Mê người tài
Những ai biết Nguyễn Đình Toán đều thấy ở ông một niềm say mê đáng ngạc nhiên với văn hóa nghệ thuật. Những chương trình, những sự kiện văn hóa nghệ thuật dù lớn hay nhỏ, hiếm khi vắng mặt ông, đến mức bảo vệ của nhiều nhà hát, nhiều hội văn nghệ… “nhẵn mặt” nhiếp ảnh gia đặc biệt này. Lí do khiến ông không quản ngại vất vả mang máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp của văn nghệ sỹ, rất đơn giản: Tôi đặc biệt mê người tài. Nhạc sỹ Nguyễn Cường từng quả quyết: Không ai chụp ông có hồn hơn Nguyễn Đình Toán. Nguyễn Đình Toán cũng là chủ kho tàng ảnh đồ sộ về các nhà văn nổi tiếng Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Chẳng ai ngạc nhiên khi nhận được lời mời đến dự triển lãm ảnh lần thứ hai của Nguyễn Đình Toán, mang tên “Nhạc trưởng”. Một đời cầm máy miệt mài, mở triển lãm ảnh thứ hai, thật ra quá khiêm tốn với ông: “Tôi nhen nhóm triển lãm này từ năm ngoái rồi nhưng năm nay mới làm được. Năm nay nhân đầu tháng 9 có hai sự kiện âm nhạc: “Điều còn mãi” và ngày âm nhạc Việt Nam nên tôi gắng làm. Triển lãm chính thức khai mạc chiều hôm nay (5 giờ chiều ngày 17/9) nhưng trước đó tôi đã bày rồi. Mới đầu tôi chỉ giới thiệu 27 nhạc trưởng với 45 bức ảnh. Nhưng trong triển lãm chính thức số lượng tăng, hơn 30 nhạc trưởng với trên 50 ảnh. Tôi thêm được một số vị nhạc trưởng tên tuổi như Đàm Linh, Cao Việt Bách. Nhạc sỹ Đàm Linh đã mất còn nhạc sỹ Cao Việt Bách bây giờ cũng không thể lên sân khấu được rồi”. Cho đến sát ngày triển lãm, Nguyễn Đình Toán vẫn đi tìm phim gốc để đưa thêm chân dung nhạc sỹ Vũ Ngọc Quang vào triển lãm, người nhạc sỹ ông có quan hệ thân thiết nhất ngoài đời. Nhạc sỹ Vũ Ngọc Quang rất thích một tấm hình do Đình Toán chụp, khi còn sống ông treo tấm ảnh này trang trọng tại nhà riêng. Nhiếp ảnh gia hứa với nhạc sỹ, sẽ tìm bằng được phim gốc để phóng một bức ảnh to tặng nhạc sỹ. Bây giờ nhạc sỹ đã đi xa, triển lãm thứ hai đã mở ra nhưng Nguyễn Đình Toán vẫn chưa tìm thấy phim gốc nhưng ông tin: “Sớm muộn nhất định sẽ tìm được”.
Nguyễn Đình Toán thú nhận: Ông không biết thưởng thức nhạc giao hưởng nhưng lại ngưỡng mộ các vị chỉ huy dàn nhạc: “Nhạc công đã tài nhưng nhạc trưởng còn tài hơn”, đó là cảm nhận của cá nhân ông. Cũng bởi không biết thưởng thức nhạc không lời nên nhiếp ảnh gia có điều kiện để toàn tâm, toàn ý theo dõi từng động tác, biểu cảm của nhạc trưởng trên sân khấu.
Tiếc những giọt mồ hôi rơi
Ở lãnh địa văn chương, ông quen biết và gần gũi với nhiều nhà văn, nhà thơ đến độ hai bên tin cậy lẫn nhau. Khi còn sống, nhạc sỹ Văn Cao có thói quen uống rượu từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, Nguyễn Đình Toán được tự do đến thăm ông bất kể lúc nào, chỉ cần gật đầu chào ông rồi “muốn làm gì thì làm”. Nhưng ông thân thiết nhất với nhà thơ Hoàng Cầm, ông có thể ăn, ngủ ở nhà tác giả “Bên kia sông Đuống” hoặc cùng đi đây đó với nhau. Với hai nghệ sỹ đã khuất này, Nguyễn Đình Toán đã có hai cuộc triển lãm: Triển lãm lần đầu tiên của ông chính là triển lãm ảnh về nhạc sỹ Văn Cao, năm 2013, kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sỹ. Với Hoàng Cầm, ông có một triển lãm nội bộ nhân dịp giỗ đầu cố thi sĩ.
Tôi hỏi ông: “Chụp nhạc trưởng khác thế nào so với chụp nhà văn, nhà thơ?”. Nguyễn Đình Toán “bật mí”: “Chụp chân dung nhà văn, ống kính vớ vẩn có thể chụp được, phần lớn ống kính của tôi đều vớ vẩn. Nhưng chụp nhạc trưởng thì ống kính vớ vẩn là điều thiệt thòi lớn nhất”. Ngay lập tức, nhiếp ảnh gia mê người tài trấn an người nghe: “Nhưng không sao. Tôi không than phiền, không phiền lòng, có gì thì tôi dùng thế”. Nhưng nếu có phương tiện tốt thì Nguyễn Đình Toán sẽ có cơ hội thăng hoa hơn với đam mê của mình: “Hơn 20 năm tôi chụp nhạc trưởng, điều duy nhất tôi không làm được là chụp những giọt mồ hôi đang rơi, chỉ chụp được những giọt mồ hôi đọng trên má. Nếu ống kính tốt thì thế nào tôi cũng bắt được khoảnh khắc cống hiến tuyệt vời ấy”. Các nhạc trưởng trong nước ông có quen biết, còn các nhạc trưởng nước ngoài Nguyễn Đình Toán gần như không biết ai, trừ Honda Tetsuji, nhạc trưởng tài ba người Nhật.
Hỏi Nguyễn Đình Toán trong hơn 50 bức ảnh ở triển lãm “Nhạc trưởng” ông ưng nhất bức nào? Nguyễn Đình Toán không tìm được câu trả lời, bởi “cái nào cũng ưng cả”. Tấm cũ nhất ông chụp từ năm 1996, tấm mới nhất vừa chụp ngày 2/9 vừa qua. Vì tình yêu với những “đứa con” sinh ra, bối rối không biết nên chọn “đứa” nào dự triển lãm, bỏ lại “đứa” nào nên Nguyễn Đình Toán nhờ nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chọn hộ. Ông tin vào con mắt của người đang nắm giữ kho tư liệu ảnh về quê hương Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói vui: Nguyễn Đình Toán là “thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ”. Ông vẽ chân dung về nhiếp ảnh gia: “Cái đáng trọng nhất ở ông là tự nhiên. Tự nhiên nhi nhiên là đạt Đạo. Cũng đúng như ảnh của ông vậy. Không bố trí. Không cố tình. Không câu nệ. Thích thì chụp không thích thì thôi. Đã không thích thì các vàng cũng không”.