Nỗi buồn của ‘người mẹ trẻ em da cam’ ở Trung tâm phải dừng hoạt động vì hết tiền

TPO - “Kể từ ngày Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng đóng cửa, bọn trẻ cứ khóc đòi đến lớp… thấy cảnh mà rát cả ruột gan”, bà Nguyễn Thị Hường, 70 tuổi - người gắn bó với trung tâm từ ngày thành lập, xúc động kể.

Tâm sự của “người mẹ trẻ em da cam”

Gắn bó với Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) từ ngày thành lập, bà Nguyễn Thị Hường rất đau lòng khi trung tâm phải dừng hoạt động vì hết kinh phí.

Bà Hường nhớ lại, hôm đó là thứ Năm ngày 31/10, chú Lê Văn Tiền - Giám đốc Trung tâm nói họp. Bà và cháu Trần Thị Mỹ Dịu (người cùng chăm sóc các cháu da cam) vào họp. Giám đốc đọc quyết định trung tâm ngừng hoạt động, bảo cháu Dịu làm hồ sơ quyết toán sổ sách rồi nghỉ.

"Hôm đó, tôi và Dịu nói với cha mẹ các cháu bị nhiễm chất độc da cam là mai không chở các cháu đến trung tâm nữa. Nhưng các cháu không chịu, khóc đòi mai đi học. Khóc nhiều nhất là cháu Nga người dân tộc Hrê, cháu Nga đòi ở lại không chịu về nhà. Vỗ về mãi, các cháu mới vừa khóc vừa theo cha mẹ về, thấy cảnh vậy, tôi và Dịu nhìn theo cũng khóc luôn, thiệt là đau đứt ruột. Vừa rồi mẹ cháu Nga điện nói hai vợ chồng đi làm, nhốt cháu trong nhà thế là cháu trèo cửa sổ tự đi bộ ra trường. May hàng xóm phát hiện ngăn lại”, bà Hường nghẹn ngào.

Mỗi năm có hàng trăm nạn nhân chất độc da cam đến Trung tâm để được hỗ trợ phục hồi chức năng.

Bà Hường kể, khi mới 16 tuổi, bà đi theo tiếng gọi của cách mạng làm giao liên tại Bưu điện Quân khu 5 đặt giữa núi rừng Trà My (tỉnh Quảng Nam). Bà có nhiệm vụ vận chuyển thư từ, tài liệu từ trạm quân bưu đến các vị trí được giao. Để kịp thời giữ liên lạc, bà phải cõng các kiện hàng nặng đến 40 - 50kg vượt qua đồi núi, đèo dốc. Giữa hiểm nguy, thiếu thốn, bà vẫn luôn giữ tinh thần, ý chí bám trụ dù nhiều lần quân địch rải chất độc da cam tàn phá cây cối, đến cả củ mì cũng không có mà ăn.

“Nay đã 70 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, bản thân tôi cũng bị nhiễm chất độc da cam, con tôi cũng bị nhưng may mắn là nhẹ nên cháu vẫn khỏe mạnh để lấy chồng sinh con. Vì chung cảnh nên rất thấu cảm cho các cháu. Lúc mở trung tâm này tôi cũng vừa thôi chức Chủ tịch Hội phụ nữ xã để nghỉ hưu, thế là qua đây chăm sóc các cháu. Nói về lý do thì đơn giản là yêu thương, hiểu sự cực khổ, đau đớn của cha mẹ và bản thân các cháu bị chất độc da cam”, bà Hương thổ lộ.

Theo bà Hường, công việc chăm các cháu thì "ôi thôi, cực lắm. Mỗi ngày tầm 6h30 là tôi và cháu Dịu đã có mặt ở trung tâm để dọn dẹp, chuẩn bị đón các cháu cho cha mẹ đi làm. Chăm các cháu da cam, thần trí không ổn định, có hôm giận lên nó xô tôi lộn quèo, rồi nói tục, nhưng thương nên tôi chịu được".

Chị Dịu (bìa trái) và bà Hường là hai người bám trụ với những đứa trẻ da cam ở trung tâm vì yêu thương.

Nói về tiền lương, bà Hường cho biết, ba người gắn bó với trẻ da cam vì tâm huyết và yêu thương. Thực tế lương ông Tiền là 2 triệu đồng/tháng, bà 1,7 triệu đồng/tháng và Dịu có bằng cấp và làm cả sổ sách lẫn dạy học được 3 triệu đồng/tháng. Giữ các cháu cả ngày. Thật sự giữ các cháu vì cái tâm và yêu thương, nếu làm vì lương thì mọi người đã nghỉ lâu rồi. Bởi đi phụ các quán ăn trước trường cấp 3 tháng cũng kiếm 6 triệu mà khỏe hơn.

“Giờ trung tâm đóng cửa, bản thân tôi thì khỏe, nhưng tội cho bọn trẻ và cha mẹ chúng. Có cháu đã gắn bó trung tâm 5, 7 năm, cháu ít cũng cả năm rồi. Mấy nay cha mẹ các cháu điện thoại nói con đòi đến trung tâm, sáng nào cũng khóc. Tôi nghe xong nát ruột, không nuốt nổi cơm. Giờ chỉ mong sao có kinh phí để trung tâm hoạt động trở lại, tôi sẽ tiếp tục chăm tụi nhỏ. Suốt 13 năm qua, khổ mấy tôi cũng chịu được, vậy mà mấy ngày qua trung tâm đóng cửa ruột gan cứ bồn chồn", bà Hường nghẹn ngào.

Vận động kinh phí để trung tâm hoạt động trở lại

Ông Võ Sinh Quân - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa) cho biết, toàn xã có 47 người nhiễm chất độc da cam/dioxin, 35 trường hợp là con đẻ của người nhiễm. Các gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn.

“Trung tâm dừng hoạt động đã gây nhiều khó khăn con em và gia đình các nạn nhân. Chính quyền mong muốn các cấp, sở, ngành tiếp tục quan tâm duy trì trung tâm để chăm lo cho các nạn nhân, san sẻ bớt gánh nặng cho các gia đình nạn nhân cũng như con em của họ”, ông Quân nói.

Bà Nguyễn Thị Hường rất mong Trung tâm sớm hoạt động trở lại.

Ông Đặng Văn Thinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trên địa bàn tỉnh có 20.886 người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 11.971 hội viên. Trong năm 2024, Hội đã vận động các nguồn lực được hơn 5 tỉ đồng, chi các hoạt động hết hơn 4,9 tỉ đồng. Hiện các hoạt động của hội gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí hoạt động và chế độ thù lao hằng tháng của cán bộ hội một số huyện, xã chưa được giải quyết.

Theo ông Thinh, Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng hoạt động chủ yếu từ nguồn vận động và bảo trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi, cùng các khoản thu theo quy định đối với cơ sở bảo trợ xã hội.

Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng.

Trung tâm hoạt động theo hình thức bán trú và đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay. Trung tâm đã tiếp nhận nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo của phía tây huyện Tư Nghĩa.

“Hội cũng đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để quan tâm tháo gỡ. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các nguồn lực vận động từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để duy trì quỹ ổn định mới có thể đưa trung tâm hoạt động trở lại”, ông Thinh nói.

Phòng học ở Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng vắng lặng sau khi phải dừng hoạt động vì thiếu kinh phí.

Ông Nguyễn Đăng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, trước mắt, để tạo điều kiện tốt hơn cho các nạn nhân chất độc da cam, UBND huyện sẽ vận động kinh phí hỗ trợ trung tâm 50 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi duy trì hoạt động của trung tâm. Về lâu dài, UBND huyện sẽ phối hợp Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá lại. Nếu có đủ các điều kiện về mặt pháp lý, địa phương sẽ đề xuất các hình thức bố trí kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm.

Trước đó, ngày 29/10, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi đã có thông báo tạm dừng các hoạt động tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng kể từ ngày 1/11/2024 do thiếu kinh phí. Trước khi dừng hoạt động, trung tâm có 3 nhân viên, chăm sóc bán trú cho 15 em, trong đó có 9 trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo.