Nhiều sinh viên từ chối làm luận văn tốt nghiệp
> Sinh viên năm cuối lo “sốt vó” với chuẩn đầu ra mới
> Khẳng định chất lượng giáo dục tư thục
Ngày càng nhiều sinh viên không còn hào hứng với vinh dự được chọn làm luận văn tốt nghiệp như trước kia nữa.
Thi hay làm luận văn?
Chọn làm luận văn hay thi tốt nghiệp luôn là chủ đề nóng của sinh viên (SV) các trường trong thời điểm gần đây.
N. là SV năm cuối ngành tài chính - ngân hàng (khóa 2010 - 2014) của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Mặc dù nằm trong số ít SV được chọn làm luận văn tốt nghiệp, N. và một số SV trong lớp đã từ chối làm. Lý do là dù luận văn có được 10 điểm, điểm trung bình cuối năm của họ vẫn không đạt được mức giỏi. Trong khi đó, làm luận văn tốt nghiệp phải mất nhiều công sức, thời gian hơn rất nhiều so với thi tốt nghiệp.
An, SV khóa 2008 - 2011 Trường ĐH Văn Lang, cho biết khi An được chọn vào danh sách đủ điều kiện làm luận văn tốt nghiệp, có rất nhiều người khuyên An nên chọn thi tốt nghiệp vì tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, không quá căng thẳng...
Chủ đề “SV nên thi hay làm khóa luận?” trên diễn đàn SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM gần đây thu hút rất nhiều ý kiến tranh luận. Hàng chục SV đã góp ý kiến và tranh luận rất sôi nổi. Nhiều người khuyên nên làm luận văn vì sau này hồ sơ xin việc sẽ có giá trị hơn. Số khác cho rằng nên thi vì kiến thức phần học này có ích khi đi làm.
Tín chỉ hạn chế luận văn?
Theo PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, trường cũng có nhiều SV được chọn làm luận văn tốt nghiệp nhưng từ chối. Do học tín chỉ nên quy định của trường là luận văn cũng như một cách tích lũy tín chỉ đủ để tốt nghiệp. Nếu SV không làm thì học thêm 10 tín chỉ (tương đương 3 môn học chuyên đề tốt nghiệp) cung cấp kiến thức thực tế để đi làm. PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho biết có nhiều SV hiện nay không tha thiết làm luận văn nữa. “Nhiều em từ chối làm để tập trung học hoàn thành tín chỉ”, ông Ngãi thông tin.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết ở một số trường, SV từ chối làm luận văn có lẽ xuất phát ở chỗ coi luận văn của học chế tín chỉ giống như niên chế. Nghĩa là các thầy vẫn giao khối lượng làm việc quá nặng so với sức SV khiến SV bị “khớp”, sợ không đủ thời gian hoàn thành. “Nhiều năm trước, lúc mới chuyển sang học chế tín chỉ, ở trường cũng xảy ra chuyện SV ngại làm luận văn mà chọn học để hoàn thành tín chỉ. Sau đó trường phải tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến, tuyên truyền xem luận văn như đồ án để hoàn thành tốt nghiệp thôi, sao cho vừa sức SV. Vì vậy, hiện nay SV của trường lại… thích làm luận văn hơn”, ông Dũng thông tin.
Mất dần sáng tạo
Nhiều SV không muốn làm luận văn, đồ án tốt nghiệp vì không thấy… hứng thú. Với nhiều SV, luận văn giống như một tác phẩm, công trình khoa học đầu tiên nên phải có gì sáng tạo, mới mẻ nhưng với cách thức thực giao - nhận đề tài tốt nghiệp hiện nay, những điều này không còn nữa.
Công thức mà nhiều trường áp dụng trong việc làm luận văn/đồ án tốt nghiệp cho SV là các khoa chỉ định người hướng dẫn, sau đó giảng viên đưa đề tài của mình ra cho SV chọn. Xác suất SV tự đưa đề tài để giảng viên đồng ý rất thấp. Theo phó hiệu trưởng một trường CĐ, đa số giảng viên phải hướng dẫn rất nhiều SV làm luận văn cả bên trong và bên ngoài trường nên khi thấy đề tài mới thì ngại hướng dẫn. Từ đó, các giảng viên “áp” SV làm đề tài của mình đưa ra cho chắc chắn và nhẹ nhàng.
Hơn nữa, không phải lúc nào SV cũng có nhiều đề tài lựa chọn. Chưa kể chỉ có bao nhiêu vấn đề mà đã được “cày xới” nhiều năm qua nên đã quá cũ, SV không được sáng tạo trong việc tìm tòi khiến không hào hứng khi thực hiện luận văn/đồ án.
Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH, tình trạng này là do các trường thiếu giảng viên cơ hữu. Một người phải hướng dẫn quá nhiều SV, trong khi để giúp SV hoàn thành tốt luận văn, giảng viên phải bỏ ra rất nhiều công sức. Nếu SV đề nghị làm đề tài mới, giảng viên cũng phải tìm hiểu để hướng dẫn, vì vậy giảng viên thích đưa SV đề tài đã có sẵn tài liệu và mình nắm rõ. Tại Khoa Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thống kê cho thấy trong giai đoạn từ 2003 - 2011 có hơn 1.200 SV tốt nghiệp tất cả các hệ. Trong khi đó, số lượng giảng viên của khoa chỉ có bình quân 30 người. Như vậy, một năm mỗi giảng viên phải hướng dẫn khoảng 45 SV làm luận văn.
Chủ yếu là sao - chép
Thiếu đề tài, ít giảng viên dẫn đến hệ quả phần lớn các luận văn tốt nghiệp hiện nay chủ yếu là sao - chép. Các trang web như luanvan.co, tailieu.vn, luanvan.net.vn... công khai bán hàng ngàn luận văn/đồ án. Chỉ cần chọn đề tài, chuyển tiền, trong vài phút SV có thể tải về sử dụng. Mỗi đề tài chỉ tốn khoảng 100.000 đồng. SV chỉ cần sửa chữa, gia cố lại là đã có bản hoàn chỉnh cho mình.
Tệ hơn, giờ đây SV xem chuyện sao - chép luận văn là chuyện bình thường. Khảo sát về hiện tượng đạo văn trong SV qua đề tài “Vấn đề đạo văn trong SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và hướng giải pháp” của nhóm QT 789 cho thấy có đến 58% SV cho rằng đó là chuyện bình thường. Trong đó, tỷ lệ SV từng đạo văn là 75%.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Dưỡng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, cho biết qua kinh nghiệm hướng dẫn SV làm khóa luận, có thể thấy việc sao - chép đề tài xảy ra rất phổ biến. Giảng viên hướng dẫn chỉ có thể xem xét ở cấu trúc chứ sao chép tinh vi, lắp ghép từ nhiều đề tài thì không dễ gì phát hiện được. PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi khẳng định hiện tượng sao - chép phổ biến trong SV hiện nay. “SV sao chép thì thầy giáo hướng dẫn, tiểu ban chuyên môn chấm khóa luận hầu như không thể giám sát được. Chỉ may mắn mới có thể phát hiện. Có lần chúng tôi tình cờ phát hiện một trường hợp vì SV bảo vệ ngay đề tài của một SV khóa trước đã được giảng viên phản biện hướng dẫn trước đó. SV này chỉ thay đổi thông tin năm thực hiện. Luận văn tốt nghiệp giá trị khoa học đã thấp, thêm sao chép, cóp nhặt nữa thì không còn chút gì là sáng tạo”, ông Ngãi nói.
Theo Đăng Nguyên
Thanh Niên