Những cột điện 100 tuổi cuối cùng trên phố Hà Nội

Hà Nội hiện còn vài chục cột điện có tuổi đời trên 100 năm do Pháp xây dựng. Đây là những cột điện cuối cùng, sắp tới sẽ bị biến mất vĩnh viễn do EVN hạ ngầm dây cáp điện.
Hà Nội còn vài chục cột điện trên 100 năm như thế này, do Pháp xây dựng

Ông Lê Việt Hùng, Phó ban Quan hệ cộng đồng, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), cho biết, số lượng cột điện này còn không nhiều, chủ yếu ở khu vực phố cổ và một số tuyến phố trong 4 quận nội thành.

“Đây là những cột điện của mạng lưới điện ngày xưa, có thể là cột truyền tải điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, cũng có thể là cột điện phục vụ 5 tuyến tàu điện của Hà Nội”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, EVN Hà Nội đang phối hợp với các bên liên quan thực hiện hạ ngầm cáp điện, sau khi hoàn tất sẽ tiến hành tháo dỡ các cột điện này.

Nói về những chiếc cột điện bằng sắt có tuổi đời trăm năm đã bắt đầu hoen gỉ, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, khẳng định, cột điện thời Pháp làm bằng sắt được xây dựng trong 2 giai đoạn: năm 1888 và từ năm 1920-1925.

“Người Pháp chỉ làm cột điện bằng sắt và có xây dựng nhiều trong khu phố cổ, phố cũ do có Nhà máy điện Yên Phụ. Ngoài ra, các cột điện này còn phục vụ 5 tuyến tàu điện của Hà Nội (Bưởi - Bạch Mai, Yên Phụ - Kim Liên, Yên Phụ - Cầu Giấy, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Yên Phụ)”, ông Nghiêm cho hay.

 Theo khảo sát của PV, trên địa bàn Hà Nội còn hơn 70 cột điện, nằm chủ yếu trên các tuyến đường như Thụy Khuê, Khâm Thiên, Trần Phú,... Ngoài ra, chúng còn rải rác ở các tuyến đường trong phố cổ.

Các cột điện bằng sắt hiện còn mang trên mình gánh nặng của loa phường, dây cáp, viễn thông,... nhằng nhịt như mạng nhện.

Ông Nghiêm cho rằng, việc dỡ bỏ cột điện là cần thiết vì cột điện bằng sắt có độ an toàn kém, thời gian xây dựng lại quá lâu nên dễ bị gãy đổ; đồng thời, quá trình hiện đại hóa cũng cần thay thế những cột điện cũ kỹ này.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, Hà Nội cũng nên tính toán lựa chọn cột điện sắt ở một số vị trí thích hợp để giữ gìn, bảo tồn di sản.

Theo Theo Dân trí