Những chuyến bay không số từ Côn Minh đến Yangon: Điều gì đang diễn ra? 

TP - Trong hơn một tuần gần đây, mỗi đêm đều có những chuyến bay không số giữa TP Côn Minh của Trung Quốc đến TP Yangon của Myanmar để vận chuyển người và hàng hoá. 
Một chiếc máy bay của Myanmar Airlines được cho là vận chuyển người và hàng hoá từ Côn Minh đến Yangon trong những ngày gần đây. Ảnh: Twitter

Chính quyền quân sự Myanmar giấu những chuyến bay này. Chính quyền Trung Quốc và hãng hàng không Myanamar Airways nói rằng những chiếc máy bay đó chở hải sản, nhưng nhiều người dân không tin.

Khi quân đội Myanmar (Tatmadaw) giành quyền kiểm soát đất nước, các chuyến bay quốc tế bị cấm. Rất ít máy bay còn hoạt động ở sân bay Yangon. Nhưng trung bình mỗi đêm có 5 chuyến bay với 3 máy bay vẫn đến đây từ Côn Minh, miền nam Trung Quốc. Hai máy bay trong số đó được sơn màu của Myanmar Airways và một máy bay không có màu sắc và ký hiệu nhận dạng.

Trong bài viết đăng trên trang web của Viện chính sách chiến lược Australia, Susan Hutchinson, một chuyên gia châu Á - Thái Bình Dương tại ĐHQG Australia, viết rằng những người quản lý các chuyến bay này đang muốn giấu chúng. Bộ phát đáp của máy bay bị tắt là việc vi phạm quy tắc hàng không quốc tế. Nhưng giới nghiên cứu có thể thu thập thông tin về các hoạt động bay nhờ thông tin máy bay gửi lên vệ tinh. Ngoài ra, các nhân viên sân bay ở Yangon và những người tham gia phong trào bất tuân dân sự ở Myanmar đã chụp ảnh về máy bay để đưa lên Twitter.

Theo bà Hutchinson, tình hình hiện nay ở Myanmar gợi ý hai khả năng: một là máy bay chở quân lính và chuyên gia mạng của Trung Quốc đến giúp Tatmadaw kiểm soát thông tin và internet; hai là chở vũ khí đến tiếp viện cho Tatmadaw.

Những ngày gần đây, người biểu tình Myanmar tập trung trước cánh cổng đỏ của đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon để phản đối Trung Quốc vì cho rằng nước này ủng hộ cuộc đảo chính của quân đội Myanmar. Đang có nhiều tin đồn về chuyện Trung Quốc đưa chuyên gia kỹ thuật đến giúp Tatmadaw xây dựng “tường lửa”để kiểm soát internet.

Cư dân mạng soi xét các bức ảnh về biểu tình để tìm kiếm quân hiệu Trung Quốc trên đồng phục hoặc cả những binh lính có màu da sáng hơn trong đội ngũ được triển khai trên đường phố để dẹp biểu tình.

Mất lòng tin

Là nước láng giềng lớn nhất của Myanmar, Trung Quốc có quan hệ nồng ấm với chính quyền quân sự trước đây trong mấy thập kỷ, khi phương Tây cắt đứt liên lạc và duy trì trừng phạt kinh tế. Khi các tướng lĩnh quân đội Myanmar mở cửa đất nước một cách thận trọng từ hơn chục năm trước, giới doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu kéo đến để khai thác thị trường bị đóng cửa trong thời gian rất dài. Vị thế gần như độc quyền của Trung Quốc không còn nữa.

Vì thế, khi quân đội Myanmar trở lại nắm quyền và nước này bị cô lập trở lại, nhiều người dân Myanmar nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Họ cho rằng Myanmar càng bị cô lập thì Bắc Kinh càng tự do hành động và lợi dụng Myanmar nhiều hơn.

Nhưng theo các chuyên gia, câu chuyện này dù thuyết phục đối với nhiều người nhưng đã đơn giản quá mức vì bỏ qua nhiều yếu tố: tác động bất ổn mà cuộc đảo chính tạo ra, bao gồm cả những dự án lớn mà Trung Quốc đầu tư; sự cảnh giác của quân đội Myanmar đối với Trung Quốc; và quan trọng nhất là quan hệ hữu nghị  mà bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD), tạo dựng được với Trung Quốc trong những năm qua.

Về địa chính trị, “Trung Quốc là người thua nhiều nhất trong cuộc đảo chính này”, Enze Han, phó giáo sư tại ĐH Hong Kong và là một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc và Myamar, nói với The Atlantic. “Những nỗ lực của Trung Quốc để cải hiện hình ảnh bằng cách hợp tác với NLD đều đã biến thành con số 0”, ông Han đánh giá.

Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai ủng hộ quan điểm này, nói rằng “những diễn biến hiện nay ở Myanmar hoàn toàn không phải điều Trung Quốc muốn thấy”. Ông cũng bác bỏ tin đồn nói rằng Trung Quốc đang viện trợ cho quân đội Myanmar.