> Ùn tắc tại cửa ngõ Thủ đô
> Thủ đô sau lễ Quốc Khánh, đường cao tốc cũng tắc
Ngày 11/9, Chính phủ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết về việc khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, số điểm thường xuyên ùn tắc của Hà Nội giảm từ 124 điểm xuống còn 57 điểm. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, từ 2 năm nay, số vụ ùn tắc giảm 80%; 8 tháng đầu năm 2013 chưa có vụ ùn tắc giao thông nào.
Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia nêu: “Một bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ kiểm tra và xử lý vi phạm còn né tránh, thiếu trách nhiệm và buông lỏng nhiệm vụ được giao, thậm chí còn có những biểu hiện tiêu cực, thiếu công bằng, minh bạch trong xử lý, ảnh hưởng đến niềm tin của người tham gia giao thông, gây bức xúc trong dư luận; còn hiện tượng bảo kê, dung túng làm trái quy định trong hoạt động vận tải”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của các cấp các ngành và 2 địa phương đã quyết liệt từng bước kéo giảm ùn tắc. Tuy nhiên, tình hình giao thông Thủ đô và TPHCM còn vướng mắc ngay từ quy hoạch dân cư.
Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc di dời cơ sở đào tạo, bệnh viện, trường học vẫn rất chậm. Nguyên nhân do Hà Nội phải quy hoạch lại sau sáp nhập. “Bộ Y tế, các trường đại học có tình trạng di nhưng không dời, không chịu trả lại trụ sở. Phải có cơ chế biện pháp mạnh, rõ mới làm được, không quyết liệt thì gần như không có trường nào trả lại đất cho thành phố sử dụng”, ông Toàn nói.
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 5 năm qua, Hà Nội có 6 bộ ngành (Công an, Ngoại giao, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ và Thanh tra Chính phủ) đã hoàn thành việc di chuyển. UBND TPHCM tập trung chỉ đạo phối hợp thực hiện Quy hoạch di dời các cảng biển và Nhà máy đóng tàu Ba Son đúng tiến độ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông ở nội đô.
Ủy ban đánh giá công tác này hầu như đang giẫm chân tại chỗ. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng viện dẫn một số bệnh viện lớn như Việt - Đức, Bạch Mai ... không những không di dời mà còn xây dựng thêm.
Để giải quyết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với 2 thành phố để thực hiện việc di dời công sở, đề xuất với Chính phủ cơ chế về tài chính, quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh.