Bác sỹ chuyên sâu về loại ung thư nào?
Bác sĩ Ang Peng Tiam: Tôi là bác sỹ ung thư nội khoa. Tôi theo chuyên ngành này khi có học bổng của chính phủ Singapore. Sau khi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, tôi trở về Singapore vào năm 1990. Lúc đó, tại bệnh viện Đa khoa Singapore, một bệnh viện có tới cả ngàn giường bệnh, nhưng chỉ có duy nhất mình tôi là bác sỹ chuyên ngành ung thư.
Từ điểm khởi đầu đó, chúng tôi dồn các nguồn lực để thành lập Khoa Ung bướu vào năm 1990. Lúc đó, cả Singapore chỉ có 5 bác sỹ chuyên ngành này. Tôi nhớ rằng, chỉ có 3 người ở viện tư, 1 người ở Đại học Y và tôi.
Giờ đây, chỉ riêng trong trung tâm Ung thư Parkway, chúng tôi có tổng cộng 12 người, và hầu hết chúng tôi đều là bác sỹ ung thư nội khoa, chuyên sâu vào từng chuyên ngành nhỏ của mình. Tuy nhiên, do đặc thù tôi là người tiên phong trong chuyên ngành này ở Singapore nên tôi đương đầu với tất các loại ung thư. Nhưng vẫn phải nói rằng, tôi quan tâm đặc biệt tới ung thư hạch – Lymphoma (một loại ung thư của hệ miễn dịch).
Theo ông, loại ung thư nào là phổ biến nhất?
Có ba loại ung thư chính: Phổi, Đại trực tràng và vú. Ba loại này chiếm 50% tổng số ca ung thư.
Những tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư là gì?
Nghiên cứu là một quá trình không bao giờ kết thúc. Chúng tôi luôn cố gắng để hiểu các gen phân tử ung thư. Và đã từ lâu, thuật ngữ này đã được nhắc đến nhưng chúng ta bây giờ mới bắt đầu hiểu rằng ta có thể tìm thấy những đích quan trọng trong các gen ung thư. Và sau khi tìm ra đích, các nhà nghiên cứu đã phát triển các loại hóa chất đích để có thể có thể khóa các gen mang bệnh lại.
Chẳng hạn như, đối với ung thư vú, ta có loại protein đích có tên gọi HER2 – một loại gen thụ thể nội tiết, và khi chúng ta truyền thuộc HERCEPTIN, nó có khả năng khóa thụ thể này lại và nhờ đó chữa khỏi bệnh. Đối với ung thư phổi, bạn có loại gen đích có tên EGFR, và giờ có rất nhiều loại thuốc mà chỉ cần uống một viên là đã có thể khóa gen đó và kiểm soát bệnh.
Tất cả những loại thuốc này đều mới. Đó chính là những tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư.
Có phải dùng điện thoại di động quá nhiều sẽ gây ra ung thư não không, thưa bác sỹ?
Điều này không đúng. Có rất nhiều điều nhầm lẫn về ung thư. Có một vài loại ung thư rất dễ hiểu, nhưng không may ra có rất nhiều điều về ung thư mà ta chưa hiểu hết được. Ta biết rằng, nếu nam giới hút thuốc, nguy cơ bị ung thư cao hơn hẳn nam giới không hút thuốc. Ta cũng biết rằng, tới 90% các ca ung thư gan là do bệnh nhân bị viêm gan B và C. Vậy đây là những điều ta đã biết. Tuy nhiên, với điện thoại di động, ta thực sự không biết. Thế nên, có rất nhiều giả thuyết – là do đường dây điện, do sóng điện từ, hay do chính cái điện thoại. Bạn có thể tự tạo ra giả thuyết riêng cho mình. Tuy nhiên, cuối cùng thì, bằng chứng (mối liên hệ giữa điện thoại và ung thư) không hề thuyết phục.
Theo ông, loại ung thư nào khó chữa nhất?
Tôi không nghĩ có khái niệm nào về loại ung thư khó chữa nhất. Thay vào đó, đối với tôi, là loại ung thư mà tại thời điểm người bệnh phát hiện ra, thì đó đã là giai đoạn cuối. Nếu bệnh nhân tới gặp tôi ở giai đoạn đầu, chúng tôi có thể đối diện với bệnh nhân đầy tự tin mà khẳng định rằng mọi thứ sẽ đều ổn cả. Nhưng thực tế lại là, cứ 10 bệnh nhân tới gặp tôi, thì tới 7 người ở giai đoạn muộn. Và đó là chúng ta đang nói tới một đất nước phát triển như Singapore với nền giáo dục và y tế tiến bộ.
Vậy ta có thể làm gì để phát hiện sớm ung thư?
Có 3 việc quan trọng để kiểm soát ung thư:
1. Phòng tránh: cố gắng để không mắc ung thư. Bằng cách nào? Hãy cố gắng thay đổi lối sống lành mạnh hơn – không hút thuốc, đừng để béo phì, tập thể dục thường xuyên, tiêm chủng.
2. Phát hiện sớm: Hiểu cơ thể mình. Hãy cảnh giác với các triệu chứng như u cục ở vú, thay đổi nốt ruồi, v.v… Đừng ngại tới gặp bác sỹ và đừng chuyển từ bác sỹ này qua bác sỹ khác liên tục. Bị đau dạ dày? Hãy tới gặp bác sỹ. Nếu không khá hơn, hãy tới gặp đúng bác sỹ đó. Nếu vẫn không khá hơn, hãy vẫn tới gặp bác sỹ đó. Tại sao ư? Bởi như thế, việc nghi ngờ có gì không ổn sẽ tăng lên nhiều hơn.
Nếu bạn không khỏi chỗ này lại nhảy sang chỗ khác khám, sẽ không ai có đủ thời gian để hiểu vấn đề bạn gặp phải vì các bác sỹ đều rất bận.
3. Tầm soát: chẳng hạn như tầm soát bằng chụp vú sẽ giúp phát hiện ung thư vú sớm, nội soi đại trực tràng sẽ giúp cắt bỏ polyp và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Đây là những thứ mà ta có thể làm được.
Bác sỹ Ang Peng Tiam, giám đốc y khoa Trung tâm Ung thư Parkway - Singapore, chuyên gia tư vấn và điều trị ung thư cấp cao, sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo điện tử Tiền Phong từ 14h-16h00 ngày 27 tháng 3 năm 2015.
Để tham gia trò chuyện cùng chuyên gia, kính mời độc giả đặt câu hỏi vào e-mail: online@baotienphong.com.vn