Những người “thông minh theo một cách khác”

TP - Tự truyện “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” của một người thiểu năng chứa đựng những bí mật nho nhỏ của cuộc sống, thay đổi quan niệm về thông minh và không thông minh... Và đặc biệt hữu hiệu cho bậc cha mẹ có con “có vấn đề về IQ”; cũng hợp để đọc trong mùa thi cử này.

Sinh ra hoàn toàn bình thường, lên 8 tuổi mắc bệnh viêm não Nhật Bản, cậu bé Lư Tô Vỹ bị bại não. Năm học lớp 6 đã nảy ý định đi tu để thoát cảnh học hành, thi cử. Từng muốn tự tử. Quá trình nhận thức từ những điều nho nhỏ rồi lớn lao trong cuộc sống cộng với nghị lực và tình thương yêu vô bờ của cha mẹ đã khiến Lư về sau trở thành trí thức, diễn giả nổi tiếng, tác giả hơn 50 đầu sách ở Đài Loan, trong đó Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác tái bản tới 60 lần.

Lư Tô Vỹ viết: “Trên con đường vạn dặm, tôi luôn để tâm việc mình không biết ghép từ, không biết tính toán cộng trừ nhân chia, không biết tiếng Anh, nhạc lý, ca hát, không biết đủ thứ. Cho tới tận khi trưởng thành, tôi mới yên tâm rằng “không biết” chẳng phải chuyện gì quá nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là khi ta không hiểu mình “biết” những gì. Bạn biết làm gì? Và bạn có hiểu rõ không?”.

“Đừng vội ngưỡng mộ những ưu thế và những gì người khác có, nên nhìn nhận lại chính mình xem cánh cửa mà ông trời mở ra cho ta đang nằm ở đâu? Trí nhớ, khả năng lý giải sẽ hữu dụng trong việc thi cử nhưng sau khi rời mái trường, thứ dùng để cạnh tranh không còn là điểm số nữa mà là kỹ năng tổng hợp. Quan trọng hơn là tố chất, cá tính, thói quen và thái độ. Đừng quá để tâm điểm số và xếp hạng đã qua, hãy cố tìm hiểu tài năng thiên phú của bạn rốt cuộc là gì! Hãy lấy lại những điểm số và xếp hạng đã mất!”.

Lư Tô Vỹ

Hiểu được chính mình, bạn sẽ hiểu thế giới. Điều này không mới- triết gia Socrates và nhiều người đã nói vậy. Nhưng dạng sách “tự mình khám phá, tự mình chữa lành” này khác với kiểu sách “bán lời khuyên” khác, trước hết bởi tác giả có số phận đặc biệt với xuất phát điểm quá thấp.

Lên 9 mới lò mò học chữ. Khó khăn lắm mới đếm được từ 0 đến 9 và thường xuyên bị bạn bè, thầy giáo trêu chọc vì xơi “trứng ngỗng” (điểm 0) suốt ngày, nhưng Vỹ ta không lấy đó làm phiền. Bị thầy giễu: “Em là một con lợn bị chấn thương sọ não”, cậu bé ngây thơ hỏi lại: “Lợn đen hay lợn trắng hả thầy? Lợn hay mà!”. Cha mẹ cậu rất nghèo, không mảy may phiền muộn mà ra sức động viên: “Nếu em con là con lợn thì nó cũng là con lợn thông minh nhất thế giới!”. Cuốn sách cũng là bài ca về tình cảm gia đình, tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng, bình dị.

Hồi ký, tự truyện ngày càng ăn khách những năm gần đây, nhất là khi người viết chứng tỏ được sự thành thật. Lư Tô Vỹ đưa quan điểm về thật, giả trong tính cách một con người, chi phối cuộc đời của họ ra sao: “Trong quá trình trưởng thành, chúng ta chưa từng hiểu rõ mình và người khác. Nhưng khi tích lũy được kinh nghiệm sống, ta ngày càng biết rốt cuộc ta đang làm gì, cầm trên tay kịch bản nào, diễn vai gì. Nhìn thấy bản thân đang biểu diễn, ta mới có cơ hội đối chiếu và nhận ra điều chân thực trong chính mình. Nhìn thấy điều chân thực, ta sẽ chán ghét những màn biểu diễn dối trá”.

Ngoài nhồi cho con thật nhiều kiến thức để sau này “ấm vào thân”, các bậc cha mẹ còn có khuynh hướng chọn bạn hộ con với định kiến, mà có lẽ không hiểu một đứa trẻ sẽ cảm thấy thế nào là hạnh phúc. Những người bạn “huynh đệ trời sinh” của Lư Tô Vỹ học lực rất bình thường, nhiều nhược điểm, áo quần cáu bẩn... nhưng không thể thiếu trong hành trang đầu đời của cậu.

Không chỉ con trẻ mới không biết mình muốn gì: “Chào đời, chúng ta mang kỳ vọng của mọi người-xuất sắc hơn người, đem lại vinh quang cho dòng tộc... Đều là những kỳ vọng rất tốt nhưng “khác biệt”, “hô một tiếng kinh động cả thế giới” có thực là điều bạn muốn? Nếu không thì điều bạn muốn là gì?”. Và “Rất nhiều người hao phí cùng kiệt nguồn năng lượng sống, để rồi ngay sự tồn tại của kho báu trong bản thân, họ cũng không chịu tin tưởng”.

Ông nhận định: “Đối với những vấn đề giá trị xã hội, những gì giáo dục làm được là vô cùng hữu hạn”. Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát khoa Phòng chống tội phạm, Lư Tô Vỹ từng làm trong trại giáo dưỡng tội phạm trẻ tuổi, dạy dỗ họ bằng cả biện pháp nặng và nhẹ, nhưng rồi có những đứa trẻ vẫn ngựa quen đường cũ khiến ông hiểu nỗ lực của mình cũng chỉ để đi cùng chúng một chặng đường mà thôi. Ông quan sát thấy nhiều nhân vật của công chúng nói lời tục tĩu, xô xát, đánh người..., huống hồ những đứa trẻ lầm lạc kia.

Tóm lại, trời sinh không có chỉ số IQ cao hoặc không may bị tai nạn, lâm bệnh... chưa hẳn đã bất hạnh. Bất hạnh là khi ta để mình rơi vào cảnh vô phương hướng và ngừng cố gắng. “Hãy đào sâu tự hỏi, liên tục thăm dò. Hãy biết phương hướng và mục tiêu mình muốn, sau đó hẵng tìm kiếm năng lực của bản thân, tất cả rồi sẽ dễ dàng”.

Một lời khuyên về tình yêu của tác giả: “Hãy để bản thân sở hữu một trái tim mềm mại tinh tế, hãy mở một cánh cửa để tình yêu và sự quan tâm có thể tiến vào”.