“Cuộc chiến” thị phần SGK mới - Kỳ cuối:

Nhiều sách giáo khoa là cơ hội đổi mới?

TP - Bộ GD&ĐT nên để xã hội lo xuất bản sách giáo khoa. Trách nhiệm của Bộ là ban hành chương trình.
SGK là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, do vậy Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ Ảnh : Như Ý

Vừa qua, Tiền Phong có loạt bài liên quan tới thị trường SGK mới đầy tính cạnh tranh sắp tới. Xung quanh vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Thưa ông, sắp tới sẽ thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK theo Nghị quyết của Quốc hội, vậy vai trò quản lý của Bộ GD&ĐT đối với vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Thành

Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông quy định mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của từng môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp học và mỗi cấp học; định hướng kế hoạch dạy học từng môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học; phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của từng môn học; điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Thực hiện vai trò quản lí nhà nước về SGK giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành Thông tư số 33 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Căn cứ Thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có thể biên soạn SGK. Nếu được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá “Đạt” sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng.

Bộ cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông để các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động lựa chọn SGK theo nhu cầu của học sinh và phù hợp với điều kiện dạy học thực tế của nhà trường. Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc lựa chọn, sử dụng SGK.

So với công tác quản lý một chương trình, một bộ SGK như hiện nay thì thời gian tới, khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, công tác quản lý của Bộ GD&ĐT sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; kiến thức được lựa chọn đưa vào chương trình đóng vai trò là “nguyên liệu” để học sinh tiếp nhận và sử dụng để phát triển năng lực theo mục tiêu của chương trình. Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu: “SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học.”

Thực hiện theo Nghị quyết số 88, nếu có nhiều SGK thể hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh sẽ thuận lợi trong việc quản lí thực hiện chương trình, bảo đảm việc dạy học không truyền thụ kiến thức một chiều mà tập trung vào thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để phát triển năng lực.

Khó khăn, thách thức nhưng cũng lại là cơ hội để đổi mới trong việc quản lí thực hiện chương trình ở khâu kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Khi có nhiều SGK thì việc kiểm tra, đánh giá, thi phải bảo đảm việc không yêu cầu ghi nhớ, tái hiện thông tin, kiến thức mà tập trung vào đánh giá năng lực học sinh để phù hợp với các SGK khác nhau.

Việc cho phép những người biên soạn chương trình được tham gia viết SGK khi công việc biên soạn chương trình đã kết thúc có phải là một hình thức “vừa đá bóng vừa thổi còi” không, thưa ông?

SGK cụ thể hoá yêu cầu của chương trình nên sau khi chương trình đã được phê duyệt thì những người đủ tiêu chuẩn theo quy định đều có thể tham gia biên soạn SGK, không ngoại trừ người đã tham gia biên soạn chương trình tiếp tục tham gia viết SGK. Một khi chương trình đã được ban hành sẽ bảo đảm bình đẳng đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.

Hơn nữa SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xếp loại “Đạt” mới được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng. Như vậy, một người đã tham gia biên soạn chương trình tiếp tục tham gia viết SGK không thể xem là “vừa đá bóng vừa thổi còi” bởi việc biên soạn cả chương trình và SGK đều phải thực hiện theo quy định của Bộ (theo 2 Thông tư riêng là Thông tư 14 và Thông tư 33).

Xin cảm ơn ông!

Vì sao Bộ GD&ĐT vẫn biên soạn một bộ SGK mới

Nghị quyết 88 của Quốc hội khẳng định với chương trình giáo dục phổ thông mới, Việt Nam thực hiện một chương trình nhiều SGK. Tuy nhiên, Nghị quyết vẫn yêu cầu Bộ GD&ĐT phải biên soạn 1 bộ SGK hoàn chỉnh. Vậy điều này có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của thị trường SGK thời gian tới?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội  cho biết: Thứ nhất là quy định nhiều SGK, không phải nhiều bộ SGK. Vì để ban hành 1 bộ SGK hoàn chỉnh là công việc rất phức tạp đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì vậy nên viết một môn, nhiều môn tùy theo điều kiện của các tác giả, nhóm tác giả. 

Thứ hai yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn 1 bộ SGK dùng chung, phổ cập trong trường hợp xã hội hóa không được nhiều, là để vẫn đảm bảo được việc dạy học. Không có gì đảm bảo đến giờ G thực hiện chúng ta có đủ SGK cho học sinh toàn quốc. Do đó, bộ SGK của Bộ phải đảm bảo hai yếu tố tiến độ và chất lượng.

“Về lâu dài thì Bộ nên để xã hội lo xuất bản SGK. Trách nhiệm của Bộ là ban hành chương trình.  Chỉ giai đoạn đầu tiên chuyển đổi phải đảm bảo có SGK cho học sinh học tập thì Bộ mới tham gia xuất bản SGK” - ông Thắng nói.

Mặt khác, cũng theo ông Thắng, tuy thị trường sẽ điều tiết nhưng SGK vẫn là một loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm quản lý đối với mặt hàng đặc biệt này.

N.H