thanh niên của xã hoạt động gần như 200% công suất. Chưa bao giờ, anh và các đoàn viên, thanh niên có chương trình làm việc dày đặc và căng thẳng thế này. Trước khi bão lũ về, tổ chức Đoàn phối hợp cùng các đoàn thể chính trị, lực lượng chức năng để sơ tán người dân đến nơi an toàn, giúp dân chuyển đồ đạc ra khỏi nhà, cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, lập các chốt canh gác… Sau khi bão tan, lũ rút, đoàn viên lại ra quân đi vệ sinh bùn ở các tuyến đường, nhà dân và huy động các nguồn lực về tiền mặt, hàng hoá để hỗ trợ cho những hộ dân bị sập nhà, mất nhà…

“Sau khi lũ rút, nguồn nước sạch hầu như cạn nên đoàn viên, thanh niên không thể dùng vòi xịt nước để vệ sinh bùn. Chúng tôi phải dùng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, hay buộc ván gỗ vào dây thừng để cạo, xúc, kéo bùn. Mà bùn ở đây lại chứa nhiều phù sa, có độ đặc, quánh rất cao nên công tác vệ sinh rất vất vả”, anh Tuấn nói.

Nhiều người trong số đoàn viên thanh niên đang miệt mài hỗ trợ đồng bào cũng là nạn nhân trực tiếp của bão lũ. Nhưng vì công việc chung, họ vẫn cắn răng nén nỗi đau của bản thân lại để hết mình vì công việc chung. Chị Đoàn Thị Mai, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phú Gia (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là một trường hợp như vậy. Chị Mai ở cùng mẹ trong một ngôi nhà nằm gần bờ suối tại xã Thống Nhất (Bảo Yên). Hôm ấy là chiều ngày 10/9, chị đang cùng đoàn thanh niên xã đi vận động người dân sơ tán tránh sạt lở và giúp vận chuyển đồ đạc thiết yếu đến nơi an toàn. Bỗng chị nhận được một cuộc điện thoại gấp từ mẹ: “Con ơi, lũ cuốn trôi gian bếp nhà mình rồi. Mẹ sơ tán kịp nên không sao. Bao giờ con về?”. Lòng như lửa đốt, nhưng vì đang bận công việc chung nên chị không thể về giữa chừng. Tối hôm ấy, chị về tới nhà thì gần như cả tầng 1 đã bị lũ cuốn đi. Sáng sớm hôm sau, cả ngôi nhà đổ sập hoàn toàn. Chị Mai chỉ biết gạt nước mắt nhìn ngôi nhà trôi theo dòng lũ. Thế nhưng hôm sau, trong màu trong xanh của Đoàn, chị lại lên thuyền đi tới những vùng xa xôi để tổ chức các bếp ăn 0 đồng cho bà con…

“Nhà tôi chỉ còn có hai mẹ con, mà giờ mất trắng rồi. Thôi cũng may là của đi thay người”, chị Mai chia sẻ. Hiện chị kinh doanh một cửa hàng quần áo nhỏ ngoài huyện Bảo Thắng, thu nhập không đáng là bao nhưng chị vẫn đang phải ưu tiên nhiệm vụ chung trước, nên chưa có thời gian nghĩ đến việc dựng lại nhà ở đâu, thế nào. Chị chỉ kịp bảo mẹ qua ở nhà bà nội một thời gian, chờ chị xong việc rồi hai mẹ con cùng tính tiếp…

Em Triệu Kim Phúc, đoàn viên xã Yên Sơn (Bảo Yên, Lào Cai) cũng có hoàn cảnh tương tự. Trong đợt bão lũ vừa rồi, ngôi nhà của em tại xã Yên Sơn cũng bị san lấp hoàn toàn sau một vụ sạt lở, rất may không có thiệt hại về người. Dù vậy, Phúc vẫn xung phong tới điểm tiếp nhận hàng cứu trợ của huyện Bảo Yên để bốc dỡ, vận chuyển hàng hoá tới bà con. Phúc bảo, việc của nhà em so với thiệt hại chung của người dân Lào Cai thì vẫn là chuyện nhỏ…

“Nhiều bạn đoàn viên, tình nguyện viên dù đã nhiều ngày không về nhà, vẫn lạc quan nói rằng: nhà em không việc gì đâu, em vẫn muốn đi giúp bà con trước! Sự hăng hái, nhiệt huyết và tinh thần cống hiến của họ lúc nào cũng bùng cháy như một ngọn lửa, vượt lên trên cả mưa gió bão bùng”. Anh Hoàng Mạnh Linh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai

Băng rừng, vượt suối

Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất nên huyện Bảo Yên (Lào Cai) nhận được rất nhiều hàng cứu trợ từ người dân trên toàn quốc. Theo ước lượng của ông Đoàn Xuân Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bảo Yên, huyện Bảo Yên đã đón hơn 300 đoàn cứu trợ từ khắp các tỉnh thành và tiếp nhận vô số hàng hoá. Bởi vậy, Ban Vận động cứu trợ của huyện gồm các lực lượng công an, cảnh sát cơ động, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh… đã làm việc ở cường độ cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên.

“Tại điểm tiếp nhận, chúng tôi luôn có lực lượng trực 24/24 để đón các đoàn cứu trợ. Mọi người thức khuya dậy sớm, làm quần quật cả ngày vì lượng hàng hoá quá nhiều, hầu như không có phút nào ngơi tay. Chưa bốc dỡ xong hàng hoá của đoàn xe này, ba, bốn đoàn xe khác đã nối đuôi nhau tới. Buổi trưa và buổi tối, chúng tôi chỉ kịp tranh thủ 15 phút ăn vội những hộp cơm từ thiện do người dân xung quanh nấu, rồi lại xắn tay vào bốc, dỡ hàng”, chị Lương Thị Hương Lan, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bảo Yên cho biết. Có những ngày, gần 100 người gồm cả đoàn viên, thanh niên lẫn lực lượng công an, cảnh sát cơ động cùng nhau bốc dỡ hàng nhưng vẫn bị quá tải.

Không chỉ vậy, công tác vận chuyển hàng đến tay người dân còn vất vả hơn nhiều lần. Theo ông Đoàn Xuân Hưng, Ban vận động cứu trợ phải huy động nhiều đội xe bán tải từ Hà Nội lên chở giúp. Tại những khu vực bị cô lập do sạt lở và bùn đất sau lũ, các đoàn viên, thanh niên cùng lực lượng công an, dân quân phải hạ hàng xuống, chất lên xe máy hoặc thuyền để di chuyển. Chẳng may xe máy bị kẹt trong bùn, họ lại hô hào nhau xuống kéo, đẩy xe vượt qua. Ở những khu vực xa xôi hẻo lánh nhất của huyện, họ phải gùi hàng lên vai rồi đi bộ gần chục cây số để đưa tận tay bà con bất kể mưa, nắng.

Anh Hoàng Mạnh Linh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai cho biết còn khá nhiều đoàn viên, thanh niên của tỉnh là nạn nhân của bão lũ. Nhưng với tinh thần “khi nào bà con còn đói, khi đó chân chúng tôi còn bước”, họ vẫn gạt mọi thứ sang một bên để đặt công việc chung lên hàng đầu.