Những câu hỏi nhói lòng

TP - Bữa ăn bán trú ở trường học đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống công nghiệp bận rộn của phụ huynh và thực tế học hai buổi của học sinh. Thế nhưng, chuyện bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng lâu nay luôn là vấn đề gây bức xúc.

Không phải đợi đến gần đây, một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thủ Đức, trong chuyến đi kiểm tra nhà bếp của đơn vị cung cấp bữa ăn cho trường cùng phụ huynh, đã phát hiện thịt gà ôi thiu nằm trong tủ đông, khu vực gia vị và đồ khô bốc ra mùi hôi, mốc… vấn đề suất ăn bán trú tại trường học mới được đề cập đến.

Đã từng có rất nhiều phản ánh về việc bớt xén khẩu phần ăn, về bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, không đảm bảo vệ sinh nhưng đâu lại vào đấy. “Tôi có cảm giác những suất ăn bán trú không đảm bảo vệ sinh, chất lượng chỉ được phát hiện bởi sự kiểm tra của phụ huynh hoặc sau mỗi sự cố ngộ độc của học sinh, còn lại gần như không ai quản”, một phụ huynh cảm thán như vậy.

Rất nhiều bậc cha mẹ đặt câu hỏi: Tại sao có thể mua thực phẩm ôi thiu để chế biến bán cho học sinh? Tại sao chúng tôi lại bỏ tiền để mua về những lo lắng và nguy cơ bệnh tật cho chính con mình? Cơ quan nào quản lý bữa ăn bán trú của học sinh… Câu trả lời vẫn là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Thực tế, có đến 3 cơ quan quản lý những suất ăn, hay bếp ăn tập thể của học sinh, nhưng chưa bao giờ bớt xảy ra sự cố. Không bớt xén khẩu phần cũng là mua thực phẩm ôi thiu, không nguồn gốc để có giá rẻ…là điều không ai lý giải được.

Năm 2021, bạn tôi phải chuyển trường cho các con chỉ vì phụ huynh phát hiện khẩu phần ăn của học sinh tại trường bị bớt xén, không đảm bảo dinh dưỡng. Nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn thường cho rằng, giá cả leo thang, thực phẩm đắt đỏ chưa kịp điều chỉnh. Thế nhưng, việc mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm ôi thiu thì không một lý giải nào có thể biện minh. Điều này không chỉ thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, mà còn là đạo đức của người kinh doanh, người quản lý giáo dục.

Việc nhiều trường học tạm dừng bữa ăn bán trú sau sự cố nói trên, càng nói lên sự bế tắc trong quản lý bếp ăn, suất ăn bán trú. Tư duy “không quản được thì dừng” trong bất cứ lĩnh vực nào chỉ thể hiện sự yếu kém, bất lực.

Viết đến đây, tôi vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi: Ai quản bữa ăn bán trú của hàng triệu học sinh? Nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước, hay chính phụ huynh phải tự quản lý mỗi bữa cơm của con em mình ở trường?

Cháu tôi, từ năm lớp 10 đã đề xuất với mẹ được nấu cơm bỏ vào hộp mang theo cho mỗi bữa trưa ở trường. Cháu kể rằng, cả lớp gần như không ai đăng ký ăn bán trú. Điều này, phần nào cho thấy suất ăn được cung cấp cho các trường học chưa bao giờ hấp dẫn.

Vậy, làm thế nào để bữa ăn bán trú an toàn, hấp dẫn với học sinh và đem lại sự yên tâm cho phụ huynh? Câu hỏi chắc không khó trả lời!