Những tình nguyện viên tóc bạc

TP - Thương Đà Nẵng gồng mình chống chọi bão dịch COVID-19, những bác sĩ, điều dưỡng về hưu tình nguyện ra tuyến đầu. Có người vừa rời bệnh viện ít bữa, có người “chạy sô” tình nguyện suốt ngày đêm…
Điều dưỡng Lê Thị Kim Cúc được phân nhiệm vụ tiêm chủng sau khi đăng ký tình nguyện

Một tuần qua, chị Lê Thị Kim Cúc (59 tuổi ) túc trực tại điểm tiêm chủng ở Cung thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu). Chị Cúc trước là điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, vừa nghỉ việc vào tháng 6 năm nay. Mới rời bệnh viện hơn một tháng, nghe Đà Nẵng kêu gọi nhân lực y tế về hưu tình nguyện tham gia tiêm vắc-xin phòng COVID-19, chị viết đơn ngay. “Mình còn khỏe, tay nghề vẫn mềm mại. Thành phố đang cần, ở nhà thì thật uổng phí”, chị nghĩ giản đơn.

Sáng sớm, chị có mặt tại điểm tiêm, với công việc chính là tiêm vắc-xin cho người dân. Lượng người đông, liên tục, tới trưa mới được nghỉ ăn cơm rồi chiều tiếp tục cho đến gần tối mới về nhà. Với chị, làm điều dưỡng mấy chục năm, chừng ấy công việc cũng hết sức bình thường. Chỉ có cái khác là mang đồ bảo hộ suốt ngày, cộng thêm thời tiết nóng nực nên người hôm nào cũng ướt sũng. Nhưng chị bảo, đồng nghiệp chịu được thì mình chịu được.

Bác sĩ Nguyễn Quý Hiền (61 tuổi, trước làm việc tại Bệnh viện Da liễu) cũng xung phong tình nguyện khi nghe thành phố kêu gọi. Bác sĩ Hiền bảo, mình có chuyên môn, có sức khỏe thì tham gia thôi. Bác sĩ Hiền được bố trí vào đội tiêm chủng quận Hải Châu, với công việc chính là khám sàng lọc trước tiêm. Những ngày này, Đà Nẵng đang tiến hành tiêm với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cho hơn 92.000 người.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiếp nhận lượng người tới điểm tiêm mỗi ngày rất đông, khâu khám sàng lọc như guồng máy làm việc không ngưng nghỉ. Bác sĩ Hiền là người lớn tuổi nhất ở điểm tiêm, song nhiệt tình, kiên trì không kém đồng nghiệp trẻ. Chắc có lẽ vì vậy nên khi khoác đồ bảo hộ vào, ai cũng lầm tưởng bác sĩ… mới ra trường. “Nhiều người mới tầm 50 tuổi xưng cô, xưng chú với mình. Vui lắm! Đây cũng là những người mà mình phải giải thích, động viện nhiều nhất trước khi tiêm vì họ rất sợ hãi”, ông kể.

Hơn một tháng sau lời kêu gọi của thành phố, đã có hàng chục bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ… viết đơn tình nguyện tham gia. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) tập huấn cho gần 30 người về khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi xử lý sau tiêm và tiêm chủng an toàn cho những cán bộ có chứng chỉ hành nghề. Hiện đã có rất nhiều tình nguyện viên “tóc bạc” được huy động đến các điểm tiêm.

Trong số những cán bộ hưu trí tham gia tình nguyện lần này, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng, có lẽ là người “máu lửa” nhất. Trong lá đơn đăng ký tình nguyện, chị đề xuất được tham gia hỗ trợ Bệnh viện dã chiến phía Tây, và thường trực cấp cứu tại các điểm tiêm chủng. Ít ai biết rằng, không đợi đến khi thành phố kêu gọi, trước đó nữ bác sĩ này cũng từng đăng ký đi chi viện cho TPHCM.

“Nhóm bạn già” đăng ký đi tình nguyện chúng tôi có một nhóm chat trên mạng. Hôm nào cũng cập nhật xem ai được điều động đi hỗ trợ. Những người chưa được gọi ngày nào cũng “than thở” sao chưa tới lượt mình. Thấy các anh chị mong ngóng vừa thương, vừa mừng. Bởi ai cũng đầy nhiệt huyết chung sức cùng thành phố”. Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng

Ở điểm tiêm chủng Cung thể thao Tiên Sơn, bác sĩ Hồng vừa hỗ trợ khám sàng lọc, vừa theo dõi xử lý sau tiêm. Làm việc và khoác trên mình tấm áo ngành y là niềm vui và động lực của chị. Thế nên Đà Nẵng có cố gắng nâng số người tiêm lên bao nhiêu mỗi ngày, thì với chị đó cũng là “cơ hội” để được gắn bó thêm với nghề, chia lửa với đồng nghiệp.

Chị trải lòng rằng khi thành phố đang quay cuồng vì dịch, bản thân chị chẳng muốn ngừng nghỉ. Ban ngày hỗ trợ ở điểm tiêm về, tối đến chị lại tham gia vào đội "Cấp cứu 0 đồng" cùng 20 y, bác sĩ khác. Đội cấp cứu này hỗ trợ miễn phí cho người dân trên toàn địa bàn thành phố. Với kinh nghiệm cấp cứu lâu năm, đặc biệt từng điều hành đội xe cấp cứu vận chuyển hàng trăm bệnh nhân khỏi tâm dịch Bệnh viện Đà Nẵng vào tháng 7, tháng 8 năm ngoái, cũng như vận chuyển những bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Hồng vừa trực tiếp theo xe cấp cứu, vừa hướng dẫn cho những người trong đội.