Hỗ trợ vốn và việc làm cho thanh niên
Chị Nguyễn Hồng Thắm, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau cho biết, việc Ban Bí thư Trung ương Đoàn duy trì chương trình đối thoại với đoàn viên thanh niên nhân dịp tháng 3 – Tháng Thanh niên và trước thềm kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hằng năm là một trong những hoạt động rất ý nghĩa và cần thiết.
Với cá nhân cũng là một người làm Đoàn, bản thân có nhiều trăn trở cũng như mong muốn để công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi của hệ thống nói chung, địa phương nói riêng luôn tạo được bền vững từ các phong trào.
Vào 14h00, ngày 25/3, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn sẽ đối thoại với đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước, với chủ đề “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên”.
Theo chị Thắm, câu chuyện cũ nhưng luôn mới đối với thanh niên khu vực ĐBSCL đó là việc làm và nguồn vốn. Nhiều thanh niên là trụ cột gia đình, nếu không tạo ra được nguồn thu nhập thì kinh tế gia đình sẽ rất khó khăn, thêm gánh nặng. Thực tế Cà Mau không có nhiều khu công nghiệp, đối với thanh niên không có đất đai canh tác hoặc có nhưng thất mùa, muốn tìm một việc làm ổn định rất khó khăn, buộc họ phải đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ để làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Đó là tất yếu và thời gian qua đã và đang diễn ra.
Chính điều này gây khó cho tổ chức Đoàn trong việc đoàn kết tập hợp thanh niên. Nếu như muốn giữ chân thanh niên sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế tại địa phương thì phải cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ vốn và việc làm. Ngoài việc “tự thân vận động” thì thanh niên cũng rất cần sự tương tác và giúp vốn.
Thời gian qua, Đoàn thanh niên tỉnh đã phát động chương trình xây dựng nguồn vốn giúp nhau khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng thời một số Huyện, Thành đoàn đã gầy dựng được. Tuy nhiên, nguồn vốn còn khiêm tốn. Đó là chưa đề cập đến việc số thanh niên lao động từ các tỉnh về lại địa phương từ đợt dịch cuối năm 2021, một số không trở lại các nhà máy, xí nghiệp nhưng ở lại gia đình, mất việc làm trong khi chúng ta vẫn chưa phục hồi như ban đầu.
Với thực tế này, hiện nay Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng đã và đang xây dựng nhiều hoạch định. Tuy nhiên, để tháo gỡ dần và mang tính bền vững, ngoài sự nỗ lực của hệ thống Đoàn - Hội từng địa phương, tôi mong muốn và đề xuất Trung ương Đoàn, Trung ương Hội nghiên cứu gắn kết thật nhiều nguồn lực về vốn; đồng thời có cơ chế ưu đãi riêng cho đoàn viên thanh niên vay và đặc biệt là, các nguồn này phải dễ tiếp cận.
Quan tâm, hỗ trợ người yếu thế
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm bị khuyết tật 1 chân sau biến cố tai nạn giao thông. Hiện tại cô là Phó Bí thư Đoàn trường, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam trường THPT Thiên Hộ Dương, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nói rằng, thời gian qua, tổ chức Đoàn – Hội các cấp đã tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động dành cho thanh niên yếu thế cơ hội phát triển với mong muốn cổ vũ, khuyến khích, tiếp thêm niềm tin, nghị lực và khát vọng vươn lên cho các bạn này vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống. Qua đó, đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên yếu thế, đặc biệt là thanh niên khuyết tật có cơ hội phát huy tốt năng khiếu, thế mạnh của bản thân, phấn đấu học nghề, hoà nhập vào cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, một cách bền vững, mang lại sự lan toả mạnh mẽ, rộng rãi trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, thực tế cuộc sống đối với thanh niên yếu thế còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ về vốn, tư vấn hay ưu tiên khi người khuyết tật mở doanh nghiệp xã hội. Doanh nghiệp ấy vừa là nơi tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế vừa tận dụng nguồn đặc sản, thế mạnh của địa phương. Đồng thời có thể kết nối, giới thiệu, hướng dẫn cho người khuyết tật muốn mở doanh nghiệp xã hội với những tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội.
Ngoài ra, thành lập Câu lạc bộ “Gương sáng” mà ở đó là tập hợp các bạn khuyết tật nổi bật trong việc học tập và làm theo lời Bác. Người khuyết tật ấy sống chẳng những tích cực, lạc quan mà còn là tấm gương về rèn luyện sức khỏe, không ngừng học tập, làm tốt công việc đảm nhận và còn tích cực tham gia hoạt xã hội. Câu lạc bộ này sẽ đi trò chuyện, truyền cảm hứng, tinh thần đến các thanh niên nói chung để cùng nâng cao tinh thần Sống đẹp đến nhiều người.
Quan tâm chế độ thai sản cho nữ cán bộ Đoàn cơ sở
Chị Dương Bảo Trân, Phó Bí thư xã đoàn Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho hay, hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh Hậu Giang đang già hóa độ tuổi Đoàn do gặp khó trong việc tinh giảm biên chế, không thi tuyển công chức; đồng thời, nhiều nơi cán bộ Đoàn, nhất là ở cơ sở đã hết tuổi. Cùng với đó là chế độ phụ cấp thấp, không đảm bảo được cuộc sống; không có chế độ bảo hiểm cho Bí thư Chi đoàn ấp, khu vực. Chưa kể, không có chế độ thai sản cho nữ Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn. Nhưng để tìm nguồn thay thế hoặc chuyển công tác sang vị trí khác thì lại gặp khó nhiều mặt về vị trí, trình độ, năng lực,…
Bản thân là nữ phó Bí thư xã đoàn, cán bộ bán chuyên trách chỉ hưởng phụ cấp hơn 1,6 triệu đồng tháng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác. Trong khi hiện nay, giá xăng, vật giá leo thang… gây ảnh hưởng lớn đến việc tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn tại địa phương. Đặc biệt vấn đề cần quan tâm nhất là nữ cán bộ Đoàn khi thai sản đến nay vẫn chưa có chế độ hỗ trợ.
Để giữ lửa và nhiệt huyết cho cán bộ bán chuyên trách cơ sở, Bí thư chi đoàn khu vực, ấp, tôi đề nghị cần có chế độ hỗ trợ thêm về phụ cấp và kinh phí hoạt động. Khi anh em có tinh thần, yên tâm công tác thì việc tập hợp thanh niên nông thôn tham gia các hoạt động Đoàn – Hội sẽ mang lại kết quả cao.