Nhộn nhịp ngày rằm tháng bảy ở Lạng Sơn

TPO - Người xứ Lạng vốn coi trọng rằm tháng 7 âm lịch, có thể ăn to như tết nguyên đán nên trong 2 ngày (14 và 15 âm), mọi người đều nghỉ việc nhà nông; mổ gà, vịt cùng các loại hoa trái đặc sản cúng tổ tiên.  
Ngày rằm tháng 7 không thể thiếu món thịt lợn quay nhồi lá mác mật thơm nức *ảnh: Duy Chiến

Vịt, gà rất đắt hàng ở chợ Đông Kinh, TP Lạng Sơn với giá 90 nghìn đồng/kg đối với gà; còn vịt có giá 70 nghìn đồng/kg (ảnh chụp sáng 25/8)  *ảnh: Duy Chiến

Quả na đặc sản cũng được bán với giá rất "hữu nghị" 45 nghìn đồng/kg nên rất đắt hàng. Các mâm cỗ đều có loại quả này cúng tổ tiên  *ảnh: Duy Chiến

Bánh gai, bánh dậm là hai loại không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7 của người xứ Lạng. Bên cạnh việc dùng để ăn, một số gia đình còn mang ra chợ thành phố bán *ảnh: Duy Chiến
Người già, con trẻ đều nô nức gói bánh ăn rằm *ảnh: TL
Ngày rằm tháng 7 còn là ngày xóa tội vong nhân. Các gia đình sinh sống ở khu vực Pháo đài Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) tổ chức mâm cỗ cúng chúng sinh cho cán bộ, bộ đội nhà nhân dân đã tử nạn trong cuộc chiến ác liệt giữ pháo đài Đồng Đăng tháng 2 năm 1979  *ảnh: Duy Chiến

Đối với người Kinh sẽ ăn chính rằm (hôm nay, ngày 15 âm lịch); còn người Tày, Nùng tổ chức sớm hơn một ngày. Ngày này, cũng là ngày Vu Lan, ngày xá tội vong nhân nên các gia đình có mâm cơm cúng trước nhà cho những vong linh bơ vơ không gia đình, dân gian gọi là “cúng cô hồn”.

Nhiều nơi cúng hai mâm: Cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ và cúng chúng sinh ở sân trước nhà. Trong dịp này, họ thường làm bánh rậm (người Tày gọi là
Pẻng Tải), làm bún, thịt gà, vịt và ăn uống vui vẻ.

Để có những buổi gặp gỡ thịnh soạn, bên cạnh việc tự tay làm bánh trái thì ở các chợ phiên ở Lạng Sơn nhộn nhịp người đến mua, bán rất đông. Đắt hàng hơn cả là những đặc sản của người xứ Lạng như: Thịt lợn quay nhồi lá mác mật, quả na trắng thơm và những loại bánh không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7 là bánh gai, bánh dậm, bánh phồng phềnh.

Mọi nhà đều mời gọi người thân, bạn bè đến nhà để liên hoan, thụ lộc và giao lưu văn hóa văn nghệ sôi động, hữu nghị.

Ngày này, con gái, con rể đều trở về bên ngoại để biếu đôi vịt bầu cùng hoa trái, chai rượu. Người xứ Lạng gọi truyền thống này là “pây tái” (về Ngoại).