SỐNG KHÔNG NỔI
Xã cù lao Tân Bình, huyện Thanh Bình (Ðồng Tháp) 5 năm trước từng là điểm nóng về sạt lở. Sóng đánh vào bờ cù lao nham nhở, cuốn mất nhiều nhà cửa, cây cối. Ðặc biệt là trận lở lớn nhất hồi năm 2013 cuốn nhiều căn nhà xuống sông, đe dọa nghiêm trọng hàng trăm hộ dân. Ngay sau đó, UBND tỉnh Ðồng Tháp xây dựng tuyến dân cư tại xã Tân Bình, cách sông Tiền gần cây số. Ðồng thời, tỉnh chỉ đạo di dời ngay trên 600 hộ dân ven sông vào tuyến dân cư này.
Chủ tịch UBND xã Tân Bình Nguyễn Minh Bằng giới thiệu, xã đã hoàn thành xong việc đưa dân vùng sạt lở vào 3 cụm, tuyến dân cư an toàn cách nay hơn 3 năm. “Ðến nay trên toàn địa bàn xã cặp sông Tiền khoảng 8 km không còn hộ dân nào bị ảnh hưởng nữa”, ông Bằng nói.
Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy bị sông Tiền nuốt trọn. Gia đình bà phải vào tuyến dân cư sống, mở quán nước nhỏ bán. “Những ngày lễ còn bán được dăm ba chục ngàn, còn ngày thường kiếm mười ngàn đỏ mắt, trong khi hằng tháng còn phải đóng thêm tiền lãi ngân hàng vay cất nhà”- bà Thúy than thở và cho biết ở tuyến dân cư này phần lớn là người nghèo, phải làm thuê kiếm tiền ăn từng bữa. Nhiều người không có việc tại chỗ, phải bỏ đi xa xứ làm thuê. Bà Thúy có 2 đứa con, đứa lớn đang học lớp 5, vì khó khăn phải nghỉ học để đi làm thuê, còn chồng bà hằng ngày làm phụ hồ.
Bà Ðỗ Thị Uông cùng ở tuyến dân cư thuộc ấp Tân Phú A, xã Tân Bình nói: “Ở đây phần lớn là người già và trẻ nhỏ chứ tụi trẻ đã lên TPHCM, Bình Dương làm thuê hết rồi”. Vợ chồng bà Uông ở nhà nuôi một đứa cháu nội đang học lớp 5 và đứa cháu ngoại lớp 1. “Làm thuê không đủ sống nên 3 năm nay cha mẹ tụi nhỏ lên Bình Dương làm gửi tiền về nuôi con chứ vợ chồng tôi già không làm ra tiền”, bà Uông nói.
Chồng bà là ông Phan Văn Diệp cho biết, trước đây ở mé sông sống bằng nghề câu lưới, ngày kiếm vài trăm ngàn nhưng vô đây không có việc làm. Nói xong, ông chỉ hai nhà cạnh nhà ông xây xong, không làm gì ra tiền để sống nên họ bỏ nhà đi làm thuê hơn 3 năm nay. Cụ thể, bên trái là gia đình của ông Mép, 2 vợ chồng, 3 đứa con, “không cục đất chọi chim”, vào đây cất nhà xong rồi kéo nhau đi Bình Dương. Còn bên phải là gia đình ông Bảo cũng cất nhà tường trên trăm triệu, sống được một thời gian ông bị bệnh tim phải mổ, vợ bỏ đi. Sau khi khỏi bệnh ông cũng bỏ nhà đi làm thuê, đóng cửa đến nay.
Dòng người mưu sinh khắp nơi đổ về vùng đất cực Nam Tổ quốc, phải tạm dừng chân nơi rừng giáp biển. Nơi đó là đất mũi Cà Mau chứa đựng dòng người di cư tự do đã gần như quá sức chịu đựng. Nay, thêm sạt lở bờ biển đến sông rạch nên người dân đành phải lùi bước.
Ông Lê Văn Tươi, một trong hàng ngàn hộ dân sống ngoài đê biển Tây Cà Mau, thuộc Ấp 7, xã Khánh Tiến (huyện U Minh) nói: “Nói gia đình tôi không sợ chết là không phải, không đất đai, cứ liều mạng sống ở đây. Bây giờ vào Khu tái định cư lấy gì mà ăn?”.
Dân cư sống trong rừng phòng hộ ở Cà Mau. Ảnh: Tiến Hưng.
Phía trong con đê biển là khu tái định cư Hương Mai, ấp 7, xã Khánh Tiến (huyện U Minh) là một trong hàng chục dự án tái định cư rừng phòng hộ biển Tây, đưa vào sử dụng gần 7 năm. Qui mô khu tái định cư Hương Mai cấp đất ở và hỗ trợ di dời cho khoảng 240 hộ dân. Nhưng đến nay, chỉ có 71 hộ vào cất nhà ở. Trong đó, có nhiều hộ nhận đất, cất nhà không lâu, rồi sang bán, đi kiếm sống khắp nơi.
Ông trưởng ấp 7 Nguyễn Châu Á là người được tái định cư, tham gia công tác với địa phương. Ông nói: “Khi mới vào đây ở, mỗi người được nhận 1 nền nhà, ngang 7 m, dài 30 m, với khoản tiền hỗ trợ di dời, bà con rất phấn khởi. Nhưng không đất sản xuất, không việc làm nên thời gian ngắn đã bỏ đi Bình Dương làm công nhân”. Theo ông Châu Á, hiện mới chỉ có gần 30/261 hộ được cấp đất đến ở tại Khu tái định cư Hương Mai. Nhiều gia đình đến đây còn cho con em nghỉ học vì trường ở khá xa nhà và người lớn đi làm ăn tứ tán bốn phương.
Ghé vào những căn nhà lưa thưa trong Khu tái định cư Hương Mai, cụm từ “đi Bình Dương” khá phổ biến đối với những thanh niên, phụ nữ trẻ. Những người còn bám trụ khu tái định cư Hương Mai phần lớn già yếu, và còn lại là trẻ em. Ông Phạm Văn Cảnh nói rằng, khi mới vào đây ở thì sướng thiệt, có đường, có điện, có nước máy. Nhưng ăn hết tiền hỗ trợ di dời thì chả biết làm gì nên phải đi Bình Dương làm công nhân. Các con cháu tôi đều đi Bình Dương, ngày tết mới về thăm.
Tương tự, Khu tái định cư Trà Sết ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) dành cho đồng bào dân tộc sống ven rừng phòng hộ thị xã Vĩnh Châu vào ở. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, hàng trăm căn nhà liền kề như phố chợ, đại đa số đóng cửa. Ðôi vợ chồng trẻ Ngô Lạc và vợ là Lý Thị Lên vừa đi bắt ba khía về, mình ướt như chuột lột, nói với chất giọng Khơ- me: “Giơ! Ai vô đây rồi cũng đi Bình Dương. Vợ chồng tôi chờ 2 con lớn chút nữa, gửi cho nội ngoại, rồi đi Bình Dương làm mướn luôn!”.
Căn nhà tái định cư cạnh nhà ông Lạc là của vợ chồng ông Thạch Lê và bà Thạch Thi Sia đóng cửa. Ông Ngô Lạc nói: “Cả nhà ông Thạch Lê cùng vợ và 4 con đều đi Bình Dương hết rồi…”.
(Còn nữa)
“Trong một năm có trên 1.000 người đến UBND xã chứng thực giấy tờ để đi làm ăn xa. Số đến tuổi lao động tự đi không qua xã thì không thống kê được”.
Ông Nguyễn Minh Bằng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình (Thanh Bình, Ðồng Tháp)