Những đứa trẻ bị bỏ rơi mang họ Huỳnh

TP - Sau khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, người phụ nữ lần theo tiếng khóc thì thấy một bé trai còn dính nước ối trên người đang gào thét trên bãi cỏ. Đó là đứa trẻ thứ 329 của trung tâm - nơi chúng được mang họ Huỳnh của người mẹ chung Huỳnh Tiểu Hương.
Những đứa trẻ mồi côi lớn cho các em nhỏ ăn .Ảnh: Gia Huy.

Thành lập năm 2001, trung tâm nhân đạo nuôi dạy trẻ em bị bỏ rơi và khuyết tật Quê Hương (61/23 đường ĐT 743, KP Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương) đang nuôi dưỡng 329 bé trong đó có 186 bé bị bỏ rơi.

Người mẹ mồ côi

Những đứa trẻ lấy nắp thùng nhựa ném qua ném lại, đuổi nhau quanh sân. Có bé ngồi một mình nơi góc sân… Thấy tôi lại gần chúng tỏ ra lạ lẫm, rồi tất cả đứng lên khoanh tay chào.

“Hiện tại trung tâm chỉ có thể nhận những trẻ bị bỏ rơi, vì kinh phí hạn hẹp” - Anh Huỳnh Văn Phúc, nhân viên trung tâm cho biết.

Trẻ được nhận về từ nhiều nơi trên cả nước, nhưng chủ yếu là trẻ mồ côi. Cách đây 3 hôm, chị thu dọn vệ sinh ngoài đường nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh ở bãi cỏ sau khu công nghiệp Việt Nam- Singapore.

Chị lại gần và thấy một bé còn đỏ hỏn không gì che thân đang gào khóc, bên mình là lũ kiến bủa vây. Chị báo cho chúng tôi và đưa bé về kịp”, anh Phúc kể.

Có rất nhiều bé được người dân phát hiện trong thùng rác, hay những bãi cỏ hoang, được cho là con của công nhân bỏ rơi.

Theo danh sách, ít nhất 50 bé có hoàn cảnh như vậy.

Chúng tôi đến trung tâm nhưng không gặp chị mà nhận được một tâm thư. “Tôi là Huỳnh Tiểu Hương, người sáng lập ra trung tâm. Tôi đang mắc một căn bệnh nan y mà cơ hội sống không nhiều. Tôi viết tâm thư này với những nỗi niềm trăn trở không biết mình cầm cự với cuộc sống được bao lâu để làm tiếp công việc còn dang dở. Nếu tôi không còn để chăm lo các bé ở đây, mong quý vị hảo tâm hãy thay tôi chung tay chăm lo cho các cháu”.

Những đứa trẻ nơi đây luôn thiếu thốn vật chất và ốm yếu. Ảnh: Gia Huy.

  Tôi là Huỳnh Tiểu Hương, người sáng lập ra trung tâm. Tôi đang mắc một căn bệnh nan y mà cơ hội sống không nhiều. Tôi viết tâm thư này với những nỗi niềm trăn trở không biết mình cầm cự với cuộc sống được bao lâu để làm tiếp công việc còn dang dở. Nếu tôi không còn để chăm lo các bé ở đây, mong quý vị hảo tâm hãy thay tôi chung tay chăm lo cho các cháu.

Anh Trần Mạnh Tuấn, cán bộ trung tâm cho biết, chị Hương, người sáng lập trung tâm bị bệnh ung thư ruột nhiều năm nay, hiện tại rất yếu và đang điều trị.

Từ ngày chị đau bệnh, trung tâm như mất đi người dẫn đường và các bé cũng nhận được ít dần sự quan tâm của xã hội.

Chị Hương sinh năm 1968 tại An Giang. Chiến tranh đã cướp đi cha mẹ chị khi chị còn bé. Mồ côi, chị lang thang kiếm sống nơi đường phố suốt tuổi thơ tới khi thành thiếu nữ.

Trong những đêm lang thang đói khát đó, chị gặp được ân nhân. Chị được đi học, đi làm. Những tháng ngày lang thang và thấu hiểu nỗi khổ của trẻ mồ côi, chị quyết định thành lập trung tâm khi đã là một doanh nhân.

Chú Nguyễn Văn Phát, nhà cạnh trung tâm, kể: “Hồi đó khu này là ruộng lúa, cô Hương mua lại rồi tự san lấp mặt bằng. Nhà xây nhỏ tạm bợ lắm. Rồi cứ có chút tiền nào, cô lại mua thêm đất, xây thêm nhà và nhận thêm các bé tới ở”.

Thế nhưng số phận không cho người phụ nữ này được hưởng hạnh phúc. Năm 2007, chị phát hiện bị bệnh hiểm nghèo, năm 2008 chị tưởng đã phải lìa bỏ những đứa trẻ ra đi.

“Lâu rồi chúng con không được gặp mẹ Hương. Không ai chăm chúng con, dạy chúng con học như mẹ Hương… Con nhớ mẹ lắm, đêm nào trước khi đi ngủ chúng con đều cầu nguyện cho mẹ mau khỏi bệnh về với chúng con chú ạ”, bé Huỳnh Văn Cường 8 tuổi, học lớp 2 nói về mẹ nuôi.

Những đứa trẻ tại trung tâm đều mang chung họ Huỳnh, dù có gia đình hay mồ côi, dù lành lặn hay khuyết tật đều được đi học tới lớp 9 và sau đó được cho đi học nghề.

“Trung tâm hoạt động dưới danh nghĩa trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhưng kinh phí hoạt động phải tự túc. Ngay cả tiền học, tiền ăn, tiền các bé đi bệnh viện, trung tâm đều phải tự lo”, chú Tuấn, cán bộ quân đội về hưu tự nguyện về trung tâm phụ chị Hương chăm trẻ, cho biết.

329 số phận sống bằng đồ đi xin

11h, các bé đi học về. Bốn dãy bàn ăn bày ra, dành cho các bé 3 - 6 tuổi ăn trước, các bé lớn đợi em ăn xong mới có chỗ.

Thực đơn hôm nay gồm cơm, rau muống xào và một miếng thịt gà công nghiệp. Bé gái và các em nhỏ hơn thì ăn cháo bí đỏ. Đồ ăn chỉ có vậy nhưng các bé ăn ngon lành, một hạt cơm vãi chúng cũng nhặt lên.

Chị Tuyền cho các bé đi ngủ .

Những bé nhỏ không tự ăn được, các anh chị lớn đút. Cũng cơm + canh + rau muống + thịt gà công nghiệp kho.

“Cơm hôm nay ngon, có thịt gà, chứ mọi bữa ít có lắm”, cô bé Huỳnh Hy Vọng nói.

Tại phòng trẻ sơ sinh, 10 bảo mẫu (tự nguyện vào trung tâm) đang tắm cho các bé. Lũ trẻ xếp hàng ngoài hiên chờ tới lượt, nhiều bé ngồi ngủ ngon lành.

Hơn 20 bé bị bệnh ngoài da được cách ly tại phòng riêng, trên người bé nào cũng là những mụn ghẻ đỏ ứng, ngứa ngáy. Chúng vẫn hồn nhiên chơi đùa và đợi bảo mẫu cho ăn.

Sau khi ăn, tắm rửa và thay đồ, các bé được đưa vào phòng ngủ. Mỗi phòng ngủ rộng 50m2, được kê bằng phản gỗ cùng tấm chiếu cói đã cũ nát. “Con còn bố mẹ, quê tận Nam Định cơ. Hồi con 6 tuổi, nhà con nghèo quá nên bố mẹ gửi mẹ Hương đưa con vào đây. 4 năm trước con được về nhà ăn Tết với gia đình nhưng bố mẹ không muốn con ở nhà nên con lại vào học hết lớp 9. Giờ con không học nữa, ở nhà chăm các em”, cô bé Lựu 17 tuổi kể về mình.

Từ lâu rồi, bữa cơm hàng ngày của những con người ở đây phải dựa vào đồ đi xin.

Rau được xin từ chợ đầu mối Thủ Đức, thịt được xin từ những người hảo tâm gần trung tâm. Quần áo cũ lâu lâu lại được người trong vùng quyên góp, sữa và thuốc thang thì lấy từ công ty của chị Hương.

Không chỉ có những mảnh đời bị bỏ rơi nương tựa, Quê Hương còn là nơi những người cùng cực tìm đến nương nhờ.

Một người phụ nữ lưng gù với thân hình nhỏ bé đang cho các bé bú bình. Chị là Huỳnh Thị Tuyền 32 tuổi, một trong những người mẹ của các bé. Chị về với trung tâm đã khá lâu, khi chị phát hiện mình không thể sinh nở.

…Các bé đã đi ngủ, trong phòng trẻ sơ sinh vang tiếng ru “Ầu ơ… con về con ở với mẹ con ơi… ngày mai mẹ mất con đã lớn khôn”. Phòng cách ly trẻ bệnh vang tiếng khóc và tiếng ho nhẹ, còn phòng các bé lớn lại vang tiếng ê a đọc bài…

Theo Báo giấy