Tôi biết Mai Nam từ những năm chiến tranh chống Mỹ khi ông là phóng viên ảnh nổi danh của báo Tiền Phong. Năm 1966 ông có bức ảnh Chạy đâu cho thoát được đăng nhiều báo. Trong ảnh này người ta thấy một chiếc máy bay Mỹ bốc cháy đang lao xuống đất, một chiếc dù nhỏ của phi công bung ra lơ lửng ở phía xa, một dân quân đang chạy tới hướng máy bay rơi...
Bức ảnh chụp vào ngày ông lên thăm vợ sơ tán ở Vĩnh Yên. Bố cục ảnh rất chặt chẽ, lời chú thích và hình ảnh ăn khớp nhau, thật hoàn hảo. Sự hoàn hảo đó đã đưa bức ảnh tới giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam, như tín hiệu kích thích nhiều tay máy những năm đó say sưa săn lùng máy bay Mỹ rơi, và thèm khát một thời điểm vàng, góc độ vàng. Nhưng nhiều người chụp được máy bay thì không thấy phi công đâu. Khi chụp được người bắt phi công thì nào có thu được máy bay bốc cháy. Đến lúc kết thúc chiến tranh, tấm ảnh Chạy đâu cho thoát vẫn là độc nhất vô nhị!
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mai Nam và con trai - nhà báo Hồng Vĩnh.
Đi trực chiến là cô dân quân Nguyễn Thị Hiền ở Nam Ngạn Thanh Hóa, điển hình cho phụ nữ “ba đảm đang” lúc đó. Đầu đội nón, vai đeo súng trễ tới hông, bước đi vững chãi. Đôi mắt quay lại nhìn qua vai phải... Trông khỏe khoắn đầy sức sống.
Vào tháng 9/2014, khi Mai Nam giới thiệu bức ảnh này và những ảnh khác của ông tại Trung tâm Triển lãm ảnh Báo chí Quốc tế ở Perpignan, Pháp, công chúng Pháp hỏi: “Sao ảnh của ông và các bạn Việt Nam bày ở đây nhiều phụ nữ tham chiến thế, và lại có nhiều nụ cười như vậy”, Mai Nam hóm hỉnh trả lời: “Tôi là phóng viên báo
Tiền Phong, đối tượng thể hiện của tôi là thanh niên. Họ luôn lạc quan, tin tưởng mình sẽ chiến thắng. Các bạn biết đấy, nam thanh niên ra chiến trường, còn lại ở hậu phương là phụ nữ, sản xuất và chiến đấu. Hơn nữa tôi rất yêu phụ nữ, họ là điểm tựa của mọi chiến thắng...”.
Cảnh giác là bức ảnh tình cờ ông chụp tại trận địa pháo cao xạ ngoại vi Hà Nội. Một con gà mẹ rỉa mồi cho đàn con đang nhặt cơm vụn dưới chân ụ pháo. Phía sau là mấy chiến sĩ đang đọc báo. Đây là lúc yên tĩnh trực chiến, không có báo động, nhưng vẫn “cảnh giác”, chờ địch!
Ngày nay chúng ta khó mà hình dung ra cảnh tượng “ta đánh giặc trên mâm pháo”. Và vì sao lại có gà trên trận địa? Đó là bởi đơn vị nào khi ấy cũng trồng rau và nuôi gia súc để cải thiện. Khi chuyển trận địa thì vật nuôi được mang theo. Cái mục đích “thực dụng” ấy nhà báo nào đi cùng bộ đội đều biết. Nhưng với Mai Nam, lại trở thành một hình tượng đẹp, một tứ thơ hay của sự bình thản và yêu hòa bình.
Tác phẩm Cảnh giác của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mai Nam.
Trên dòng suối nhỏ giữa thành phố Perpignan, Pháp, bức ảnh Nữ dân quân sẵn sàng chiến đấu của Mai Nam được phóng to căng qua suối. Bức ảnh này cùng với 3 ảnh của 3 tác giả Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm được căng lên như vậy làm tâm điểm của liên hoan ảnh. Hình ảnh mấy cô dân quân vùng duyên hải Bắc Bộ mặc quần thâm áo cánh, tay lăm lăm cây súng trường với chiếc thuyền buồm sang sông, thật hiếm và xa lạ. Nó không chỉ lạ với người Pháp, mà cũng lạ với các bạn trẻ hôm nay. Những con người và vũ khí thô sơ ấy dám chọi lại máy bay phản lực của Hoa Kỳ quả là kỳ lạ và phi thường.
Ông Patrick Chauvan - phóng viên ảnh kỳ cựu người Pháp, từng có mặt ở Việt Nam nhiều năm trong chiến tranh, người có ý tưởng và thực hiện đề án về Liên hoan ảnh với sự có góp mặt của các phóng viên chiến trường Việt Nam đã gặp Mai Nam và các nhân vật trong ảnh.
Bà Nguyễn Thị Hiền - cô nữ dân quân Nam Ngạn ngày xưa, tiếp Patrick Chauvan ở quê mình. Patrick ngỡ ngàng chứng kiến Mai Nam gặp lại nhân vật của mình như về với người em trong gia đình. Và ông quyết định lấy bức ảnh Đi trực chiến làm bìa cuốn sách Người miền Bắc. Những bức anh của Mai Nam và ba tác giả Việt Nam một lần nữa lại được Trung tâm Văn hóa Pháp trưng bày tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
Đó là những bức ảnh để đời của Mai Nam, trong đó Đi trực chiến, Chạy đâu cho thoát và Cảnh giác đã giúp ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Còn sự nghiệp nhiếp ảnh của ông trải dài hơn 50 năm qua rất đa dạng và phong phú. Ông có tới hàng chục giải thưởng ảnh ở trong nước và quốc tế, mở nhiều triển lãm ảnh cá nhân, đặc biệt là triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong triển lãm này có nhiều bức chân dung về Bác rất đẹp. Sau chiến tranh, ông cũng cho ra một cuốn sách ảnh dày dặn: Một thời hào hùng phản ánh sinh động về nhân dân miền Bắc, nhất là thanh niên- lực lượng chủ lực chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Lòng yêu nghề thúc giục ông hăng hái tham gia công tác của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông từng là Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông được tặng nhiều giải thưởng nhiếp ảnh ở trong nước và quốc tế.
Đồng nghiệp yêu mến ông ở lòng đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, ở sự mở lòng nghề nghiệp với mọi người. Ông là một trong những người ở Hà Nội đi đầu thử nghiệm làm ảnh màu trong điều kiện thiếu phương tiện, không có máy lạnh tráng phim, in ảnh. Lớp trẻ yêu mến ông ở sự hồn nhiên, cởi mở, nhớ và yêu cả những vấp váp của ông khi sớm đi vào lĩnh vực ảnh. Trong khi những người quản lý văn hóa còn quan niệm nặng nề về thể loại nghệ thuật này.
Nhớ Mai Nam là nhớ một nghệ sĩ để lại nhiều tấm ảnh giá trị cho nền nhiếp ảnh Việt Nam, để lại tình cảm đầm ấm cho người xem, bạn bè và đồng nghiệp.
NSNA Mai Nam sinh 1931, là phóng viên báo Tiền Phong từ ngày đầu thành lập. Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, tước hiệu EVAPA tức Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Xuất sắc; Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật khóa 3, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khóa 4, Ủy viên Ban thường vụ Hội NSNA Việt Nam khóa 2, 3. Trong sự nghiệp của mình, NSNA Mai Nam từng chụp 200 ảnh Bác Hồ và nhiều tác phẩm nổi tiếng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.