Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu ngân hàng đang xu hướng tăng, tỷ nợ xấu nội bảng gần 5%.
Vì sao nợ xấu?
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tất cả các khoản nợ xấu gồm nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn khoảng 6,9%. Nợ xấu ngân hàng nhiều khi là hệ quả của quá trình.
"Nợ xấu của toàn nền chứ không phải chỉ yếu kém của ngành ngân hàng. Tất nhiên có những khoản, ngân hàng không đánh giá hết hiệu quả vốn vay của doanh nghiệp. Chúng tôi công khai con số nợ xấu để thấy trách nhiệm chung của ngân hàng và của người vay. Bởi đó là tiền của người dân", ông Tú nói và cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới cũng như trích lập dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.
Nhấn mạnh tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng, ông Nguyễn Đức Long - Phó Chánh Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, việc nợ xấu phản ánh hoạt động doanh nghiệp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo đó, chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng cần lưu ý.
Về kế hoạch xử lý nợ xấu, ông Long cho biết, theo Đề án 689 mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2025 xuống dưới 3%. Hiện, các tổ chức tín dụng đã phê duyệt, triển khai. Cơ quan thanh tra kiểm tra tiến trình này để đảm bảo việc xử lý nợ xấu đúng mục tiêu đề ra.
"Cơ quan thanh tra tham mưu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các biện pháp thực hiện đúng quy định trong hoạt động cấp tín dụng, đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng. Theo dõi chặt việc sử dụng vốn vay theo cam kết, theo dõi xử lý nợ xấu phát sinh. Yêu cầu tổng giám đốc, chủ tịch thành lập ban chỉ đạo ban xử lý nợ xấu, quy trách nhiệm cá nhân", ông Long cho hay.
Đã kiểm soát được giá vàng
Liên quan đến các biện pháp điều hành giá vàng miếng SJC thời gian qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, khi chênh lệch giá vàng miếng SJC cao so với thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng. Tuy nhiên, biện pháp đấu thầu vàng không hiệu quả nên dùng biện pháp bán trực tiếp vàng cho người dân thông qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn.
Đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể. Giá bán vàng miếng SJC trong nước đã giảm mạnh, chênh lệch trên 5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
"Chúng tôi sửa Nghị định 24 làm sao hợp lý, ngăn chặn tiêu cực thị trường vàng. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra, kiểm tra xử lý đầu cơ, tích trữ vàng. Làm sao tạo thuận lợi cho người dân trong việc tích trữ mua bán vàng", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước - cho biết thêm, với hiện tượng người dân không mua được vàng khi đăng ký trực tuyến hay có người xếp hàng hộ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cùng 4 ngân hàng điều chỉnh cho phù hợp. Các đơn vị đã phản ánh đến công an để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Cơ quan chức năng cũng đang xử lý.