Vượt ngàn cây “chạy dịch”
4h sáng 30/7, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn cùng đoàn gồm hơn chục người chạy xe máy từ Bình Dương về tại điểm chốt kiểm soát dịch tại xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Đôi mắt người đàn ông lộ rõ mệt mỏi, sau hơn 2 ngày chạy xe vượt nghìn km để về quê. Ngả lưng nằm nghỉ bên vệ đường, anh Tuấn vội dò điện thoại vào Google maps, rồi ngoảnh lại nói với vợ “Còn hai tiếng nữa về tới nhà vợ à”.
Anh Tuấn quê ở huyện miền núi (Hà Tĩnh), nơi người dân trồng hai vụ lúa mỗi năm. Khoảng 2 năm trước, vợ chồng gửi con cho người thân rồi vào làm công nhân tại một xí nghiệp may ở Bình Dương. Nhưng gần 1 tháng đến nay hai vợ chồng thất nghiệp, gần khu trọ bị phong toả. “Mình còn sức, chịu khó chạy xe máy về cùng mọi người thôi”, anh Tuấn bàn với vợ trước khi về quê.
Vì qua chốt phải có giấy thông hành, hai vợ chồng đến bệnh viện để làm phiếu xét nghiệm âm tính. Cầm giấy xét nghiệm bỏ vào balo, cuốn đồ đạc vào một chiếc túi lớn cột chặt phía sau xe, rồi mua nước uống, bánh mì..
Chuẩn bị xong hành lý, hai vợ chồng rời đi vào lúc 21h ngày 27/7. Ngày anh đến thành phố nhộn nhịp, nhưng lần anh về quê phố xá vắng tanh, nhà nhà đóng cửa. Công việc là thứ duy nhất níu anh ở lại đã không còn, nên phải về quê. Chuyến về không ai biết, ngoài thông báo với cô chủ trọ: “Vợ chồng cháu về quê đây, khi nào Bình Dương hết dịch cháu lại vào”.
Mấy năm xa nhà, anh Tuấn luôn sắp xếp dịp cuối năm để về quê, có lẽ đây là chuyến về nhà đặc biệt nhất đối với hai vợ chồng. Anh Tuấn kể, đoàn đi cùng anh có tới hơn chục người, đa phần là người huyện miền núi Nghệ An, còn chở theo con nhỏ. Đường về hơn nghìn km, vốn không quen chạy đường dài, mọi người trong nhóm bảo ban nhau lúc nào ai mệt thì cùng dừng chân nghỉ.
Đoàn người chọn chạy ban ngày rồi đêm đến dừng chân ở khu vực nào vắng vẻ, trải tấm nylon ven đường rồi ngả lưng nghỉ ngơi. Nghỉ chừng hai tiếng lại gọi nhau dậy, lót bụng bằng bánh mì rồi tiếp tục nổ máy hướng về con đường phía trước.
“Chúng tôi từ vùng dịch về đâu dám dừng chân ăn, thuê trọ nghỉ mà chỉ dừng lại dọc đường nghỉ thôi. Đoàn đi có cả trẻ con nữa anh em chạy với tốc độ chậm”, anh Tuấn kể.
Lần đầu tiên chạy xe đường dài, anh Tuấn phải luôn tập trung cao độ, khi mệt mọi người thay nhau đổi lái. Có những lúc mệt, nhưng dọc đường về anh được ngành chức năng ở các điểm chốt hỗ trợ thức ăn, nước và sữa. “Trên đường, qua các điểm chốt mọi người phải test nhanh âm tính mới có thể đi tiếp được”, anh Tuấn nói.
Dọc đường về quê trên quốc lộ 1A, đoàn anh Tuấn hoà lẫn vào những đoàn xe biển số 36, 37, 38, 73 nối đuôi nhau cùng chạy về hướng Bắc. Anh không biết họ là ai, nhưng chắc họ cũng như anh, tìm đường về quê.
Chuyến tàu chở người về quê từ “tâm dịch”
Sáng 26/7, chuyến tàu tình nghĩa đầu tiên chở theo 814 người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đã về đến Hà Tĩnh trong niềm vui vỡ oà của nhiều người. Hành khách chuyến tàu “đặc biệt” này chỉ có công dân Hà Tĩnh, họ là những người nghèo, người mất việc làm, sinh viên có nguyện vọng về quê khi miền Nam dịch đang tăng nhanh. Trên tay bế con gái 29 tháng tuổi bước xuống sân Ga Yên Trung, chị Nguyễn Thị Bảo Hằng (31 tuổi), lộ vẻ mệt mỏi sau gần 2 ngày rời tâm dịch để về quê.
Hai tháng nay, chị ở nhà trông con, chồng thi thoảng kiếm được ít tiền công nhưng chẳng đủ trang trải cuộc sống của 3 người ở phố thị. Phòng trọ chật chội, chi tiêu đắt đỏ, chị vội bàn chồng đăng ký cho hai mẹ con cùng về quê theo chuyến tàu tình nghĩa của tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ. “Thật may mắn khi hai mẹ con được về quê trên chuyến tàu này. Chúng tôi biết ơn và rất xúc động trước sự quan tâm của tỉnh nhà”, chị Hằng nói.
“Anh ra đo thân nhiệt, rồi đưa vợ và con lên xe số 03 nhé”, nam thanh niên chỉ dẫn cho anh Đặng Thái Thiện lên xe để về khu cách ly Cổng B tại xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn). Anh Thiện hai tay kéo hai vali đựng hành lý, đi theo phía sau là vợ cùng hai con nhỏ. Chuyến về quê lần này sớm hơn dự định. Hai vợ chồng tính toán kiếm tiền đến Tết rồi về quê. Nhưng dịch bùng phát, công ty nghỉ làm, thất nghiệp. “Về rồi sẽ nhớ Sài Gòn lắm, nơi đó là kỷ niệm, là công việc, cầu mong thành phố sớm bình an trở lại”, anh Thiện nói.
Hà Tĩnh, địa phương có hơn 190 ngàn lao động đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Những ngày qua, mỗi ngày địa phương tiếp nhận cách ly cho 150-200 người từ vùng dịch về. Khác hẳn với những lần về quê trước, chuyến hồi hương đặc biệt mang nhiều bộn bề lo toan. Không quà cáp, không bánh kẹo, không người thân tới đón, nhưng với họ, được về quê là niềm vui.
Với mong muốn giúp đỡ những người nghèo, sinh viên gặp khó, công nhân thất việc đang ở trong vùng dịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang lên phương án thiết lập chuyến tàu thứ 2 để đón công dân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê.