Nhờn luật

TP - Ba ngày sau khi Thông tư 11, cấm tổ chức tín dụng thực hiện cho vay vốn bằng vàng, phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng... đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác, có hiệu lực, nhiều ngân hàng thương mại đã chuyển hướng mở dịch vụ giữ hộ vàng cho dân.

> Vàng giảm mạnh ngày thứ hai liên tiếp

Ở đây, không dễ kiểm soát việc các NHTM tặng quà hoặc trích luôn cho khách hàng chút tiền (tương đương lãi suất), như từng xảy ra với việc vượt trần lãi suất huy động lâu nay.

Bản chất, đây vẫn là hình thức huy động vàng, chỉ đánh tráo tên gọi để không phạm vào điều cấm của quy định mới. Và đương nhiên, khi đã giữ vàng kiểu này, thì việc kiểm soát tổ chức tín dụng bán vàng lấy tiền ra nhằm cải thiện thanh khoản, cũng không dễ.

Xem ra, các biện pháp gần đây của NHNN đưa ra nhằm quản thị trường vàng vẫn chưa đạt được mục tiêu. Đầu tiên là việc cho phép nhóm “G5+1” (5 ngân hàng thương mại và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn) được phép huy động vàng trong dân, chuyển đổi một phần nhất định trong đó để tạo cung bình ổn thị trường tại những thời điểm cần thiết.

Khi đó cả nhóm “G5” được huy động và bán vàng miếng, nhằm bình ổn thị trường vàng, kéo giá vàng Việt Nam sát giá thế giới.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng không hiệu quả, vì sau khi nhóm “G5+1” hoạt động, nhiều thời điểm giá vàng trong nước vẫn chênh so với giá thế giới tới 3 triệu đồng/lượng.

Tới lúc này, người ta kỳ vọng vào Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực từ ngày 25-5. Nghị định này quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; NHNN tổ chức quản lý và sản xuất vàng miếng qua các hạn mức từng thời kỳ; cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán…

Quy định trên, được coi là “bùa hộ mệnh” để quản lý thị trường vàng, có thể giúp cơ quan quản lý có công cụ để điều tiết cung cầu. Tuy nhiên, nó vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt yếu là quyền lợi của người dân nắm giữ vàng.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, NHNN cũng đã có kế hoạch xây dựng đề án huy động vàng trong dân.

Khi đó Nhà nước nắm được vàng vật chất để làm công cụ can thiệp thị trường, còn người dân có chứng chỉ vàng để làm vốn quay vòng. Nhưng tới nay đề án này vẫn chưa xong dự thảo.

Với những biện pháp quản lý giật cục, không đồng bộ, nó dễ gây tâm lý hoang mang cho những người chịu sự điều chỉnh chính sách hơn là ổn định tâm lý và thiết lập kỷ cương thị trường. Khi đó, các quy định mới dễ bị lách luật, tất yếu dẫn tới tình trạng nhờn luật.

Theo Báo giấy