Trồng lúa theo hướng hữu cơ
Hiện hơn 80% dân số của xã Đạ Quyn là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Chu Ru và K’Ho với điều kiện sống còn nhiều hạn chế. Năng suất các loại cây trồng chính là cà phê và lúa nước đều thấp. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu ở Đạ Quyn rất phù hợp cho việc thâm canh lúa nước.
Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện vận động người dân thôn Ma Bó (xã Đạ Quyn) và xã lân cận là Tà Năng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng lúa, đặc biệt là lúa hữu cơ.
Chi hội nghề nghiệp lúa hữu cơ Tà Năng - Ma Bó đã hỗ trợ cộng đồng người Chu Ru có nhiều mùa vụ đạt sản lượng cao, thu nhập tăng gấp đôi so với sản xuất theo lối truyền thống.
Cụ thể, với 1ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, vốn đầu tư trên dưới 18 triệu đồng, đến khi thu hoạch, trừ tất cả các khoản chi phí, lợi nhuận đạt hơn gấp đôi số tiền đầu tư.
Trước kia do chỉ trông vào nước trời, mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa; còn nay, nhờ đầu tư hệ thống tưới tiêu nên sản xuất được 2 vụ. Từ vùng sản xuất tự cung, tự cấp, nơi đây đã phát triển thành vùng nguyên liệu hàng hóa, bán sản phẩm gạo hữu cơ ra thị trường.
Mặt khác, từ sự vận động và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều nông hộ mạnh dạn chuyển diện tích cà phê già cỗi sang trồng các loại rau màu như cà chua, ớt ngọt, đậu cô ve…, một số gia đình còn đầu tư nhà kính để trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Việc đầu tư chăn nuôi bò thịt, tái canh cà phê, trồng lúa hữu cơ và chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả ở các thôn Chơ Rung, Ma Bó, Toa Cát… góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nhờ nghe theo lời khuyên của cán bộ xã và tham gia nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật nên mình đã chuyển đổi 1ha cà phê già cỗi sang trồng rau màu và nuôi thêm mấy con bò. Nhờ vậy mà thu nhập của gia đình mình cao hơn trước nhiều và đã thoát khỏi diện hộ nghèo”, bà Ma Hai (một hộ dân địa phương) phấn khởi.
Chung tay hỗ trợ Đạ Quyn
Theo UBND huyện Đức Trọng, từ nguồn kinh phí gần chục tỷ đồng, địa phương đã triển khai nhiều dự án, công trình tại xã Đa Quyn như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và chuyển đổi ngành nghề… với hàng trăm hộ thụ hưởng. Mặt khác, huyện xây dựng hơn 20 công trình đường giao thông nông thôn với số vốn hàng chục tỷ đồng để thông thương hàng hóa.
Các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ để gần 1.000 hộ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. 100% hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế; hàng chục hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà; hàng trăm hộ được giao khoán bảo vệ rừng để có thêm thu nhập.
Hàng năm, huyện còn thực hiện chính sách miễn, giảm học phí hoặc trợ cấp, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, gia đình có bố mẹ bị khuyết tật, mất sức lao động...
Những năm gần đây, UBND xã Đa Quyn đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn huyện mở lớp đào tạo nghề cho hàng trăm lao động nông thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn xã.
Chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài xã tiếp nhận hơn 200 lao động địa phương.
Mặt khác, rất nhiều cơ quan, đơn vị chọn Đạ Quyn là điểm đến trong các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo...
Mới đây nhất, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng và Sacombank đã tổ chức đợt thiện nguyện tại xã Đạ Quyn với kinh phí hơn nửa tỷ đồng. Ban Tổ chức đã khánh thành công trình thắp sáng đường quê thôn Chơ Ré; trao 200 phần quà cho các gia đình khó khăn; tổ chức chương trình “Vui hội trăng rằm” và tặng quà cho 200 em thiếu nhi.
Anh Ndu Ha Biên – Phó Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ, tổ chức Đoàn - Hội các cấp ở địa phương thường xuyên vận động các cơ quan, đơn vị tổ chức các chương trình hoạt động thiết thực, góp phần giảm nghèo ở những thôn đặc biệt khó khăn của xã Đạ Quyn.
Theo Phòng Lao động-Thương binh xã hội huyện Đức Trọng, nhờ các giải pháp đồng bộ nói trên, đời sống của người dân xã Đạ Quyn được nâng lên rõ rệt. Nếu như vào năm 2015, đây là xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 32% thì nay Đạ Quyn chỉ còn 3 thôn đặc biệt khó khăn là Ma Bó, Toa Cát và Chơ Rung.