Nô nức xem rước 'Vua sống', 'Chúa' trảm Bạch kê tinh

TPO - Cứ vào 11/1 Âm lịch hàng năm, lễ hội rước 'Vua sống' ở làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội lại diễn ra và thu hút hàng nghìn người dân, du khách.
Ngày 11 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội lại sống trong không khí tưng bừng của lễ hội rước vua sống.
Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng thần ma gà tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt Bạch kê tinh núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa. Hàng năm, vào mùa Xuân, Vua, Chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết, nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả.
Hàng năm, người dân làng Thụy Lôi lại chọn ra những người cao tuổi xứng đáng để vào vai Vua, Chúa và 4 vị quan tứ trụ triều đình. Năm nay, ông Ngô Đắc Trọng (70 tuổi) vinh dự được chọn vào vai Vua. Ngay từ sáng sớm, ông Trọng mặc long bào tới sân Đình làm lễ.

Còn người vinh dự được đóng vai Chúa là ông Lê Đình Thúy (71 tuổi).

Sau khi khai hội, kiệu Chúa được trai tráng trong làng đưa đến Đền Sái làm lễ.

Còn Vua đến làm lễ tế tại đền Thượng trong hơn 1 tiếng đồng hồ.

Sau khi làm lễ tại Đền Sái, Chúa đi bộ về đền Thượng đón Vua.

Trong tiếng hò reo của trai tráng trong làng.

Khi Chúa đến Đền Thượng, làm lễ ướm gươm, chém 3 nhát vào tảng đá sau Đền Thượng làm cho bát phẩm đỏ đổ ra, tục truyền đây là động tác chém đầu gà trắng tức Bạch kê tinh.

Sau khi chém ma gà trắng, Vua, Chúa về Đền Sái.

Vua, Chúa cùng các quan làm lễ tại Đền Sái.

Trong lễ hội “rước vua” tất cả các động tác tình tiết đều nhằm diễn lại tích xưa ấy, là việc vua cùng đoàn tùy tùng về bái yết đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, vì vậy các ngôi thứ, võng lọng đều phô trương theo lối của triều đình nhà Thục.

Sau khi làm lễ tại Đền Sái, Vua, Chúa cùng các quan trở về Đình làng. Trên đường đi, kiệu Chúa được các thanh niên trai tráng quay kiệu hừng hực khí thế và vui nhộn trong tiếng nhạc và tiếng chiêng trống trang nghiêm.

Sau lễ rước, Vua trở về nhà bái kiến tổ tiên, gia tộc. Bà con làng xóm vui mừng tới chúc mừng.

Hàng năm, lễ hội rước 'Vua sống' thu hút hàng nghìn người tham dự.