Hàng Tết “3 không”
Ngày 8/1, tại nhiều khu chợ truyền thống ở TPHCM như chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối (quận 3)… tấp nập các loại hàng Tết từ bánh mứt, hành kiệu ngâm, tôm khô, cá khô… Tại chợ Bàn Cờ, các loại lạp xưởng, khô trâu, tôm khô… bày đỏ rực trên nhiều sạp hàng. Bà T., chủ một quầy hàng khô chào mời: “Khô trâu của đồng bào Tây Bắc gửi bán dịp Tết, chúng tôi còn có các loại lạp xưởng chua ở Long An, tôm khô Cà Mau… giá từ 350.000-900.000 đồng/kg. Sản phẩm do các xưởng thủ công sản xuất nhiều năm liền nên đảm bảo chất lượng”.
Quan sát các mặt hàng đều “trần mình” trên quầy sạp giữa trời nắng gió. Chúng tôi hỏi bao bì, nhãn mác thì người bán cho hay, khi khách mua sẽ được đóng túi nilon, hút chân không theo yêu cầu. Sản phẩm khô nên để bao lâu cũng không sợ hư hỏng nên không cần hạn sử dụng (?!).
Còn trong khu chợ Khu phố 2 (quận Bình Tân), bà Bình giới thiệu đủ các mặt hàng hành kiệu ngâm chua, dưa món, bánh chưng… ăn Tết với giá trung bình 100.000 đồng/món. “Bình thường tôi bán rau củ nhưng tới Tết làm thêm mấy món này kiếm thêm. Mình làm ở nhà ăn và bán luôn nên cam kết an toàn thực phẩm, cô cứ yên tâm” - bà Bình trấn an khách.
Trên mạng, chợ Tết online cũng sôi động không kém với đủ các mặt hàng nội, ngoại nhập với giá không hề rẻ. Chẳng hạn thịt heo gác bếp giá từ 400.000-600.000 đồng/kg, thịt bò gác bếp 850.000-1 triệu đồng/kg loại nguyên miếng, mứt dừa non chanh dây 250.000-350.000 đồng/kg... Đặc biệt, nhiều mặt hàng còn được người nổi tiếng quảng bá nên người tiêu dùng càng thêm tin tưởng. Chị Trà My (ngụ quận Tân Bình) vẫn chưa hết ấm ức khi hàng trên mạng. “Cuối năm bận rộn nên mình vào facebook của một người khá nổi tiếng trên mạng kinh doanh để sắm Tết. Tuy nhiên sản phẩm nhận khiến mình phát hoảng, đồ khô thì bị mốc, có mùi hôi, trong đó còn có lẫn tóc; các loại hành dưa ngâm sẵn như có vẻ đã làm rất lâu, gần như không còn ăn được. Liên lạc với người bán, họ cho rằng cũng lấy hàng từ người khác nên không biết chất lượng ra sao…” - chị My nói.
Người tiêu dùng thiệt thòi
Luật sư Trần Minh Tâm (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, thực phẩm đã qua chế biến khi lưu thông ra thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về công bố thành phần nguyên liệu, vật liệu bao gói, chất hỗ trợ chế biến… theo quy định chứ không thể tự làm rồi đem bán đại trà. “Tuy nhiên qua thực tế, các sản phẩm nhà làm hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Người bán chỉ cam kết chất lượng bằng miệng, khách mua hàng bằng niềm tin nên nếu có sự cố, thiệt thòi sẽ là người tiêu dùng” - ông Tâm nhìn nhận.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, đơn vị đang quản lý hàng online như những mặt hàng bình thường, có nghĩa là có bộ phận theo dõi, kiểm soát và kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn chưa có pháp lý cụ thể, đặc thù về vấn đề này. Địa chỉ sản xuất thực phẩm nhà làm được quảng bá online thường là địa chỉ ảo, khó truy tìm. Vì vậy, số lượng mặt hàng, cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội được kiểm tra ít hơn so với ở bên ngoài. Từ đó, nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể lớn hơn.