Những bước chạy nước rút cuối cùng của Trump và Clinton

Clinton dành những ngày cuối cùng của mùa tranh cử để tập trung vào nhóm cử tri thiểu số còn Trump củng cố sức hút của mình với cử tri da trắng tầng lớp lao động.

Khi chiến dịch tranh cử đang tiến dần đến hồi kết, cả hai ứng viên đều có những bước chạy nước rút gấp gáp, nhắm đến các bang mà kết quả thăm dò đang sít sao trong những ngày gần đây, theo Washington Post.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton trong ngày 4/11 đến Pennsylvania và Michigan, hai bang mà bà liên tục dẫn trước ông Trump. Tại cuộc vận động ở Pittsburgh tại Pennsylvania, bà tập trung vào mối nguy hiểm mà "tổng thống Trump" sẽ đem đến cho đất nước và đề nghị những người ủng hộ tưởng tượng việc ông Trump phụ trách kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Donald Trump tại cuộc vận động ở Hershey, Pennsylvania ngày 4/11. Ảnh: Reuters.

"Hãy nghĩ xem tình hình sẽ ra sao nếu ủy thác các mã hạt nhân cho một người dễ nổi nóng và sẵn sàng đáp trả bất cứ ai thách thức ông ta", bà Clinton nói. "Hãy tưởng tượng xem Donald Trump sẽ dễ dàng cảm thấy bị sỉ nhục và bắt đầu một cuộc chiến tranh thực sự, chứ không phải là một cuộc đấu khẩu trên Twitter vào 3h sáng".

Bà Clinton kêu gọi những người ủng hộ khuyên giải bạn bè và người thân định bỏ phiếu cho ông Trump bằng cách giải thích với họ rằng "tức giận không phải là cách hay".

"Đôi khi số phận của quốc gia hùng mạnh nhất chỉ được quyết định bằng một thời điểm duy nhất", bà Clinton nói. "Đây là một trong những khoảnh khắc thành hay bại của Mỹ. Tất cả nằm trong tay các bạn".

Những ca sĩ nổi tiếng như Jay Z và Stevie Wonder cũng được mời đến biểu diễn trong các sự kiện vận động cuối cùng đầy hối hả của bà Clinton ở Cleveland và Philadelphia.

Trong khi đó, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục đến một loạt thị trấn nhỏ tại các vùng nông thôn, bao gồm Atkinson ở New Hampshire, Wilmington ở Ohio và Hershey ở Pennsylvania.

Bên cạnh việc nhắc nhở những người ủng hộ về các bê bối của bà Clinton, ông Trump tập trung vào lời hứa sẽ đem những công việc sản xuất "bị mất" trở lại, bảo vệ người dân khỏi điều ông mô tả là những người nhập cư trái phép nguy hiểm và hứa xóa bỏ tội phạm ở các thành phố lớn xa xôi.

"Đừng để các chuyên gia, các chính trị gia hay truyền thông rót vào tai các bạn rằng các bạn có kiểu đất nước như thế nào", ông Trump nói tại Wilmington. "Đừng để họ hạn chế những ước mơ của bạn bởi vì họ muốn làm điều đó. Bạn có thể có bất cứ tương lai nào bạn muốn".

Lịch trình vào những ngày cuối cùng của Trump và phó tướng Mike Pence thể hiện ông đang rất mong muốn giành chiến thắng tại các bang chiến trường đông dân như Florida và North Carolina, nơi ông Trump đến vận động trong ngày 6/11.

Các cố vấn của ông nghĩ rằng ông có thể giành được nhiều phiếu bầu từ cử tri da trắng nông thôn hơn nhiều so với ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney năm 2012 - điều mà họ cho rằng có thể bù đắp điểm yếu của ông với các cử tri ngoại thành ở các bang chiến trường.

Trong nỗ lực để giành lấy một bang miền trung tây nghiêng về phía đảng Dân chủ, ông Trump đến Wisconsin vào ngày 6/11, đây là bang mà chưa một ứng viên đảng Cộng hòa nào chiến thắng kể từ năm 1984. Nhiều cử tri da trắng lao động chân tay trong bang này đang hy vọng ông Trump có cơ hội thay đổi lịch sử tại đây.

Cử tri thiểu số

Mặc dù chỉ cần giữ lợi thế tại các bang đang dẫn trước là có thể giành chiến thắng, bà Clinton vẫn cố gắng giành những lá phiếu ở ngoài các bang đó, quan sát viên Robby Mook nhận định.

Trong khi ông Trump đang tập trung vào cử tri da trắng, bà Clinton chú ý đến cử tri thiểu số, đối tượng mà các cuộc thăm dò cho thấy nhiều khả năng ủng hộ mạnh mẽ cho bà.

Mook gọi đó là "liên minh Hillary" - những người Mỹ Latin, người gốc Á, gốc Phi, phụ nữ ngoại thành và các cử tri trẻ tuổi - nhóm đối tượng mà ông nói rằng đã có nhiều người đi bầu cử sớm tại các bang chiến trường.

Ông Mook tin rằng tổng số phiếu bầu sớm sẽ tạo thành "một bức tường lửa" trong ngày bầu cử, điều ông mô tả là "sự dẫn trước mà Donald Trump không có khả năng khắc phục".

Ông dẫn chứng một số bang mà bà Clinton dường như có lợi thế mạnh mẽ từ các cử tri đi bầu sớm, đặc biệt là nhóm người Latin, bao gồm Florida, Nevada và North Carolina.

Hillary Clinton tại cuộc vận động ở Michigan ngày 4/11. Ảnh: Reuters.

Tại Michigan ngày 4/11, bà Clinton cố gắng lấy lòng cử tri Mỹ gốc Phi, khi các cố vấn cho rằng ông Trump đang có lợi thế tại đây, vì đây là bang có nhiều người da trắng thuộc tầng lớp lao động - nhóm cử tri mạnh nhất của Trump.

Tại một cuộc vận động ở thành phố Detroit thuộc Michigan, bà Clinton chỉ trích ông Trump rằng ông miêu tả cuộc sống của người da màu là "tràn ngập tội ác, nghèo đói và sự tuyệt vọng". Quảng cáo cho chiến dịch của bà Clinton cũng lần đầu tiên được chiếu tại Michigan trong tuần này.

Ông Trump sẽ dành những ngày cuối của chiến dịch vận động để đến hai bang chiến trường ở miền tây là Colorado và Nevada. Ông cũng có kế hoạch vận động ở Iowa, bang mà ông có lợi thế trong các cuộc thăm dò những tháng gần đây.

Ông Trump dự kiến ​tổ chức cuộc vận động cuối cùng trước ngày bầu cử vào tối 7/11 ở New Hampshire, nơi ông đã giành được chiến thắng đầu tiên trong giai đoạn bầu cử sơ bộ.

Các cuộc thăm dò ý kiến chỉ ra rằng bà Clinton đã dẫn trước ở New Hampshire trong một thời gian dài, nhưng các cuộc khảo sát gần đây báo hiệu cử tri đang đổi chiều về phía ông Trump.

Ngày 7/11, ứng viên cấp phó của bà Clinton là ông Tim Kaine sẽ trở lại quê nhà Richmond để tập hợp các cử tri ở Virginia, nơi mà lợi thế dẫn trước của bà Clinton đã thu hẹp lại trong những tuần gần đây. Cùng ngày, Tổng thống Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Bill và Chelsea Clinton sẽ hợp lực xuất hiện ở Philadelphia để tạo cú hích cuối cùng cho bà Clinton.

"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng chúng tôi có được con số mà chúng tôi cần", quản lý chiến dịch của bà Clinton, John Podesta, nói.

Còn với ông Trump, ông dường như khá cô đơn trong những ngày này khi đảng Cộng hòa không cử những người có vai vế nhất đi hỗ trợ ông. Một số lãnh đạo đảng đã chối bỏ ông hoặc từ chối hậu thuẫn ông.

Ông Trump phần nào thừa nhận sự cô đơn của mình nhưng đồng thời cũng mỉa mai bà Clinton.

"Tôi chẳng cần phải mang theo J. Lo hay Jay Z - cách mà bà ấy dùng để lấy lòng mọi người", ông nói. "Chỉ có một mình tôi ở đây. Chỉ tôi mà thôi - không có guitar, không có đàn piano, không có gì khác".

Theo Theo VnExpress