Bài 1: Nữ “phu đường” giữa xứ hoa
Ngót 10 năm qua, người dân xứ hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ suốt ngày loay hoay với cát, đá, xi măng để xóa những ổ voi, ổ gà... Đó bà Nguyễn Thị Phượng Thu (54 tuổi), ở nhà thuê và làm mướn nhưng chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để vá đường.
Nhọc nhằn mưu sinh
Bà Thu phụ việc ở quán phở gần nhà. Từ rạng sáng, bà chạy chiếc xe máy cà tàng đến dựng trước quán phở rồi lao vào công việc, từ nhặt, rửa rau, xắt ớt, chanh, xé sợi phở, lau bàn ghế đến bưng bê, quét dọn... Vừa làm, bà vừa hỏi han thực khách để tìm mối chạy xe ôm. “Lúc rảnh, tôi tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm. Chủ quán thương tình nên cho đi chạy xe lúc vắng khách…”- bà Thu nói. Bà cho biết, mỗi ngày, ngoài tiền công phụ bán phở được 70 nghìn đồng, bà còn kiếm được chừng 30 ngàn đồng từ việc chạy xe ôm.
Bà trải lòng về cuộc đời đầy cơ cực. Bươn chải từ nhỏ, lớn lên và về già cuộc sống vẫn không khá hơn. Theo chồng đi buôn bán và sinh sống lênh đênh trên ghe nhiều năm trời, chưa có công việc gì mà bà chưa làm. Từ bán rau, bún, cá, chè, bánh đến mua bán ve chai và bây giờ là làm mướn. “Chỉ cần việc nào không phạm pháp là tôi làm láng hết”-bà Thu nói.
Tôi theo chân bà Thu chạy xe chở khách từ phường 4 sang phường 2 (TP Sa Đéc). Vừa đi, bà vừa tếu táo: “Tiền ở đầy ngoài đường, quan trọng là mình có muốn kiếm hay không”. Trả khách xong, bà đến chỗ thùng rác trước một ngôi nhà khang trang, lục lọi một hồi, bà lôi ra 4 vỏ chai dầu gội rồi cười hề hề: “Bữa nay vô mánh, mấy chai này là nhựa dẻo bán nhiều tiền lắm”. Dọc đường về, cứ thấy thùng nào có chai nhựa cũ là bà dừng xe lại nhặt.
Khi về gần đến nơi xuất phát, bà Thu lại dừng xe trước những căn nhà có treo bịch cơm thừa gom lại rồi chạy thẳng đến nhà của một người chăn nuôi heo ở cuối xóm. Bà giải thích: “Những bịch cơm thừa canh cặn sáng nào người ta cũng treo trước hàng rào để ai có nhu cầu thì lấy. Nhưng những người nuôi heo ngại nên tôi đi lấy giùm và mỗi tháng họ trả cho tôi 60 ngàn đồng. Không mất vốn liếng gì mà mình còn có tiền, hơn nữa đó là việc lương thiện, tại sao mình không làm?”.
Tất cả những công việc ấy chỉ diễn ra trong vài, ba giờ đầu buổi sáng. Đến khoảng 8 giờ, quán vắng khách, bà Thu nhanh chân chạy về chuẩn bị “đồ nghề” đi vá đường. Dẫn vào nhà bà là con hẻm nhỏ hướng ra sông Sa Đéc gió thổi mát rượi. Căn nhà bà thuê trọ ở cùng đứa cháu ngoại suốt 15 năm qua cũ nát, lụp xụp. Những miếng ngói âm dương vỡ sấp ngửa trên mái nhà, vách ván nhiều tấm cũng mục nát.
Thấy lỗ vá là thấy tiền mình nằm đó
Vô nhà soạn tới soạn lui một hồi, bà Thu xách ra cái giỏ lưới dựng bay, xẻng, bình nước uống, hộp bột chiên để ăn khi đói. Chuẩn bị xong, bà chất tất cả giỏ đồ nghề, thức ăn và xô, chậu, xi măng, cát, đá…lên chiếc xe rồi rong ruổi đến những tuyến, đoạn đường bị hư hỏng. Đến chỗ nào có ổ gà, bà liền dừng xe, hạ đồ nghề, vật tư xuống và bắt tay ngay vào trộn hồ. Trộn hồ xong, bà xách nước tưới vào chỗ cần vá để hồ sẽ bám được lâu. Cuối cùng là cho mớ hồ vừa trộn vào rồi trát cho bằng phẳng.
Mười năm trước, khi còn làm ăn mua bán, nhiều lần bà Thu chứng kiến con đường liên xã này cảnh người chạy xe thồ, chở hàng nặng nhọc khi đến đoạn có ổ gà, ổ voi đã không may hụt bánh xe ngã nhào. Có người sau tai nạn phải chịu thương tật suốt đời, không thể tiếp tục lao động kiếm tiền nuôi sống gia đình. Những học sinh đến trường bằng xe đạp cũng thường bị té ngã khi vấp phải ổ gà… Điều đó khiến bà nghĩ đến việc đi vá đường. “Ban đầu tôi đi xin xỉ than để lấp nhưng thấy không hiệu quả, xe chạy vài ngày là hư. Tôi phải vá đi vá lại hoài vẫn không xong. Sau đó tôi đánh liều lấy tiền túi mua xi măng, cát, đá làm cho chắc chắn”- bà Thu kể.
Bà cho biết, kinh phí mua cát, đá, xi măng vá đường được lấy từ khoản tiền làm thuê ít ỏi hằng ngày. Trung bình mỗi ngày bà kiếm được hơn 100 ngàn đồng, trong đó bà ăn uống, chi xài chỉ hết 20 – 30 ngàn đồng. Số còn lại bà để dành vá đường. Mười mấy năm nay bà dành dụm được khoảng 40 triệu đồng định xây nhà nhưng không có đất để xây. Tiền để trong túi lâu ngày thấy không an tâm, trong khi nghe bà con than thở vì khúc đường ở xã cù lao An Hiệp (huyện Châu Thành) đi Sa Đéc dài hơn 5km có nhiều ổ gà, người ta chạy bị té hoài nên bà quyết định dùng hết số tiền đó vá đoạn đường này. “Tiền không có việc xài riêng thì mình đem ra xài chung, mình vui, bà con cô bác ai cũng vui. Mỗi lần thấy lỗ vá xi măng trên đường như thấy tiền mình nằm đó” - bà Thu nói trong nụ cười tươi.
Bất kể nắng mưa và bất kể ổ gà được vá bao nhiêu lần, chỉ cần con đường bằng phẳng cho bà con đi lại dễ dàng là sẵn lòng làm. “Có lần tôi đang trộn hồ, xe hơi cán ngang bắn cả cát, đất và xi măng vào mặt. Lúc đó tôi cũng giận, nhưng nghĩ lại đây là việc mình tự nguyện, không ai bắt mình làm nên tự nhủ phải nhẫn, nếu không rất dễ bỏ cuộc” - bà Thu chia sẻ. Mỗi ngày bà Thu vá cả chục ổ gà, ổ voi, hôm nào mệt vá ít nhất cũng dăm ba cái nhưng không nghỉ ngày nào. Nhìn tuyến giao thông chính nối từ cù lao An Hiệp với TP Sa Đéc chi chít những vết xi măng mới được vá ai đi ngang qua cũng trầm trồ, thán phục trước hành động của người phụ nữ này.
Thấy việc làm của bà Thu, lãnh đạo địa phương nhiều lần ngỏ ý cho dân quân tự vệ phụ bà vá đường hoặc có những nhà hảo tâm muốn góp tiền cho bà mua vật liệu nhưng bà đều từ chối vì sợ sức mình làm không nổi rồi lại mang tiếng nên có bao nhiêu tiền bà làm bấy nhiêu.
Tự thưởng bằng… ly nước mía
Bà Nguyễn Thị Tư (70 tuổi, ngụ xã An Hiệp) kể: “Những người xứ khác lại đây thăm bà con chạy không quen đường bị té hoài. Xe này né ổ gà đụng xe kia rồi té cũng có, tự nhiên té cũng có. Một năm ở đây tôi chứng kiến không biết bao nhiêu vụ té xe gãy chân, chảy máu…”. Chính vì vậy, việc làm của bà Thu mang nhiều ý nghĩa. Ông Võ Hồng Điệp (45 tuổi, ngụ phường 4, TP Sa Đéc) nói: “Từ trước tới giờ đâu có thấy ai làm được như bà Thu. Người ta chỉ lo cho cuộc sống của người ta thôi chứ đâu ai bỏ thời gian ra lo việc xã hội. Nhưng việc làm của bà Thu rất tốt, tôi rất nể bà ấy. Dù là phụ nữ nhưng vẫn chịu cực ngồi giữa đường vá hết ổ gà này đến ổ trâu khác”.
Anh Trần Văn Hải (30 tuổi, ngụ xã An Hiệp) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng chở rau cải ra chợ Sa Đéc đi qua con đường này vào sáng sớm. Lúc trước đi ngán lắm, đường toàn lỗ hang, chạy bị sụp bánh xe xuống hố hoài, nhất là trời mưa. Xe tôi chở đồ nặng đâu có gượng lên nổi nên lật ngang luôn. Những lần như vậy, may người không bị thương nhưng rau dập hết không bán được, thành ra bữa đó lỗ. Từ khi cô Thu vá mấy ổ gà trên đoạn đường này xong, dân ở đây ai cũng mừng”.
Ông Lê Ngọc Quang Hồng - Chánh văn phòng UBND TP.Sa Đéc nói về người phụ nữ vá đường với sự trân trọng: “Dù hoàn cảnh khó khăn, phải làm thuê nhiều việc và thu nhập chỉ đủ ăn nhưng bà Thu vẫn tự nguyện mua cát, đá, xi măng bỏ công sức đi vá đường. Việc làm của bà từ nhiều năm nay đã góp phần làm cho đường phố tại địa phương trở nên bằng phẳng, người dân lưu thông cũng được an toàn hơn, có thể nói bà Thu là một tấm gương điển hình để người dân Sa Đéc noi theo”. Ông cũng cho biết, vừa qua UBND TP Sa Đéc và UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã trao bằng khen, ghi nhận tấm gương người tốt việc tốt của bà.
Nói về khoản tiền thưởng, bà Thu cười hồn hậu: “TP Sa Đéc thưởng 300 ngàn đồng, tôi đã dùng mua vật liệu vá khúc đường ở phường 4. Tỉnh thưởng hơn 1,2 triệu đồng, tôi vừa mua 1 xe cát 600 ngàn, xe đá 590 ngàn đồng. Còn 10 ngàn đồng tôi mua 2 ly nước mía tự thưởng cho tôi và chú lái xe chở vật liệu”.
(Còn nữa)
“Khi mới vá đường thiện nguyện, nhiều người mỉa mai tôi sao không để tiền dành dụm cho bản thân mà lại đi lo việc bao đồng, nhưng tôi kệ. Tôi cứ xem đó là động lực để tiếp tục góp ích cho đời”.
Bà Nguyễn Thị Phượng Thu, người vá đường thiện nguyện
Không tham, không đóng cửa
Nhà bà Thu không đóng cửa. Thấy khách thắc mắc, bà Thu bảo: “Bản thân mình không tham thì không ai tới nhà mình lấy trộm nên dù ngày hay đêm thì cửa nhà tôi vẫn mở”. Từ ngoài nhìn vào đã thấy nhà bà Thu trồng nhiều cây thuốc Nam, bên trong có những chậu lớn chứa đầy thuốc đã phơi khô. Bà Thu kể: “14 tuổi tôi đã theo những ông già bà cả đi hái thuốc Nam về cho các phòng thuốc của chùa. Từ đó tới nay, mỗi khi không vá đường tôi lại đi hái thuốc để sẵn ở nhà, ai cần thì tới lấy”.