Hơn 5,5 nghìn ha rừng biến mất
Ngày 16/3, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có báo cáo (số 528) về việc công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng tại các xã.
Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 11/2019, Thanh tra tỉnh này thanh tra và kết luận tại 17 đơn vị, trong đó có 3 Cty lâm nghiệp, 1 khu bảo tồn thiên nhiên và 13 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích đất UBND tỉnh Gia Lai giao cho 17 đơn vị quản lý, bảo vệ hơn 193 nghìn ha đất lâm nghiệp (đất rừng đặc dụng hơn 15 nghìn ha, đất rừng phòng hộ hơn 73 nghìn ha, rừng sản xuất hơn 97 nghìn ha, hơn 7,4 nghìn ha đất lâm nghiệp). Qua đó phát hiện diện tích đất lâm nghiệp bị mất và lấn chiếm hơn 9,4 nghìn ha (diện tích đất có rừng hơn 5,5 nghìn ha, diện tích đất không có rừng hơn 3,9 nghìn ha) với tổng số tiền sai phạm phát hiện hơn 26,7 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra - công an tỉnh Gia Lai 8 vụ (8 BQLRPH). Về xử lý hành chính đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 3 tập thể, 51 cá nhân, 12 cá nhân khiển trách và 9 cảnh cáo.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn có 21 BQLRPH. Vị này nói về nguyên dân đến tình trạng sai phạm trên: Đầu tiên do áp lực về nhu cầu đất ở, đất sản xuất trong dân còn rất lớn do dân số tăng nhanh tại tỉnh Gia Lai trong nhiều năm qua. Diện tích rừng được giao cho các BQLRPH, các Cty lâm nghiêp rộng. Trong khi quyền hạn thi hành công vụ, thực thi công vụ, xử lý vi phạm rất hạn chế, thu nhập bình quân của nhân viên bảo vệ rừng thấp so với mặt bằng bình quân của xã hội. Các đơn vị chủ rừng chưa có thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý, nội dung và phương thức hoạt động chưa làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác; không cập nhật, báo cáo đầy đủ diễn biến rừng trong nhiều năm…
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông An, sắp tới cơ quan này sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh sắp xếp củng cố lại toàn bộ hệ thống chủ rừng (các BQLRPH và các Cty lâm nghiệp) trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, bố trí những cán bộ lãnh đạo (của các chủ rừng) có đầy đủ phẩm chất, năng lực để công tác lãnh đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ được giao. Vị này còn nói sẽ triển khai đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030…
“Sở cũng sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch thanh tra thường xuyên các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là những chủ rừng có biểu hiện để mất rừng”, ông An nói.
Báo chí phát hiện nhiều điểm nóng
Báo Tiền Phong đã phát hiện, đưa nhiều tin bài về những điểm nóng về phá rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và cả khu vực Tây Nguyên. Gần đây nhất phóng viên nhận được tin báo từ bạn đọc ở khu vực cách làng Bya (xã Sró, huyện Kông Chro, Gia Lai) khoảng 3km đang xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ trụ sở UBND huyện Kông Chro vào xã Sró khoảng 16km, thời tiết khô hanh, dọc đường đi là những ngọn núi đã bị “cạo trọc”. Khoảnh rừng phòng hộ đầu nguồn còn lại ở xã Sró đang bị lâm tặc “xẻ thịt” từng ngày. Qua quan sát, hàng nghìn hộ dân đang sinh sống tại các làng (thuộc xã Sró) đều sử dụng nguồn nước chảy ra từ cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở làng Bya, xã Sró. Cuộc sống người dân nơi đây sẽ ra sao khi cánh rừng phòng hộ đầu nguồn này bị khai tử ?
Sau khi Tiền Phong đưa tin “Cận cảnh rừng gỗ dổi trăm tuổi gần UBND xã bị xẻ thịt”, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro báo cáo rằng, có 12 cây gỗ dổi bị cắt hạ (tổng khối lượng hơn 15m3, tại lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 805, xã Sró). Tuy nhiên, báo cáo này liệu đã chính xác với thực tế đang diễn ra tại cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở làng Bya? Bởi cách vị trí 12 cây dổi bị đốn hạ khoảng 1km, phóng viên báo Tiền Phong tiếp tục ghi nhận thêm một điểm rừng bị khai thác khác với nhiều thân gỗ khổng lồ bị cắt hạ, xẻ thành các bộ sập đắt tiền đã được vận chuyển ra bên ngoài. Nhiều thân gỗ khổng lồ tại hiện trường đã được ai đó đánh dấu “năm 2019”.
Thế nhưng, trong khi cuộc trao đổi trước đó với báo chí, ông Phan Thanh Vân (Chủ tịch UBND xã Sró) lại khẳng định rằng: Năm 2019, 2020 không có vụ án nào được khởi tố, chỉ bắt vài vụ vận chuyển lâm sản trái phép.
Ngay sau khi báo Tiền Phong phản ánh thông tin mới về vụ khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn xã Sró, ngày 16/3, UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã ra công văn chỉ đạo Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND huyện Kông Chro và các cơ quan có liên quan tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm vụ vi phạm theo quy định của pháp luật về vụ khai thác rừng trên. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai điều tra, làm rõ.
Vận chuyển trái phép gỗ giáng hương quý hiếm
Công an tỉnh Ðắk Lắk cho biết, đơn vị vừa chuyển giao cho Công an huyện Ea H’leo tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng trong vụ khai thác vận chuyển trái phép gỗ hương quý hiếm.
Trước đó, ngày 14/3, tại đoạn đường liên xã thuộc địa phận thôn 5, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo; Ðội chống buôn lậu (Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Ðắk Lắk) phát hiện xe ô tô BKS 47C-188.47 kéo theo rơ moóc BKS 47R- 000.98 do tài xế Huỳnh Quốc Oai (SN 1987, trú tại huyện Lắk) đang vận chuyển lâm sản có dấu hiệu nghi vấn. Tại thời điểm đó, trên xe có chở các cây gỗ hương và xoài rừng. Bước đầu, tài xế Oai khai nhận mình chở thuê cho Bùi Minh Hữu (SN 1972, trú tại TP Buôn Ma Thuột). Công an đã tiến hành xác minh đối với Bùi Minh Hữu.
Quá trình làm việc, Hữu cho biết, toàn bộ số cây gỗ trên được khai thác trên đất nông nghiệp của ông Lưu Xuân Dương, tại thôn 5, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, đồng thời, cung cấp cho cơ quan công an biên bản kiểm tra của đại diện UBND xã Ea Khal. Tuy nhiên, qua quá trình đo đạc và xác định tọa độ, toàn bộ số cây gỗ mà Bùi Minh Hữu khai thác không nằm trên thửa đất mà ông Lê Xuân Dương đã được cấp giấy chứng nhận. Cơ quan công an xác định tổng số gỗ mà Hữu khai thác và vận chuyển trái phép hơn 6 m3, trong đó có 3,7 729 m3 gỗ hương quý hiếm và 2,777 m3 gỗ xoài rừng.
VŨ LONG