> Lính SAM-3 thời B52, Góc khuất cuộc chiến
> Qua sông Lam, vượt Cổng Trời
> Xăng và máu
Loạt bài ghi chép này kể về những trận chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, những hy sinh to lớn và cả cuộc sống của họ trong và sau chiến tranh.
Kỳ 1: Người đầu tiên hạ B52
Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, báo chí trong và ngoài nước đều ghi nhận trong số 68 chiếc B52 bị bắn tan xác trên bầu trời miền Bắc, có 2 chiếc bị Không quân bắn rơi bởi chiến công lẫy lừng của hai phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều trong 2 đêm 27 và 28 -12 -1972…
Phải mấy chục năm sau, từ nhiều nguồn thông tin, người ta mới biết có đến 3 chiếc B52 bị Không quân Việt Nam hạ gục, và phi công đầu tiên trên thế giới cho B52 đo ván – thượng tá Vũ Đình Rạng, đang sống bình lặng trong căn nhà số 212 ở “Phố phi công” tức phố Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội (phố này có rất nhiều tướng lĩnh, sĩ quan không quân sinh sống).
Tạo bẫy
Vũ Đình Rạng xuất thân từ một miền quê nghèo thuộc huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Hôm chúng tôi tới thăm nhà, ông niềm nở đón tiếp khách: “Tôi nhập ngũ năm 1963, lúc đầu được chọn vào lính nhảy dù thuộc Lữ đoàn lính dù 305.
Sau khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, tôi được tuyển làm phi công lái máy bay tiêm kích, cùng sang Liên Xô học lái Mig-21 với Nguyễn Tiến Sâm, Ngô Văn Phú, Phạm Phú Thái, Nguyễn Đức Soát, Vũ Xuân Thiều, Trần Việt, Nguyễn Công Huy… Về nước, lớp phi công trẻ chúng tôi đã được biên chế về Sư đoàn Không quân Thăng Long nổi tiếng (Sư 371).
Cuối những năm 1960 đầu 70, địch điên cuồng bắn phá miền Bắc; đồng thời huy động một lực lượng khổng lồ các loại máy bay đặc biệt là B52 hòng chặn đứng đường tiếp viện cho miền Nam tại tuyến hành lang chiến lược Trường Sơn, cấp trên đã chủ trương tổ chức cho các phi công, sĩ quan dẫn đường và kíp chiến đấu, nghiên cứu, tập huấn cách đánh B52.
Từ cuối năm 1969, một tổ phi công chiến đấu do phi công Nguyễn Nhật Chiêu (sau được tuyên dương Anh hùng LLVTND – PV) – người đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, dẫn đầu vào khu vực đèo Mụ Giạ - nơi bị B52 ném bom ác liệt nhất – để nghiên cứu quy luật, hoạt động, cách thức bảo vệ trong đội hình B52 rồi tìm ra cách đánh.
Sau một thời gian, Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định thành lập hai Sở chỉ huy Không quân ở tiền phương là B3 và B8. B3 đóng ở Yên Thành – Nghệ An do đích thân Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện chỉ huy.
Kíp sĩ quan dẫn đường có Lê Thành Chơn và Hoàng Kế Thiện. B8 đặt tại xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, do phó Tư lệnh Không quân, Thượng tá Trần Mạnh và Trung tá Trần Hanh chỉ huy, các sĩ quan dẫn đường là Nguyễn Văn Chuyên, Tạ Quốc Hưng, Trần Hồng Hà, đại đội radar dẫn đường do sĩ quan Lê Thiết Hùng điều khiển…
Thông thường, mỗi máy bay B52 được hộ tống bởi nhiều loại máy bay như F4, F105, nên việc tiếp cận B52 là cực khó. Ở thời điểm và hoàn cảnh lúc đó,
Mig-21 của ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất kích từ những sân bay dã chiến tại khu 4 với đường bay ngắn hẹp,lại bị máy bay địch bắn phá liên tục.
Thêm vào đó, địa hình Khu 4 nhỏ, hẹp, phía Tây là dãy Trường Sơn, phía Đông là hạm đội 7 với 12 radar túc trực ngày đêm theo dõi, nếu Mig-21 của ta bay cao thì rất dễ bị radar địch phát hiện, bay thấp thì dễ đâm vào núi.
Phi công của ta hầu hết còn trẻ, mới ra trường, giờ bay cũng chỉ trên dưới 200 giờ, lại phải bay đêm. Đã vậy, khi tập bắn mục tiêu, ta cũng chỉ có mô hình loại IL – 18 sải cánh 14m. Trong khi đó, sải cánh của B52 rộng tới 56 m nên cảm giác mắt nhìn thiếu chính xác…
Vị thượng tá nhấn mạnh: “Để có được trận đánh B52 lịch sử ngày 20-11-1971, công đầu tiên phải thuộc về Sở chỉ huy B8 và B3 cùng kíp sĩ quan dẫn đường và sĩ quan điều khiển radar.
Trước hàng loạt khó khăn đã nêu trên, Tư lệnh Đào Đình Luyện (chỉ huy B3) và phó Tư lệnh Trần Mạnh (chỉ huy B8) đã nhiều đêm vắt óc suy tính và cuối cùng tìm ra phương kế: tạo ra một cái “bẫy” để nhử B52. Dạo đó, cánh phi công trẻ chúng tôi cũng không hiểu vì sao, trong suốt một thời gian dài, khi phát hiện ra B52 mà B3 và B8 đều chỉ cho duy nhất 1 chiếc Mig-21 cất cánh. Sau khi phát hiện ra Mig-21, lũ B52 liền tìm cách “lỉnh”.
Phi công ta lại cho Mig-21 hạ cánh. Không thấy Mig-21 trên bầu trời khu 4, địch lại cho B52 trở lại oanh kích. Các máy bay của ta vẫn án binh bất động. Địch đã nắm vững được “quy luật” hoạt động của Mig-21 là mỗi tối chỉ xuất kích một lần duy nhất. Sau mấy tháng trời tạo “bẫy”, thời cơ đã chín muồi, B3 và B8 quyết định cho B52 “sập bẫy”.
Đó là chiều 20-11-1971. 17 giờ, phi công Hoàng Biểu được lệnh cơ động từ sân bay Nội Bài vào sân bay Vinh; tiếp đó, phi công Vũ Đình Rạng cũng lái chiếc Mig-21 từ Hà Nội, bay theo đường thấp vào sân bay Anh Sơn trực chiến.
19 giờ 30 phút, phát hiện thấy B52 từ Thái Lan tiến vào, Trung tá Trần Hanh lệnh cho Hoàng Bửu cất cánh để “nhử mồi”. Hoàng Bửu xuất kích về phía tây Quảng Bình. B52 đã tới khu vực đèo Mụ Giạ. Không lâu sau, radar của địch đã phát hiện ra chiếc Mig-21 do Hoàng Bửu lái, chúng liền lệnh cho tốp B52 quay trở về Thái Lan.
Lúc này, theo lệnh của chỉ huy, sĩ quan dẫn đường, Đại úy Nguyễn Văn Chuyên đã rất khôn khéo dẫn đường cho chiếc Mig-21 của Hoàng Bửu giữ nguyên độ cao 10.000m, từ đất Lào bay thẳng ra hướng sân bay Nội Bài, tạo niềm tin cho địch là chiếc Mig -21 đã bay ra hướng Bắc. Vẫn quen mui như mọi lần, địch yên chí là không còn mối đe dọa nào nữa.
Phóng đạn vào pháo đài bay
Thượng tá Vũ Đình Rạng kể tiếp: “Khi Hoàng Bửu cất cánh, tôi cũng đã được lệnh chuẩn bị xuất kích bất kỳ lúc nào, mọi phương án tác chiến đều được chỉ đạo từ trước lúc cất cánh.
Sau khi Hoàng Bửu bí mật hạ cánh xuống sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), tôi được lệnh xuất kích. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, tôi được lệnh tắt radar, không liên lạc, không thông thoại với mặt đất, chỉ bay “vo” một mình.
Cũng như mọi lần, chờ cho chiếc Mig-21 của Hoàng Bửu bay ra hướng Bắc, địch cho một tốp B52 quay trở lại. Chúng đã bị “sập bẫy”, lúc này, Sở chỉ huy vẫn chưa cho tôi mở màn hình radar, mà chỉ thông báo cách địch 80km, hướng và tốc độ và lệnh cho tôi ném thùng dầu phụ (để máy bay cơ động, dễ dàng tăng tốc), tăng tốc lên 1.300 – 1.400 km/giờ. Tiếng của Đại úy Nguyễn Văn Chuyên vẫn liên tục vang bên tai: Còn cách 45 km, 30 km…
Cho đến lúc cách địch 15km thì tôi được phép mở màn hình radar. Không ngờ màn hình radar lúc đó rõ nét và trong vắt đến vậy, không một tín hiệu nhiễu, trên màn hình hiện rõ 3 chiếc B52 bay theo đội hình bậc thang: chiếc đầu tiên trong đội hình địch còn cách tôi 11 km, chiếc cuối cùng chỉ cách 6km.
Trong giây lát, tôi quyết định chọn chiếc đi đầu (để đủ thời gian ổn định đường ngắm) tiếp tục tiếp cận vào 2km và phóng một quả tên lửa vào nó.
Sau khi tên lửa rời giá phóng, tôi làm động tác thoát ly lên cao, nhìn sang bên phải tôi lại thấy một chiếc B52 khác với đèn nhấp nháy trên lưng, liền bổ xuống, đặt máy ngắm quang học vào đèn trên lưng chiếc B52 đó rồi phóng nốt quả tên lửa thứ hai và thoát ly, bay về hạ cánh an toàn trên sân bay Anh Sơn. Sau khi tắt hết đèn thì đã nghe thấy máy bay tiêm kích của địch ào ào bay tới…”.
Sau trận đánh lịch sử ấy, một thời gian dài không thấy bóng dáng B52 vào đánh phá tại khu vực đèo Mụ Giạ,tạo điều kiện thuận lợi để đoàn 559 vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Không ai hay biết gì về số phận của chiếc B52 bị bắn tối hôm đó. Người phi công đánh B52 trận đầu đó cũng dần bị trôi vào lãng quên, cho tới mấy chục năm sau, tình cờ, sĩ quan dẫn đường bay ở B3 Lê Thành Chơn gặp được viên thiếu tá Không quân Mỹ Ralp Wetterhahn – nguyên phi công lái máy bay Phantom (Con ma) F4H đã 180 lần bay vào vùng trời miền Bắc với nhiệm vụ hộ tống các máy bay mang bom vào đánh phá Hà Nội.
W.Ralp cho hay, chiếc B52 do Vũ Đình Rạng bắn trọng thương, “lết” về được đến sân bay Nakhom Phanom(Thái Lan) thì bắt buộc phải hạ cánh và hư hỏng hoàn toàn, sau đó không sử dụng được nữa và trở thành đống sắt gỉ…
Sau này, một đồng đội của Vũ Đình Rạng là phi công Nguyễn Hồng Mỹ (người bắn rơi chiếc máy bay tiêm kích F101 đầu tiên trong năm 1972) trong một số dịp sang Mỹ, đã tới Trung tâm lưu trữ Không quân Mỹ và phát hiện ra tài liệu ghi nhận về chiếc B52 đầu tiên bị Không quân Bắc Việt “shot down” – “bắn hạ” đó. Đây cũng là chiếc B52 đầu tiên của Mỹ trên thế giới bị đối phương bắn hạ.
Chúng tôi chợt liên tưởng đến trường hợp của phi công Nguyễn Văn Ba – người bắn rơi chiếc C123 đầu tiên vào năm 1965. Mãi 30 năm sau, 1995, Nguyễn Văn Ba mới được tuyên dương Anh hùng LLVTND; ngay cả Vũ Xuân Thiều, với chiến công oanh liệt mà mãi 22 năm sau, 1994, mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND… Một đồng đội của Vũ Đình Rạng, quá sốt ruột, đã viết thư ngỏ, đề nghị phong tặng Vũ Đình Rạng - phi công đầu tiên trên thế giới hạ gục B52 – danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Năm 2009, bạn bè, đồng đội vui mừng khi Vũ Đình Rạng lọt vào danh sách mà Quân chủng Phòng không – Không quân đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ba năm đã trôi qua, mọi chuyện vẫn chưa có tiến triển.
Còn nữa