Những 'hiệp sỹ' của loài khỉ

TP - Có những con người ngày đêm thầm lặng hy sinh cả cuộc đời cho công việc bảo tồn các loài khỉ và linh trưởng Việt Nam nói chung.
Voọc mũi hếch - một trong những loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy cấp nhất trên thế giới. Ảnh: Khắc Quyết

Nặng tình với… khỉ

Những ngày rét mướt cuối năm, người ta vẫn thấy PGS.TS Lê Xuân Cảnh - nguyên Viện trưởng Viện sinh thái Tài nguyên sinh vật vẫn cùng đoàn chuyên gia lặn lội trèo đèo vượt suối để nghiên cứu quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cho tỉnh Cao Bằng. Hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu, bảo tồn động vật, đặc biệt là các loài linh trưởng ở Việt Nam, cuộc đời ông vẫn luôn gắn với những chuyến đi băng rừng vượt núi, đôi khi chỉ để đuổi theo những dấu vết rất mơ hồ. “Tôi vẫn nhớ cái lần đi làm nghiên cứu về voọc mũi hếch ở Na Hang- Tuyên Quang. Đặc trưng của loài này là ăn và nhảy trên đỉnh núi nên mình cứ phải đi theo nó từ sáng đến tối, nó leo lên đỉnh thì mình cũng lên đỉnh, nó nhảy ngọn cây thì mình cũng phải trèo lên mỏm đá cao gần đó để theo dõi. Chuyến đi kéo dài gần 3 tháng trời, ăn và ngủ trong rừng, đôi khi cảm thấy mình cũng chả khác gì… khỉ”- Chủ tịch Hội Linh trưởng Việt Nam hóm hỉnh kể lại.

TS. Lê Khắc Quyết, một trong những nhà linh trưởng học hàng đầu của Việt Nam cũng không giấu được xúc động khi kể về “chiến tích” là người đầu tiên phát hiện ra 2 quần thể voọc mũi hếch hiếm có ở Hà Giang. Để có được “quả ngọt” ấy, anh và các cộng sự của mình đã phải lang thang suốt cả năm trời, mò mẫm khắp các cánh rừng Tây Bắc.

Đi rừng nhiều, các chuyên gia dường như đã quá quen với cảnh “ăn đất nằm sương” trong rừng. Chưa kể các nguy hiểm khác luôn rình rập như rắn, vắt, muỗi rừng hay bệnh sốt rét…

“Đổi lại, công việc cho mình đam mê. Mỗi khi phát hiện ra một cá thể mới, cứu thêm được một con linh trưởng bị thương hay thậm chí chỉ là chụp được một tấm ảnh đẹp về chúng cũng bõ cái công mình lặn lội”- Tiến sĩ Quyết chia sẻ.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Quảng say sưa với những thước phim về các loài linh trưởng Việt Nam (ảnh nhân vật cung cấp) 

Nói đến công tác bảo tồn linh trưởng ở Việt Nam, không thể không nhắc đến “linh trưởng chúa” Tilo Nadler, tiến sĩ sinh học, chuyên gia Hội Động vật học Frankfurt CHLB Đức, là người thành lập và Giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương- Ninh Bình.

Ông đến Việt Nam với khát vọng bảo vệ loài voọc mông trắng mà thế giới vẫn tưởng chỉ còn được nhìn qua những tấm tem cũ. Từ khi thành lập vào năm 1993 đến nay, trung tâm của ông đã và đang cứu hộ, nuôi dưỡng khoảng 160 cá thể của 15 loài và phân loài sinh trưởng, phát triển tốt. Trung tâm cũng nhân nuôi thành công nhiều loài linh trưởng đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở duy nhất trên thế giới đang chăm sóc tốt nhất cho 3 loài linh trưởng trong nhóm ngũ sắc là voọc chá vá chân nâu, chân xám và chân đen.

Ít ai biết, để có tiền xây dựng trung tâm này, Tilo đã phải bán cả cơ nghiệp của mình ở bên Đức. Do phải leo trèo nhiều trên các vách núi để nghiên cứu linh trưởng mà có lần vợ ông đã bị ngã và mất đi đứa con trong bụng. Hy sinh nhiều là thế nhưng “linh trưởng chúa”- tên gọi thân mật bạn bè dành tặng ông, vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ con đường mình đang đi. Chính tiếng gọi của thiên nhiên núi rừng Việt Nam, tiếng kêu cứu của những con linh trưởng tội nghiệp và cả tình yêu với vợ ông - một cô gái ngườiViệt có chung niềm đam mê với linh trưởng đã níu bước chân ông ở lại cho đến tận hôm nay. 

Và sau hàng chục năm cống hiến không mệt mỏi cho niềm đam mê đó, tiến sĩ người Đức 74 tuổi này đã nhận được Thư khen của Chủ tịch nước Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước Việt Nam trao tặng, giải thưởng danh dự hạng Nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới.

Không phải là dân khoa học, nghiên cứu nhưng đạo diễn Nguyễn Hồng Quảng- Ban Khoa giáo- Đài THVN cũng đã có hơn 10 năm nặng tình với linh trưởng Việt Nam. Gắn bó với thể loại phim tài liệu khoa học, anh đã sản xuất được trên 50 phim về đa dạng sinh học, trong đó, phần lớn là phim về các loài linh trưởng ở trong nước. Nhiều tác phẩm của anh được giới làm nghề đánh giá là không thua kém gì những bộ phim của Discovery. Tuy nhiên, để đạt được những thành quả đó, không ít lần, anh đã suýt mất mạng.

Đó là chuyến đi ở khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca- Hà Giang. “Phát hiện thấy người nên lũ voọc di chuyển rất nhanh. Mải mê đuổi theo đàn voọc gần 8 tiếng đồng hồ không ăn, uống… đến tối mịt thì chúng tôi mới quay trở lại lán để sạc pin cho máy quay. Trời tối, nhiệt độ xuống thấp, vượt chừng 3- 4 dốc núi thì tôi ngã khuỵu vì đói khát. Người dẫn đường đi cùng bèn vơ lấy một nắm rau rừng mọc dại bên đường cho tôi ăn. Chính nhờ đám rau đó mà chúng tôi mới có đủ năng lượng để lết về tới lán”- Đạo diễn Hồng Quảng nhớ lại.

Rồi cả lần làm phim Bảo tồn Vượn Cao vít tại Trùng Khánh, Cao Bằng, nhóm của anh đã phải tác nghiệp trong những cơn mưa rừng tầm tã kéo dài suốt cả tuần liền. “Bao mệt mỏi, rét mướt đã tan biến hết khi chúng tôi quay được những hình ảnh sinh động về tình mẫu tử của một đàn vượn đang trú mưa gần đó. Vượn mẹ dùng thân mình che mưa cho các con, trong khi vượn đầu đàn vẫn đội mưa đứng cảnh giới bảo vệ sự bình yên cho gia đình nó. Hình ảnh này cứ ám ảnh tôi về trách nhiệm với gia đình bé nhỏ của mình”- anh Quảng chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Khắc Quyết trong một chuyến theo chân linh trưởng. (ảnh nhân vật cung cấp)

Khi quay loài vượn đen má vàng, anh Quảng đã phải dậy sớm lần theo tiếng hót của chúng. Nếu chúng ngừng hót mà chưa nhìn thấy đàn vượn đâu thì coi như hôm đó mất công toi. Chính vì thế, mặc dù không phải là chuyên gia nghiên cứu nhưng khi xác định làm phim về động vật, đạo diễn Hồng Quảng cũng phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức sinh học sâu rộng để nắm rõ tập tính của mỗi loài.

Sự hy sinh hết mình cho đam mê đã mang lại những phần thưởng xứng đáng.Những bộ phim về linh trưởng của anh đã chinh phục nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim lớn.

Linh trưởng ở Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng đầu tiên trên thế giới?

Đó là thông tin mới nhất từ cuộc họp đánh giá hiện trạng tất cả các loài linh trưởng ở châu Á và thảo luận về danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất, diễn ra vào cuối tháng 11/2015 vừa qua tại Singapore.

Số loài được xếp ở mức “Cực kỳ nguy cấp” ở Việt Nam đã tăng lên từ 7 loài (năm 2008) lên 11 loài (năm 2015). 

Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ là quốc gia đầu tiên có linh trưởng bị tuyệt chủng trên thế giới.