Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

TPO - Họ là những người nông dân hàng ngày sinh sống dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp vào tuần tra, kiểm tra hàng tuần, hàng tháng để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Góp tiền, góp gạo để bảo vệ rừng

Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải là 1 trong 2 khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái được thành lập năm 2006. Khu Bảo tồn có diện tích trên 20.108 ha nằm trên địa giới hành chính 5 xã Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Lao Chải của huyện Mù Cang Chải.

Theo báo cáo chuyên đề "Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái, đến nay đã thống kê ở Khu Bảo tồn có 764 loài thực vật thuộc 481 chi, 149 họ, 5 ngành thực vật bậc cao có mạch và khu hệ động vật có xương sống có 224 loài thuộc 162 giống, 61 họ, khu bảo tồn này được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất Tây Bắc.

Tại xã Chế Tạo, một địa phương xa nhất của huyện Mù Cang Chải, nằm gọn trong Khu Bảo tồn, chiếm đến trên 85% diện tích toàn xã, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cả xã có 482 hộ dân với 2.614 nhân khẩu. Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó thu nhập chính từ rừng và các cây kinh tế dưới tán rừng.

Tổ tuần tra cộng đồng được hình thành từ chính ý thức và mong muốn giữ rừng của người dân.

Hiểu rõ tầm quan trọng và những giá trị của những cánh rừng mang lại, những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo đã chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và sự hỗ trợ từ Hạt Kiểm lâm huyện để thành lập các tổ đội trực tiếp vào tuần tra, kiểm tra hàng tuần, hàng tháng tại khu vực này.

Những ngày cuối tháng 11, ngay từ sáng sớm, khi bầu trời còn mờ mịt bởi sương, nước còn đọng trên những mái nhà cổ truyền thống của người Mông, những người trong tổ tuần tra, bảo vệ rừng đã gọi điện giục nhau tập trung tại khu lán canh rừng của Trạm kiểm lâm xã Chế Tạo để cùng vào Khu bảo tồn.

Tại đây, đoàn cùng phối hợp với lực lượng kiểm lâm chia làm các tổ, nhóm chia nhiều hướng cùng đi tuần rừng. Theo sự phân công từ trước, người mang theo cơm nắm, người mang cá khô, nước uống…những người còn lại mang theo dụng cụ như bản đồ, máy định vị, thiết bị GPS… Sau đó, bắt đầu chia làm các ngả, trèo đèo, lội suối đến những cánh rừng.

Lực lượng kiểm lâm cùng với các thành viên trong tổ tuần tra thường xuyên phải vượt suối, băng rừng để bảo vệ những cánh rừng xanh.

Vừa bám vào những dây leo vắt qua những phiến đá dựng đứng để vào Khu bảo tồn, anh Sùng A Lềnh (ở bản Chế Tạo, xã Chế Tạo) với gần 10 năm gắn bó với công tác tuần tra, bảo vệ rừng nơi đây cho biết, thời gian anh ở rừng nhiều hơn ở nhà. Có những chuyến đi tuần phải mất 2 đến 3 ngày, hàng tuần, hàng tháng, tháng quý, tổ đều tập trung đi kiểm tra rừng. Đặc biệt vào những ngày nắng nóng, thời tiết hanh khô, các tổ tuần tra tăng cường bám rừng nhằm phòng chống và kịp thời nắm bắt tình hình.

Anh Lềnh tâm sự, mọi người thường xuyên phải đi bộ những quãng đường dài trong rừng sâu, nhất là mùa mưa nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt hoặc bị chia cắt bởi các con suối sâu. Có những chuyến đi bộ từ sáng đến chiều tối mới tới nơi, các điểm này thường không điện, không sóng điện thoại để liên lạc.

Có nhiều chuyến tuần rừng phải ở nhiều ngày trong rừng không chăn màn, chỉ có chút lương thực là lương khô, mì tôm, gạo, cá khô. Chỗ ngủ phải chặt cây rừng làm chiếu, lấy áo mưa che phía trên, nếu gặp trời mưa thì cả đêm không ngủ được.

Tại Khu bảo tồn, hơn 4.000 cây thiết sam và pơ mu cổ thụ, tuổi đời từ 400 - 800 năm được gắn biển Cây di sản Việt Nam.

“Ngày đội nắng, tối phơi sương”, ngủ trong rừng, ăn cơm nắm… là chuyện thường như cơm bữa. Đặc biệt là vào những dịp lễ, tết, lâm tặc lợi dụng thời điểm này để khai thác gỗ, lâm sản nên thời gian các anh “ở với rừng” lại càng dài ngày hơn. Nhiều hôm đi bộ hàng chục cây số đường rừng nên hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt lả nhưng các anh đã động viên nhau cố lên, “Tất cả vì sự nghiệp bảo vệ rừng, vì môi trường mà thôi”- anh Lềnh bộc bạch.

Với giọng buồn buồn, anh Lềnh tâm sự, mọi người trong đội đều bỏ công, bỏ việc nhà để đi tuần, tiền thì không có, 2 năm gần đây bà con cũng trích tiền từ dịch vụ môi trường rừng và nhận khoán bảo vệ rừng từ Hạt kiểm lâm huyện, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo, mua thức ăn. Nhiều lúc không muốn làm nữa, đi địa phương khác làm thuê kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng khi nghĩ lại, nếu mình không cố gắng bảo vệ thì những mảnh rừng của mình sẽ ra sao, ai sẽ bảo vệ, nên anh em bảo nhau cùng cố gắng vì con cái, vì những cánh rừng xanh của cha ông để lại.

Máy GPS được các lực lượng sử dụng trong các buổi tuần tra.

Tuy buồn vì không có các khoản hỗ trợ tuần tra, bảo vệ rừng, nhưng anh Lềnh cùng các anh em thôn, bản đều gắn bó với nghề, mọi người nơi đây đều coi rừng là nhà, là tổ ấm, cùng chung tay bảo vệ. Chả thế mà, cứ đi vài đoạn, nhìn thấy những cây lớn xum xuê mọc trên rừng, anh Lềnh lại cặn kẽ chỉ cho chúng tôi biết tên từng loại, đặc tính sinh trưởng, tuổi đời. Khi lên mỗi độ cao khác nhau, anh lại phân tích chi tiết về từng phân vùng của Khu bảo tồn, những loại động, thực vật đặc trưng của từng khu vực.

Đau đáu câu chuyện bảo vệ rừng

Vượt qua khoảng 300m đường rừng thẳng đứng từ độ cao 1.700m ở điểm xuất phát, lên tới độ cao 2.100m, đội tuần tra phát hiện dấu chân động vật di chuyển trong rừng, ngay lập tức, tổ tuần tra cùng lực lượng kiểm lâm lấy thiết bị ra kiểm tra, xác định loài.

Anh Sùng A Rùa - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm khu vực xã Chế Tạo, Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết, khu vực từ 1.700m - 2.100m thường xuất hiện hươu, hoẵng và một số loài khỉ, vượn…Theo dấu chân trên mặt đất, xác định đây là một con hoẵng để lại.

Khu Bảo tồn hiện còn rất nhiều hệ động, thực vật vô cùng quý hiếm, cần được bảo vệ.

Anh Rùa cho biết thêm, động vật tại Khu bảo tồn có rất nhiều loại quý hiếm, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều năm trở lại đây khu vực này được Cấp ủy, chính quyền và người dân bảo vệ nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các hoạt động xâm lấn, chặt phá rừng nói chung và khai thác các loại gỗ quý cùng động vật nơi đây.

Trong giọng hoài niệm nhớ về quá khứ với 20 năm gắn bó với rừng, anh Rùa nhớ từng gốc cây cổ thụ 3 - 4 người ôm không xuể, những loại chim, loài động vật sinh sống trên từng mảnh đồi rộng lớn này. Cũng vì gắn bó với nơi này như vậy, anh Rùa luôn là người đi đầu trong công tác bảo vệ rừng, trong tâm trí người kiểm lâm già này luôn đau đáu nghĩ cách giữ rừng, bảo vệ rừng.

Nhưng đến chính anh cũng phải chua xót nói, dù đã cố gắng hết sức, nhưng do địa bàn rộng, hầu hết đều giáp ranh với nhiều xã thuộc huyện Mù Cang Chải và huyện Mường La tỉnh Sơn La và huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu, cộng thêm vào đó lực lượng Kiểm lâm tại 2 Trạm rất mỏng nên công tác tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm lâm luật còn gặp nhiều khó khăn, chưa kịp thời.

Công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trang bị thô sơ.

Những khó khăn, vất vả với những người hùng thầm lặng vẫn ngày đêm bảo vệ những “lá phổi xanh” không thể diễn tả hết bằng lời, bên cạnh đó, họ còn thường xuyên đối diện với nguy hiểm cận kề tính mạng khi giáp mặt với những lâm tặc, những đối tượng vào rừng săn bắt động vật hoang dã, quý hiếm.

Anh Sùng A Xình (ở bản Tà Dông, xã Chế Tạo – một thành viên trong tổ tuần tra, bảo vệ rừng) chia sẻ, trong một lần đi tuần, nghe thấy tiếng chặt cây gần đó, anh cùng mấy anh em tổ công tác đã nhanh chóng trèo vượt dốc, băng qua khu vực rừng rậm truy đuổi theo lâm tặc, dù đã nhìn thấy bóng lưng của các đối tượng. Nhưng khi phát hiện lực lượng tuần rừng, các đối tượng bỏ dụng cụ lại đó, bỏ chạy. Bản thân tôi, trong quá trình truy đuổi bị trượt chân, ngã lăn nhiều vòng trên triền núi, bị thương nặng, được các đồng chí đưa đi viện điều trị, anh Xình cho biết thêm.

Những người "canh" rừng, giữ "lá phổi xanh" thường xuyên phải ăn cơm nắm, ngủ trong rừng trong những chuyến tuần tra.

Theo anh Xình, các lực lượng tuần rừng cùng lực lượng kiểm lâm thường xuyên phải mang theo đồ đạc, trang thiết bị nặng. Ngoài ra, địa hình đối núi dốc, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, chưa kể trong quá trình truy bắt, nhiều đối tượng mang theo vũ khí, sẵn sàng chống trả khi gặp lực lượng chức năng, việc bảo đảm an toàn đối với những người trong lực lượng bảo vệ rừng vô cùng quan trọng.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, trong năm 2023, tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có 5 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 2 vụ và xử lý hình sự và 3 vụ xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước.

Công tác bảo vệ rừng ở tỉnh miền núi như Yên Bái hiện nay còn có những khó khăn, bất cập như lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, lực lượng kiểm lâm luôn trong tình trạng quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn, bình quân 1 công chức kiểm lâm phải bảo vệ diện tích 2.000 - 3.000 ha rừng, có nơi 1 người phải quản lý bảo vệ trên 10.000 ha rừng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rừng, tầm quan trọng của bảo vệ rừng đang được các ngành chức năng tiến hành.

Trong khi đó, cơ sở vật chất còn thiếu, nhiều trạm kiểm lâm địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, các hạ tầng về lâm nghiệp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, trang thiết bị phục vụ thiếu thốn, lạc hậu chủ yếu là thiết bị thô sơ.

Để tiếp tục phát huy tốt công tác giữ rừng ở Chế Tạo, anh Sùng A Rùa - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm khu vực xã Chế Tạo cho biết, hàng năm đơn vị luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (BVR, PCCCR) cũng như đôn đốc lực lượng, các tổ đội tuần tra cộng đồng đi tuần tra, kiểm tra rừng theo tháng, quý, năm được đảm bảo.

Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Đồng thời, hàng năm chủ động tổng kết công tác BVR và kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy PCCCR của xã để cùng phối hợp xây dựng quy chế hoạt động chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ tuần tra cộng đồng, thành viên; xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR khi có tình huống xảy ra; thành lập các tổ hậu cần phục vụ khi có cháy rừng xảy ra; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Lâm nghiệp đến nhân dân; tổ chức họp ký cam kết PCCCR đến 100% hộ dân của xã; phối hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về lâm sản, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển lâm sản, phá rừng trái phép...”.

Với sự chủ động trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền của địa phương, sự nỗ lực của các ngành chức năng và nhân dân, đã góp phần quan trọng làm tốt công tác quản lý, BVR, PCCCR ở Chế Tạo, giúp xã duy trì độ che phủ rừng đạt trên 82%. Qua đó, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần quan trọng gìn giữ, bảo tồn các loài sinh cảnh quý hiếm, phong phú trong Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo và tạo môi trường rộng mở cho địa phương phát triển du lịch sinh thái.