Trước phiên họp toàn thể diễn ra vào sáng 10/9, các đại biểu thiếu nhi được lựa chọn tham gia Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023 đã chia sẻ cảm xúc, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.
Phòng chống bạo lực trên môi trường mạng
Phạm Nguyễn Gia Hân, học sinh lớp 8/10, trường THCS Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội đồng trẻ em của trường, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trẻ em Quận Liên Chiểu.
Gia Hân đã hoàn thành xuất sắc học tập và rèn luyện trong 8 năm liền; 2 năm liền đạt danh hiệu cán bộ Đội xuất sắc nhất của Khối; đạt danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” toàn quốc năm 2023; đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc toàn diện của TP Đà Nẵng.
Chia sẻ cảm xúc khi trở thành đại biểu Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử, Gia Hân không giấu được niềm vinh dự, tự hào, cũng như trách nhiệm lớn lao của mình.
Gia Hân cho rằng, bản thân phải có trách nhiệm đem tiếng nói của các bạn ở địa phương nơi mình sinh sống nói riêng và trẻ em toàn quốc nói chung đến với các bác lãnh đạo tại một diễn đàn Quốc hội để được lắng nghe, chia sẻ, từ đó có những giải pháp hữu hiệu mang đến một môi trường phát triển an toàn, lành mạnh và tốt hơn.
Theo Gia Hân, bạo lực trên không gian mạng là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Thực tế, hiện có rất nhiều trẻ em đã và đang bị tấn công, bạo lực trên không gian mạng. Ngay tại trường của Gia Hân có một bạn học sinh giỏi đang là nạn nhân của tình trạng này.
Hân kể, bạn đó bị add vào một group anti trên mạng, hàng ngày phải đọc những tin nhắn chửi bới xúc phạm mình một cách thậm tệ. Những lời xúc phạm của group anti đã đẩy bạn ấy rơi vào hoảng loạn, trầm cảm đến mức muốn kết liễu cuộc đời. May mắn, người bạn đó được tổ tư vấn tâm lý học đường trong trường can thiệp, hỗ trợ kịp thời nên dần lấy lại thăng bằng.
Tuy nhiên, theo Hân, tổ tư vấn tâm lý học đường hiện chưa phổ biến ở nhiều nơi nên nhiều học sinh là nạn nhân của bạo lực mạng vẫn cô đơn chống chọi một mình.
Nữ sinh Đà Nẵng đề xuất, để hỗ trợ các bạn khỏi bạo lực mạng cần có thêm những quy định, luật mới xử lý nghiêm ngặt hành vi bạo lực trên mạng, cũng như tội phạm gây rối trật tự trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, Nhà nước, các cấp, bộ, ngành, nhà trường có thể phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các ứng dụng, trang web, mở ra những trung tâm tư vấn tâm lý học đường, để đồng hành hỗ trợ kịp thời trẻ em thoát khỏi thông tin tiêu cực, bạo lực mạng, để có được một môi trường phát triển thực sự an toàn, lành mạnh.
Không ai hiểu vấn đề trẻ em hơn chính các em
Bùi Thị Quỳnh Chi, học sinh lớp 9C, trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh, hiện là Liên đội phó của trường. Quỳnh Chi từng tham gia rất nhiều chương trình, hoạt động, làm MC - dẫn các chương trình thiếu nhi, như: Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Hà Tĩnh, Ngày hội thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn, Ngày hội điều em muốn nói ra mắt Câu lạc bộ Tư vấn trẻ em… Quỳnh Chi từng đoạt giải Nhất Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022, giải thưởng Kim Đồng.
Quỳnh Chi cho rằng, Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em là nơi mà trẻ em có thể nói lên tiếng nói của mình, vì không ai hiểu vấn đề trẻ em hơn chính các em.
Tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, Quỳnh Chi được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ 3. Chi cho biết, bản thân lắng nghe, trao đổi ý kiến từ các bạn trong tổ và tổng hợp ý kiến các bạn ở địa phương nơi em ở, nhằm có cái nhìn khách quan nhất về những vấn đề mà trẻ em đang gặp phải và đưa ra giải pháp.
Điều Quỳnh Chi quan tâm điều nhất là phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Bởi bản thân Quỳnh Chi từng có những người bạn tâm sự với mình về việc bị xâm hại rất đau lòng.
Theo Quỳnh Chi, phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em cần có sự quan tâm của toàn xã hội, hệ thống chính trị chứ không riêng ban ngành, đoàn thể nào. Vì vậy, đến với Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, Quỳnh Chi sẽ cùng với các bạn đề xuất, kiến nghị các giải pháp thiết thực nhất để từ đó các bác lãnh đạo, Quốc hội, bộ, ngành tiếp thu, giúp đỡ tạo môi trường an toàn lành mạnh nhất cho trẻ em sinh sống, học tập và phát triển.
Tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng
Võ Minh Quân, học sinh lớp 8A, trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Lâm Đồng) chia sẻ niềm vui nhân đôi, khi trở thành đại biểu Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em và cũng là lần đầu tiên được đặt chân đến Thủ đô Hà Nội – điều em mong ước bấy lâu.
Minh Quân chia sẻ, rất vui mừng vì ở Việt Nam có được một phiên họp giả định Quốc hội trẻ em rất ý nghĩa nhằm tạo không gian, môi trường cho trẻ được nói lên tiếng nói của mình, được lắng nghe và giải đáp những thắc mắc. Nam sinh đến từ Lâm Đồng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến chủ đề bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Theo Quân, hiện có một bộ phận học sinh sử dụng mạng internet một cách tiêu cực, khi thường xuyên đọc, chia sẻ những nội dung, hình ảnh không lành mạnh, trong sáng, thậm chí xúc phạm, cãi nhau trên mạng. Mặc dù đã có những quy định, điều luật về sử dụng mạng, nhưng những hành vi lệch chuẩn, thông tin xấu xuất hiện trên mạng ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em.
Vì thế, qua Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, Minh Quân gửi thông điệp đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cha mẹ, thầy cô giáo quan tâm đến học sinh hơn để các em tương tác an toàn trên mạng. Bên cạnh đó, nhà trường có thêm các tiết học giảng dạy học sinh sử dụng mạng an toàn.
Trong hai ngày 9 - 10/9, tại Hà Nội, diễn ra phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I năm 2023, với sự tham dự của 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu và 64 đại biểu phụ trách Đội trên toàn quốc. Phiên họp toàn thể Quốc hội trẻ em (do trẻ em điều hành), diễn ra vào sáng 10/9, tại hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội.