Lý thuyết và thực hành là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, với mỗi sinh viên có thể nói thời kỳ đi thực tập sẽ là cú “va đập” đầu tiên với cuộc sống thực tế. Với sự non nớt cả về kinh nghiệm nghề lẫn đời mà không ít những tình huống bi hài xuất hiện trong thời kì thực tập này.
Bỡ ngỡ trước môi trường mới mà nhiều sinh viên gặp phải những tình huống dở khóc dở cười (ảnh minh hoạ)
Bị lạc trên vùng cao
Khu vực miền núi phía Bắc là nơi mà nhiều sinh viên chọn đi thực tập, khảo sát về khí hậu, tài nguyên, dân tộc... Nhưng với địa hình núi khá khó khăn, hiểm trở nơi đây ẩn dật nhiều nguy hiểm với những sinh viên thành thị quen với đường nhựa bằng phẳng.
Tuy không gặp phải tai nạn nguy hiểm đến tính mạng nhưng Hồng Nhung (sinh viên ĐH Lâm nghiệp) cũng gặp tình huống hú vía trong lần đi thực tập ở Lào Cai khi lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” qua một đêm vì lạc đường.
Đi cùng đoàn vào rừng để nghiên cứu, nhưng sau một hồi mải miết tìm kiếm mẫu cây Nhung đã để lạc mất đoàn. Do không rành đường rừng, điện thoại thì để quên ở nhà trọ trong bản, Nhung càng đi càng lạc sâu hơn, còn bị trượt chân xuống suối khiến chân sưng vù không đi được. Bất lực, kiệt sức cũng là lúc trời nhá nhem tối Nhung đành phải nghỉ lại bên suối. Suốt đêm vừa đói vừa lạnh lại sợ hãi, Nhung hầu như thức trắng. May mắn sáng hôm sau Nhung được dân trong bản và đoàn sinh viên tìm thấy. Tai nạn đó trở thành một kỉ niệm nhớ đời của cô sinh viên Lâm nghiệp.
Không có được may mắn như Nhung, mới đây, nữ sinh Hứa Thị Thu, sinh năm 1993, quê Lạng Sơn, trường ĐH Thái Nguyên đã tử vong khi đang đi thực tập tìm hiểu người dân tộc Hà Nhì ở khu vực xã Ý Tý và vài ngày sau, các lực lượng chức năng của xã Ý Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) và đồn biên phòng Ý Tý mới tìm thấy thi thể của nữ sinh xấu số này.
“Bác sĩ tương lai” ngất ngay tại bàn mổ
Dù đã gần tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, nhưng Nguyễn Lương quê Phú Thọ vẫn còn run rẩy khi nhớ đến lần đầu cầm dao kéo trên bàn mổ. Mặc dù theo ngành Y, nhưng Lương lại là người khá nhút nhát, mỗi lần vào viện giải phẫu Lương đều bị choáng váng, sởn gai ốc, có khi còn phải chạy ra ngoài nôn thốc. Nhưng với ước mơ chữa bệnh cứu người, cô vẫn kiên quyết theo nghề.
Trong lần đầu đi thực tập, Lương cùng nhóm được quan sát bác sĩ trong một ca mổ ruột thừa. Mặc dù đã củng cố tinh thần từ trước nhưng đến khi đứng trước bàn mổ Lương vẫn không khỏi tim đập chân run. Đến khi nhìn thấy vết bác sĩ cứa mổ, Lương tái mét mặt mày rồi lăn ra ngất xỉu. Cả ekip mổ được phen hốt hoảng dìu cô sang phòng bên cạnh hồi sức. Sau này mỗi lần vào phòng mổ Lương vẫn còn bị ám ảnh bởi “trải nghiệm khó quên” này.
Phóng viên trẻ bị hành hung, đe dọa
Dấn thân vào nghề báo là chấp nhận rủi ro, vất vả nhưng với những bước đi chập chững đầu tiên của nhưng cô cậu “phóng viên tập việc” thì quả là thử thách lớn. Bị cướp tài sản, đập máy ảnh, dọa đánh... là những tình huống mà nhiều sinh viên báo chí gặp phải.
Minh Trung (sinh viên khoa Báo chí, ĐH Xã hội và Nhân văn) trong một lần đi tác nghiệp viết bài về đường dây bán hàng đa cấp lừa đảo tiền của sinh viên, do không có sự phòng bị cũng như “non tay” trong quá trình tác nghiệp đã bị đối tượng hành hung. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng Trung đã bị những đối tượng đập vỡ máy ảnh để dằn mặt và đe dọa nếu vẫn tiếp túc thì sẽ bị “xử” nặng tay hơn.
Lần đầu tiên ra nghề vấp phải sự cố này, Minh Trung khi ấy đã rất sợ hãi và phải dừng bài viết đang làm về vấn đề này.
“Cô giáo tương lai” bị học sinh trêu ghẹo
Kim Liên (cô sinh viên Sư phạm Lý, quê Nghệ An) mỗi lần nhớ đến sự cố ngay trong ngày đầu tiên đứng trên bục giảng vẫn còn thấy run. Năm 3 đại học, Liên cùng một đoàn sinh viên được cử về Tam Nông, Phú Thọ thực tập. Không may mắn Liên còn được giao làm giáo viên chủ nhiệm của một lớp khóa 11 mà nghe danh là “nghịch nhất trường”.
Ngày đầu tiên ra mắt lớp có cô Phó hiệu trưởng đi cùng nên lớp khá ngoan và nghiêm túc nên Liên cũng mừng thầm. Nhưng đến ngày đầu tiên được đứng lớp môn vật lí, vừa bước vào lớp Liên đã thấy không khí khác lạ trong lớp một vài học sinh còn nháy mắt cười cợt với nhau. Ngay tại giây phút Liên tiến đến bàn giáo viên, vừa ngồi xuống ghế thì bỗng học trò phía dưới òa cười, cô giáo trẻ lúng túng không hiểu chuyện gì xảy ra liền đứng dậy để giữ trật tự lớp thì mới phát hiện ra dưới ghế ngồi cố dính bã kẹo cao su, quần của Liên cũng bị cao su dính.
Vừa tức, vừa xấu hổ, Liên cất giọng để mắng học trò lại bị nhại lại giọng địa phương (Nghệ An) của mình. Bao nhiêu hồi hộp, dồn nén bộc phát Kim Liên đỏ hoe mắt bỏ ra khỏi lớp. Mặc dù sau đấy đã được ban cán sự lớp xin lỗi vì trò đùa của lớp nhưng nỗi sợ hãi đứng trên bục giảng vẫn theo Liên nhiều ngày sau đó.
“Đúng là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, hồi ấy mình vẫn chưa có kinh nghiệm đứng lớp nên khi bị học trò trêu chọc chỉ biết đỏ mặt tía tai mà không biết xử lí ra sao”, Kim Liên chia sẻ.