Trong hội thảo 'Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng - Thực trạng và giải pháp" diễn ra tại Hà Nội ngày 26/11, Viện nghiên cứu Y - Xã hội phối hợp với tổ chức từ thiện Plan Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu về bạo lực giới trong trường học. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9/2014 với 3.000 học sinh của 30 trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, sử dụng phương pháp bảng hỏi và phỏng vấn sâu.
Kết quả, khoảng 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong vòng 6 tháng qua. Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục...) chiếm tỷ lệ cao nhất 73%, bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập...) là 41% và bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ, hôn, hiếp dâm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục...) chiếm 19%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh nam ở cả hai cấp THCS, THPT phải đối mặt với tần suất khá cao bạo lực thể chất tinh thần khi ở trường hay trên đường đi học về. Trong khi đó, nữ sinh THPT lại thường bị xâm hại và quấy rối tình dục, chủ yếu trên đường đi học/về nhà. Bạo lực thể chất xảy ra với học sinh THCS (50%) nhiều hơn THPT (25%).
Mức độ an toàn ở nhà trường được các em đánh giá rất thấp, chỉ 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cho rằng luôn luôn an toàn trong khuôn viên trường học. Nhà vệ sinh được coi là nơi kém an toàn nhất do giáo viên khó quản lý và học sinh đôi khi đi nhầm bên, ném đồ của bạn sang phòng khác giới...
Đối tượng gây ra bạo lực học đường, theo nghiên cứu, chủ yếu là học sinh, đôi khi là nhân viên trường học và giáo viên. Trên 31% giáo viên nam (trong tổng số 461 chủ nhiệm của 20 trường phổ thông Hà Nội) cho rằng, có thể chấp nhận việc giáo viên trừng phạt về thân thể và tinh thần như đánh, tát, mắng... với học sinh trong một số tình huống nhất định.
Trao đổi với VnExpress, cô Đỗ Thị Thu Hồng, Hiệu phó trường THCS Vạn Thắng (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, tình trạng bạo lực trong trường mình vẫn tồn tại nhưng đã giảm so với năm trước. "Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi ghi nhận khoảng 15 trường hợp bạo lực tại trường. Trong đó, chủ yếu là bạo lực thân thể như gây gổ, xô xát hoặc bạo lực tinh thần như đe dọa lẫn nhau. Lý do, đôi khi chỉ đơn giản vì 'nhìn ngứa mắt quá", cô Hồng nói.
Vị hiệu phó này cũng chia sẻ, trước đây khá phổ biến tình trạng giáo viên, lãnh đạo nhà trường có hành vi bạo lực với học sinh như mắng, phạt... Điều này do thầy cô chưa có hiểu biết về bạo lực nên vô tình mắc phải. Sau khi được chia sẻ kiến thức từ dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng", các giáo viên trong trường Vạn Thắng đã thay đổi cách làm, thường sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực hơn bắt phạt, đe dọa.
Một học sinh THPT tham dự hội thảo cũng cho biết thêm, ở trường của em, tình trạng đánh nhau không còn nhiều nhưng vấn đề quấy rối tình dục với học sinh nữ lại khá phổ biến. Bản thân học sinh này có một thời gian nhận được những tin nhắn gạ gẫm tình cảm từ một nam sinh khác. Sau khi bị làm phiền quá nhiều, em này phải nhờ đến sự can thiệp từ anh họ. Trước đó, nữ sinh cấp ba này từng bị đe dọa bằng lời nói và bị "dằn mặt" vì nữ sinh khác ghen tuông.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống nhận xét, so với những năm trước, tình trạng bạo lực học đường đã giảm đáng kể. Theo nghiên cứu của Plan, khái niệm bạo lực đã vượt qua cả quan niệm xưa nay. Bạo lực không chỉ là đánh đấm, mà mở rộng ra cả hành vi đe dọa, mắng chửi, đặt điều... gây tổn hại tinh thần. Dù với thước đo nào, Phó giám đốc Thống cho rằng việc ngăn chặn hành vi bạo lực trong trường học, bạo lực giới với học sinh là cần thiết, cần sự chung tay của cả nhà trường, phụ huynh, học sinh, các ban ngành.
"Từ năm 2008, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện lời kêu gọi 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực' và đã cải thiện được đáng kể mối quan hệ giữa thầy - trò, học sinh với nhau. Sở đã đào tạo một đội ngũ lãnh đạo trẻ ở mỗi trường để đấu tranh với hành vi bạo lực. Các trường học cũng có phòng tư vấn để học sinh thoải mái chia sẻ bức xúc, mâu thuẫn của mình. Đây không phải mô hình mới, trước đã có trường thực hiện và mang lại hiệu quả đáng kể", ông Thống nói.
Theo Quỳnh Trang