Những tài tử Việt ngày ấy - bây giờ

Nghệ sĩ Chánh Tín đang đối diện với nguy cơ phá sản, Thương Tín từng một thời vướng vòng lao lý giờ đã tạm yên bình khi được làm cha ở tuổi gần 60.

NSND Thế Anh sinh năm 1938, tại Hà Nội. Thời niên thiếu, ông được gia đình cho ăn học rất tử tế. Ông từng công tác tại Trường Trung Cao cấp quân sự trong 2 năm trước khi trúng tuyển vào khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1961. 

Tuy nhiên, chỉ đi học được 4 tháng, ông quyết định chuyển sang Trường Nghệ thuật Sân khấu. Ba năm sau, Thế Anh được giao vai trung úy Phương trong Nổi gió. 

Đây là vai diễn đầu tiên đầu tiên trong sự nghiệp nhưng Thế Anh đã rất thành công và nhanh chóng trở thành thần tượng của người yêu điện ảnh Việt thời bấy giờ.

Ưu điểm lớn nhất của NSND Thế Anh là trẻ hơn tuổi. Chính bởi vậy, năm 1977 - khi đã gần 40 tuổi, ông còn được giao vai chàng sinh viên trẻ trong bộ phim Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh. 

Với vai diễn này, ông đã nhận giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980. 

Năm 2001, ông được nhà nước phong danh hiệu NSND. Hiện tại, ông sống ở TP.HCM cùng gia đình và thỉnh thoảng vẫn góp mặt trong một số bộ phim truyền hình hoặc các lễ trao giải điện ảnh lớn...

Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1952, tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thống võ học. Cuộc đời của ông đã trải qua khá nhiều thăng trầm. 

Ông từng theo học trường luật, từng là ca sĩ được nhiều người biết tới với giọng hát ngọt ngào, nhưng cũng có lúc Chánh Tín "xộ khám" vì tìm đường vượt biên. 

Vai điệp viên Nguyễn Thành Luân đến với ông chính vào thời điểm đó. Khi thực hiện bộ phim Ván bài lật ngửa, biên kịch Trần Bạch Đằng nhắm tới một diễn viên khác. Nhưng quay xong tập 1, ông lại cảm thấy không ưng ý và quyết định chọn lại diễn viên cho vai này. 

Chánh Tín được một vị quan chức ngành văn hóa tin tưởng và bảo lãnh ra tù để thử vai. Trong lần thử vai, biên kịch Bạch Đằng thích cách diễn tự nhiên, chân thật và có nét gì đó khác người của Chánh Tín nên vai Nguyễn Thành Luân đã thuộc về ông.

Rất nhiều năm đã trôi qua, nhắc tới Nguyễn Chánh Tín, nhiều người chỉ nhớ tới nhân vật Nguyễn Thành Luân và Ván bài lật ngửa. Những năm 1980, Chánh Tín là thần tượng trong lòng biết bao người Việt. Thậm chí câu nói "Đẹp trai như Chánh Tín" đã trở thành câu "cửa miệng" của các chị các em thời đó.

Nhưng sau ánh hào quang, ông vẫn phải bươn chải kiếm tiền để lo toàn cuộc sống thường nhật. Hiện tại, Nguyễn Chánh Tín đang phải đối mặt nỗi lo mất đi ngôi nhà duy nhất vì những thua lỗ của hãng phim Chánh Phương khi làm phim Dòng máu anh hùng. 

Hình ảnh mới nhất của ông (ảnh phải) được chụp vào trưa 14/3 sau một thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện 115 - TP.HCM. Chánh Tín đang cầu cứu các cơ quan chức năng để tránh tình thế hai vợ chồng già phải dắt díu nhau ra đường.

Thương Tín nổi lên cùng thời với Nguyễn Chánh Tín. Những năm 1980-1990, ông là át chủ bài của làng kịch nghệ miền Nam. Ông còn giữ kỷ lục diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa nhất Việt Nam với con số lên tới 200 tác phẩm lớn nhỏ. 

Vai diễn thành công nhất của Thương Tín là Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn. Sau ánh hào quang danh vọng, Thương Tín từng là một tay chơi có tiếng và rất đào hoa. 

Chính ông từng tâm sự: "Ở thời bao cấp, thường đóng một bộ phim, tôi nhận 1 chỉ vàng nhưng lại tiêu hết 2-3 cây vàng. Sở dĩ tôi đóng được nhiều phim mà vẫn tiêu xài như thế được vì sau khi ly dị xong đã có một phụ nữ rất giàu yêu tôi. Mỗi lần trong ví tôi hết tiền, cô ấy lại bỏ vào”. 

Thương Tín từng kết hôn với ca sĩ Mỹ Dung và có một con trai. Có thời gian, cả gia đình ông chuyển sang Mỹ sinh sống nhưng nhớ quê, nhớ nghề, ông lại quay về Việt Nam.

Tuy nhiên, sau scandal đánh bạc năm 2007, cuộc sống của Thương Tín lật sang một trang hoàn toàn mới. Sáu Tâm đẹp trai, hào hoa ngày nào giờ chỉ còn là ông lão già nua, hom hem và lặng lẽ. Niềm vui tuổi già của Thương Tín là bỗng dưng có một đứa con gái nhỏ. 

Ông hạnh phúc chia sẻ về kế hoạch đi đóng phim để nuôi con nhỏ và người vợ trẻ: "Thời hoàng kim, tôi luôn ước ao mình sẽ có một đứa con gái. Nhưng ước hoài mà có được đâu, thậm chí lúc tôi có nhiều tiền nhiều bạc vẫn không thực hiện được ước mơ đó. Đến giờ, điều kiện không còn như xưa, thì lại có. 

Mỗi lần về thăm con, bàn tay bé xíu của con gái sờ mặt, sờ mũi mình, tôi sướng ghê lắm, sướng không giải thích được". Những bộ phim gần đây của Thương Tín có thể kể đến Tình người xứ hoa, Bên kia sông, hay Tối qua mơ gì.
Trần Lực thuộc lớp đàn em của ba tài tử điện ảnh nói trên. Anh sinh ra trong một gia đình có nhiều người thành công ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Ông nội anh là nhà văn Trần Tiêu - em trai của nhà văn Khái Hưng. Còn cha anh chính GS. NSND Trần Bảng. 
Trần Lực từng được ví von như thể công tử hào hoa của điện ảnh Việt. Nhưng chính anh lại đến với điện ảnh một cách tình cờ: “Năm ấy, tôi đi học về sân khấu ở Liên Xô mới về nước. Tôi đến đoàn làm phim cùng bạn bè, nhưng ở đó, người ta thấy tôi trắng trẻo quá, thư sinh quá, cứ mời đi đóng phim. Rồi sau đó, những lời mời cứ đến liên tục…”.
Trong hành trang điện ảnh - truyền hình của Trần Lực, có thể kể đến những bộ phim ấn tượng như Mẹ chồng tôi, Hoa ban đỏ, Người đi tìm dĩ vãng, Anh chỉ có mình em, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, Đời chè...

Trong cuộc sống riêng, Trần Lực cũng trải qua khá nhiều thăng trầm. Anh ba lần kết hôn mới tìm được bến đỗ bình yên của riêng mình. Hiện tại, Trần Lực và người vợ thứ ba cùng nhau quản lý hãng phim riêng.

Theo Theo Zing